Dòng sự kiện:
Hãy để cá con được sống!
09/06/2017 14:10:56
Nếu thường xuyên đi chợ, người tiêu dùng thường thấy bày bán những thau cá rô non (rô bí), cá lóc non (lòng ròng), cá sặt non... Chẳng những thế, những loài tép non (tép co), hàu sữa, cá biển con... cũng bị đánh bắt. Đó là những món “hàng độc”, lạ, nên thường đắt khách. Nắm được nhu cầu thị trường nên bà con nông dân đua nhau tận diệt cá con mà không nghĩ đến hậu quả.

Thị trường cá con sôi động vào mùa cá đẻ trứng, mùa nước nổi. Vào mùa này, nhiều khi cá được sinh ra mới có vài ngày cũng bị đánh bắt. Ai cũng biết tận diệt cá con sẽ làm ảnh hưởng hệ sinh thái, lưới thức ăn sinh vật... rồi đến một ngày con người sẽ chẳng còn cá để mà ăn! Nguồn cá nuôi đang thống lĩnh thị trường thực phẩm đã phần nào cho thấy sự thiếu hụt nguồn cá tự nhiên. Và vì thịt cá nuôi không ngon, kém an toàn (do việc sử dụng thức ăn, thuốc, nguồn nước...) nên người tiêu dùng lại quay về chuộng cá tự nhiên khiến cá non lại tiếp tục bị tận diệt, dòng đời của chúng ngày càng trở nên ngắn ngủi.

Ai cũng biết tận diệt cá con sẽ làm ảnh hưởng hệ sinh thái, lưới thức ăn sinh vật 

Nhiều quốc gia trên thế giới có những quy định chặt chẽ về việc đánh bắt cá, nhất là vào mùa chúng sinh sản. Không cần nói đâu xa, lấy Biển Hồ (Tonlé Sap, Campuchia) làm ví dụ. Người dân chỉ được phép đánh bắt cá sáu tháng trong năm, sáu tháng còn lại phải nghỉ tay để cá có đủ thời gian trưởng thành, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng, vì thế mà nơi này lúc nào cũng đầy ắp cá tự nhiên.
 
Luật Thủy sản của chúng ta có hiệu lực thi hành từ năm 2004, trong đó, điều 11 có ghi: “Khai thác thủy sản ở vùng biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác phải bảo đảm không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; phải tuân theo quy định về mùa vụ khai thác, thời hạn khai thác, vùng khai thác, chủng loại và kích cỡ thủy sản được khai thác, sản lượng cho phép khai thác hàng năm...”. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn chung chung, cơ quan chức năng thì dường như chỉ chú trọng giám sát đánh bắt hải sản mà chưa quan tâm tới tình trạng đánh bắt các loài thủy sản nhỏ, lẻ ở các đồng ruộng.
 
Ngày 21/3 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên họp về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Truyền thông đưa tin có nhiều ý kiến thống nhất cần phải bảo vệ nguồn thủy sản đang bị khai thác quá giới hạn. Hy vọng Luật Thủy sản mới có những sửa đổi phù hợp, cụ thể, chi tiết hơn để hạn chế một cách hiệu quả việc đánh bắt thủy sản, đặc biệt là việc tận diệt tôm cá non.
 
“Ở nước khác, mùa cá sinh sản đều cấm đánh bắt, họ cũng quy định rõ loại cá nào thì được đánh, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng ở ta không cấm rõ ràng, mùa cá sinh sản ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt hết nên mới dẫn đến câu chuyện tận diệt”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Võ Trọng Việt đưa ra và đề nghị “cần phải có quy định cấm rõ ràng trong luật”.
 
Để cá con không bị tận diệt, dẫn đến tài nguyên thủy sản, hải sản cạn kiệt, Luật Thủy sản cần được sửa đổi theo hướng ngăn chặn và xử lý nghiêm việc tận diệt cá con. Đồng thời, chính quyền các địa phương quan tâm vận động người dân không đánh bắt cá con mà nên thả cho chúng về với thiên nhiên. Hơn hết, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường chúng ta đang sống, từ việc chấm dứt đánh bắt cá con, không mua bán và tiêu thụ cá con. Cũng mong rằng các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức không đánh bắt, tiêu thụ cá con, vì thiên nhiên, vì môi trường sống của tất cả chúng ta.

Mai An (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến