Dòng sự kiện:
Hậu chuyển giao vốn về siêu ủy ban: Lãnh đạo doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm
13/11/2018 14:22:24
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (siêu Ủy ban) vừa nhận 6 doanh nghiệp đầu tiên trong kế hoạch nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Siêu Ủy ban nhận 555.000 tỷ đồng vốn nhà nước 

Từ ngày 10/11, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chính thức do siêu Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.

Đây là các doanh nghiệp đầu tiên trong danh sách 19 doanh nghiệp sẽ phải chuyển giao cho Ủy ban (theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban). 6 doanh nghiệp này hiện nắm giữ trên 555.000 tỷ đồng, bằng một nửa tổng vốn nhà nước của 19 doanh nghiệp mà Ủy ban sẽ nhận chuyển giao.

Việc chuyển giao trên cũng là hoạt động đầu tiên được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về Ủy ban (Quy chế).

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc bàn giao chức năng, quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban sẽ khắc phục các hạn chế tồn tại trong các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý vốn nhà nước. “Việc phân biệt chức năng đại diện chủ sở hữu là cần thiết để kiến tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước quản lý ngày càng tốt hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Nguyên tắc bàn giao nguyên trạng

Theo Quy chế, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước đương nhiệm tại thời điểm chuyển giao có trách nhiệm tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định pháp luật trong quá trình chuyển giao.

Ủy ban và cơ quan chuyển giao sẽ đảm bảo quyền lợi về tiền lương, tiền thưởng cho người đại diện vốn nhà nước, kiểm soát viên từ nguồn do doanh nghiệp chi trả trong quá trình chuyển giao. Như vậy, các hoạt động nội bộ của các doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển giao không bị ảnh hưởng. 

Theo quy chế trên, việc bàn giao hồ sơ liên quan đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các cơ quan chuyển giao về Ủy ban theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng với từng doanh nghiệp chuyển giao và phần vốn nhà nước. 

Cụ thể, số liệu của hồ sơ bàn giao là số liệu báo cáo tài chính quý, năm của doanh nghiệp được lập gần nhất với thời điểm chuyển giao trong thời hạn chuyển giao theo quy định tại Nghị định 131/2018/NĐ-CP; số liệu về nhân sự là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện có tại thời điểm chuyển giao.

Ủy ban có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp triển khai các bước còn lại của quy trình cổ phần hóa, trình tự chuyển nhượng vốn nhà nước theo quy định.

Quá trình chuyển giao phải đảm bảo nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý doanh nghiệp trong quá trình chuyển tiếp theo quy định tại Điều 3, Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; có kế thừa tiến độ sắp xếp, chuyển đổi, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp; có sự phối hợp giữa các bên để xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định pháp luật.

Với doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa hoặc với phần vốn nhà nước đang thực hiện chuyển nhượng, Quy chế yêu cầu nội dung chuyển giao phải bao gồm kết quả công việc đã thực hiện liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Những băn khoăn còn lại

Ông Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), khi trao đổi tại Diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức cuối tuần trước vẫn chưa hết băn khoăn: “Ủy ban đi vào hoạt động, nhưng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, như cần kiện toàn đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, phẩm chất đạo đức đủ năng lực thực hiện ngay trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước”. 

Đặc biệt, việc tiếp nhận 9/12 doanh nghiệp thua lỗ của ngành công thương phải xử lý dứt điểm trước năm 2020; 4/19 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ (theo mục tiêu của Nghị quyết 12 phải xử lý trước năm 2020) cũng đang đặt Ủy ban vào một thử thách không nhỏ, trong khi Ủy ban chưa được giao quản lý nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, lợi nhuận để lại để có nguồn lực thực hiện được mục tiêu đến năm 2030. 

Theo ông Giang, lương và thu nhập của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty phải gắn với hiệu quả hoạt động để tạo động lực. “Cần có cơ chế đặc thù để Ủy ban thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đây là một trong các giải pháp quan trọng trong việc thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước với doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, ông Giang đề xuất.

Theo báo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến