Dòng sự kiện:
Mùa đại hội đồng cổ đông các ngân hàng năm 2019: Ba vấn đề lớn!
07/03/2019 13:01:37
Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đang đến gần, trong đó cuộc họp của các ngân hàng luôn thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.

Mùa ĐHĐCĐ các ngân hàng năm nay nổi lên ba vấn đề lớn là bầu nhân sự mới, kế hoạch chia cổ tức và tăng vốn.

Các cổ đông chờ đợi mùa ĐHĐCĐ 2019 sẽ có kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức tích cực. (Ảnh: Thành Hoa)

Bầu nhân sự mới

Tính đến nay, đã có nhiều ngân hàng thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019. Dự kiến nhiều ngân hàng trong năm nay sẽ bầu hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ mới. Sacombank cho biết dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 26/4 tại TP HCM. Trong khi đó, SHB cũng vừa cho biết dự kiến tổ chức sớm hơn, ngày 234, tại Hà Nội. Vietcombank (VCB) thì thông báo ngày 18/3 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận quyền tham dự cuộc họp, còn ngày họp chính thức sẽ là 26/4 tại Hà Nội. LienVietPostBank có lẽ là ngân hàng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sớm nhất, dự kiến vào ngày 28/3 tại TP HCM. Ngay sau đó, ngày 29/3 VIB sẽ tổ chức ĐHĐCĐ, cũng tại TP HCM.

Hiện chưa có ngân hàng nào công bố tài liệu cho cuộc họp sắp tới, tuy nhiên một số nội dung cũng đã được hé lộ. Trong mùa ĐHĐCĐ năm nay, nhiều ngân hàng sẽ tiến hành bầu HĐQT và ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới. Trong đó, Saigonbank và MBBank sẽ bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ năm năm 2019 - 2024. Tại VIB, nhiệm kỳ 2016 - 2019 của HĐQT và BKS sẽ kết thúc vào phiên họp tới đây, ngân hàng sẽ bầu nhiệm kỳ mới bốn năm (2019 - 2023), dự kiến HĐQT sẽ có bảy thành viên trong đó sáu thành viên thông thường và một thành viên độc lập.

Chờ tin cổ tức, cổ phiếu thưởng

Báo cáo tài chính năm 2018 tự lập của nhiều ngân hàng cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số, vượt xa kế hoạch đề ra. Điều này khiến các cổ đông chờ đợi mùa ĐHĐCĐ 2019 sẽ có kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức tích cực.

Ngân hàng VCB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 18.300 tỉ đồng, tăng 62%, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông ngân hàng là 14.641,5 tỉ đồng, tăng 61% so với năm 2017. Với kết quả này, VCB đã vượt 38% kế hoạch lợi nhuận, khoản mục lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm 2018 đạt 20.029 tỉ đồng, gấp 2,3 lần con số đầu năm.

Bên cạnh đó, khoản mục thặng dư vốn cổ phần từ thương vụ bán vốn cho Mizuho và GIC đã giúp VCB thu về khoảng 5.000 tỉ đồng. Nguồn lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần lớn khiến cổ đông VCB kỳ vọng ngân hàng này sẽ có kế hoạch phân phối cổ tức, cổ phiếu thưởng ở mức cao (kế hoạch trước đó là cổ tức tiền mặt 8%).

Tại Ngân hàng Quân đội (MBB), với 6.190 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế thu được trong năm 2018, tăng 77% so với năm 2017, MBB có lợi nhuận chưa phân phối là 7.124 tỉ đồng, tương đương 33% vốn điều lệ. Với kết quả này, ngoài phần cổ tức tiền mặt 6% duy trì như những năm trước, cổ đông MBB trông chờ ngân hàng sẽ có phương án chia thêm cổ tức. Trong năm 2018, cổ đông MBB đã nhận cổ tức 6% bằng tiền mặt, 14% bằng cổ phiếu và 5% cổ phiếu thưởng, khá cao so với lịch sử chi trả bình quân ở mức 10-11%/năm của ngân hàng này.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng trong năm 2018 lần lượt là 30,2% và 31,6%. Với 6.100 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 1.289 tỉ đồng thặng dư vốn cổ phần và 2.491 tỉ đồng cổ phiếu quỹ mua lại từ cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi trong năm qua, cổ đông VPB tiếp tục kỳ vọng sẽ nhận được mức cổ tức cao trong năm nay. Lạc quan cũng là tâm trạng chung của nhiều cổ đông ngân hàng khác có lợi nhuận tăng trưởng cao trong năm 2018 như BID, TCB, ACB, HDB…

Tăng vốn vẫn là yêu cầu cấp thiết

Ngoài việc bầu nhân sự mới và kế hoạch chia cổ tức, nội dung tăng vốn điều lệ sẽ vẫn là trọng tâm của cuộc họp ĐHĐCĐ của nhiều ngân hàng trong năm nay, đặc biệt khi thời điểm áp dụng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn đang đến gần. Nhiều kế hoạch tăng vốn trong các năm qua đã không thể thực hiện hoặc mới chỉ thực hiện được một phần, chủ yếu thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cho cán bộ nhân viên.

Đơn cử như tại LienVietPostBank, ngân hàng muốn tăng vốn lên 7.500 tỉ đồng trong năm 2018 nhưng chưa thể thực hiện, nội dung này sẽ tiếp tục có trong cuộc họp năm nay. Hay tại VCB, một tờ trình đáng chú ý trong năm nay là phương án tăng vốn điều lệ. Trước thềm kết thúc năm 2018, ngân hàng này đã tăng vốn lên 37.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho và quỹ GIC của Singapore, tuy nhiên số cổ phiếu này chỉ bằng 31% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán ban đầu.

Hay cấp bách nhất về tăng vốn hiện nay là VietinBank. Do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã tới mức tối thiểu từ tháng 9/2018 tới nay, nên ngân hàng này không thể tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2018, hoạt động tín dụng của VietinBank chỉ tăng 6,1%, riêng quí 4-2018 giảm hơn 26.000 tỉ đồng vì không tăng được vốn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến VietinBank phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 từ mức 10.800 tỉ đồng xuống 7.600 tỉ đồng. Kết thúc năm 2018, VietinBank đạt 9.500 tỉ đồng lợi nhuận, nhưng vấn đề cổ tức vẫn chưa được tiết lộ, mà phải đợi đến kỳ họp ĐHĐCĐ năm 2019.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến