Dòng sự kiện:
HDBank sẽ gặp khó trước định hướng thắt chặt tín dụng của NHNN?
09/03/2019 17:50:24
HSC nhận định, HDBank có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tối ưu hoá hiệu quả của hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch mới thành lập do chủ trương thắt chặt tăng trưởng cho vay trong năm 2019.

Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC) về Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank – HDB) mới đây công bố, HDBank có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tối ưu hoá hiệu quả của hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch mới thành lập do chủ trương thắt chặt tăng trưởng cho vay trong năm 2019.

Theo HSC, với định hướng thắt chặt tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2019 và một vài năm tới, HDBank có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tối ưu hoá hiệu quả của hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch mới thành lập.

Trong năm 2018, ngân hàng đã mở thêm 40 chi nhánh và phòng giao dịch mới, nâng tổng số điểm giao dịch lên 284, tăng 18,8% so với năm trước. Trong quí I/2018, ngân hàng đẩy mạnh cho vay (tăng 11,5% so với đầu năm và sử dụng toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu trong quí II (tăng 16,2%). HDBank phải tạm ngừng tăng trưởng cho vay trong quí III và tiếp tục cho vay ra trong quí IV sau khi được NHNN cho phép.

Theo HSC, tình trạng này có thể được giải quyết nếu HDBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn hơn sau khi hoàn tất sáp nhập với PG Bank. Tuy nhiên mức bạn mức mới có thể không cao hơn 30%, ở khoảng 20 - 25%.

Cũng do nguyên nhân tăng trưởng tín dụng bị kìm hãm mà tỉ trọng cho vay khách hàng trong tổng tài sản sinh lãi của HDBank đã giảm về dưới 60%, thấp hơn mức bình quân của các ngân hàng khác (khoảng 70%). Điều này đã dẫn đến lợi suất gộp bình quân thấp và tỉ lệ NIM mỏng. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng khá thấp, HDBank buộc phải giải ngân vào trái phiếu chính phủ và cho vay liên ngân hàng.

Bên cạnh vấn đề về tăng trưởng tín dụng, HDBank cũng phải đối mặt với việc trích lập dự phòng của ngân hàng còn mỏng hơn so với bình quân ngành. Ngân hàng mẹ đã trích khoảng 257 tỉ đồng chi phí dự phòng, giảm 38,8% so với năm trước. Tuy nhiên, tỉ lệ chi phí dự phòng cụ thể thực tế/ chi phí dự phòng cụ thể tối đa (không tính gái trị tài sản bảo đảm) là rất thấp.

Điều này hàm ý rằng tổng giá trị tài sản bảo đảm do HDBank nắm giữ có thể ở mức cao hơn so với các ngân hàng khác và nếu HDBank cần phải trích lập dự phòng toàn bộ cho các khoản nợ xấu và xoá các khoản nợ này trong trường hợp nợ xấu tăng cao thì cần phải trích lập đáng kể chi phí dự phòng. Nếu ước mức trích lập khoảng 50% (tỉ lệ bình quân ngành) thì HDBank sẽ cần trích lập thêm 300 tỉ đồng chi phí dự phòng cụ thể.

Hệ số CAR của ngân hàng mẹ đã giảm từ 13,4% cuối năm 2017 lên 11,2%. Trong đó hệ số CAR từ vốn cấp 1 là 9,9%, từ vốn cấp 2 là 1,3% do trái phiếu cấp 2 đã giảm từ tháng 2/2018. Do đó, HDBank đứng trước thách thức cần phải sớm tăng vốn. Mặc dù việc sáp nhập PG Bank sẽ không tạo ra áp lực làm giảm CAR nhưng sau sáp nhập HDBank dự kiến mua lại 38% số lượng cổ phiếu PG Bank làm cổ phiếu quĩ ngay sau khi phân phối cho cổ đông HDBank. Số cổ phiếu này sẽ được bán đấu giá cho nhà đầu tư với giá cao khi thị trường thuận lợi. Điều này làm cho hệ số CAR sau sáp nhập sẽ không cải thiện nhanh.

HDBank dự kiến phát hành khoảng 300 triệu trái phiếu chuyển đổi (tương đương 6.900 tỉ đồng và 70% số lượng cổ phiếu lưu hành) cho nhà đầu tư nước ngoài với mục đích nâng cao năng lực vốn. Tuy nhiên, do thông tin cụ thể về lãi suất, coupon, giá chuyển đổi, thời gian chuyển đổi,...

Theo HSC, do qui mô phát hành lớn nên điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của HDBank và tạo ra rủi ro pha loãng cổ phiếu.

Mức giá ước tính hợp lý của cổ phiếu HDB được HSC đưa ra là 38.500 đồng/cp, tương đương với P/B là 2,4 lần. HDBank được đánh giá là ngân hàng tốt với room ngoại vẫn còn trống mặc dù định giá cổ phiếu không còn rẻ. Mức P/B này được dựa trên cơ sở: Một là, HDB duy trì được sự cân bằng giữa hoạt động ngân hàng và truyền thống, bên cạnh những hưởng lợi lớn từ hệ sinh thái với Vietjet, HDSaison và Petrolimex sau khi thương vụ sáp nhập thành công. Hai là, HDB chưa trích lập hết trái phiếu VAMC nhưng phần này không lớn, chỉ bằng 0,44% tổng dư nợ. Ba là, cho dù có phải trích lập thêm chi phí dự phòng và cộng thêm dự phòng VAMC thì BVPS hiện tại của HDB cũng chỉ giảm từ 15.938 đồng xuống 15.291 đồng, nên giá trị hợp lý thì P/B sau khi điều chỉnh như trên chỉ là 2,5 lần. Và bốn là ROAE năm 2018 ở mức 20,3%; ROAA ở 1,58% còn năm 2019 dự tính lần lượt 23,2% và 1,87%.

Xét về tổng thể, HSC dự báo năm 2019 lợi nhuận trước thuế có thể đạt 5.098 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2018, trong đó ngân hàng mẹ đạt 4.063 tỷ đồng, tăng 25% còn công ty HD Saison đóng góp 1.215 tỷ. Những nhận định này dựa trên giả định tín dụng tăng trưởng 18,2%; tiền gửi khách hàng tăng 14,1%; NIM đạt 4,47% nhờ tỷ lệ NIM của ngân hàng mẹ tiếp tục cải thiện. Tổng thu nhập lãi thuần được HSC dự báo đạt 9.243 tỷ đồng với mức tăng trưởng 20,9%, trong đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ tăng 21,7% đạt 7.525 tỷ. Thu nhập ngoài lãi dự báo tăng 20,3% đạt 2.159 tỷ đồng trong đó mảng bancassurance sẽ phát triển mạnh.Về thương vụ sáp nhập PGBank, ngân hàng vẫn đang đợi phê duyệt cuối cùng từ NHNN và các chuyên gia của HSC cho rằng quan hệ hợp tác độc quyền với Petrolimex trong 10 năm tới sẽ giúp HDB hoàn thiện chiến lược bán lẻ đa ngành nghề.

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến