Dòng sự kiện:
Hiện tượng 'kiểm soát nợ xấu lý tưởng' chiếu sang ngân hàng Việt
08/04/2019 20:00:36
Hiện tượng trên thị trường Việt Nam, có nét tương đồng trong kiểm soát nợ xấu, mà các tổ chức tín dụng không thể đạt được.

Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ đề xuất cho thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) như một hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Có mặt trên thị trường khoảng hai năm trở lại đây, một số công ty trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) bắt đầu mở rộng trên thị trường Việt Nam.

Tương đồng nhưng khác biệt

Mô hình mới này có những nét tương đồng với hoạt động của các tổ chức tín dụng: làm trung gian tài chính kết nối và đáp ứng các nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế.

Trong nét tương đồng đó, hiện tượng xuất hiện và chiếu sang các tổ chức tín dụng truyền thống được chú ý ở kiểm soát chất lượng các khoản vay, cụ thể ở tỷ lệ nợ xấu.

Theo giới thiệu của Vnvon - “công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực P2P Lending”, tỷ lệ nợ xấu tại đây hiện được kiểm soát ở mức… 0%.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu bằng 0 như vậy đặt trong điều kiện lãi suất cho vay cao hơn tín dụng truyền thống của các ngân hàng thương mại. Như giới thiệu của đầu mối Vnvon, các nhà tài trợ vốn qua kênh này nhận được lãi suất lên tới 15 - 22%/năm. Lãi suất cao thường đi cùng với rủi ro cao, áp lực trả nợ cao và thường gây sức ép gia tăng nợ xấu.

Còn trong suốt chiều dài lịch sử hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam, chưa có một trường hợp nào đạt được tầm kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức lý tưởng 0% đó.

Hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại luôn song hành với rủi ro, còn lại là việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức độ định hướng. Như tại Việt Nam thời gian qua và hiện nay, tỷ lệ dưới 3% là yêu cầu để quy chiếu trong quản lý, cũng như để Ngân hàng Nhà nước xem xét trong cấp phép mở mới các hoạt động kinh doanh…

Thừa nhận có rủi ro, nhưng theo giới thiệu của Vnvon, “tỷ lệ nợ xấu lý tưởng” chỉ 0% đó gắn với việc kiểm soát từ khâu kiểm định nhà đầu tư, thẩm định, cũng như các công ty P2P Lending sẽ có biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư thu hồi vốn.

Mặt khác, mô hình P2P Lending mới hoạt động tại Việt Nam, quy mô huy động và cho vay riêng lẻ tại mỗi đầu mối chưa nhiều. Tỷ lệ nợ xấu theo đó cần thời gian để tiếp tục kiểm chứng.

Nhưng, ngược lại, dù mới tham gia thị trường những sức hút của mô hình này đang mở rộng.

Như tại Vnvon, đầu mối này giới thiệu hiện đã huy động thành công hơn 50 tỷ đồng, và đặc biệt là đã có hơn 300 doanh nghiệp huy động vốn thành công qua kết nối của họ.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng

P2P Lending đang bước những bước đi đầu tiên trên thị trường Việt Nam. Vững chắc như tỷ lệ nợ xấu lý tưởng 0% như trên không phải là mẫu số chung của tất cả các thành viên, cũng chưa đủ đại diện lâu dài cho môi trường mới này.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt ra hoài nghi.

Ngày 24/12/2018, sau những thông tin nổi lên về hoạt động của P2P Lending, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức lên tiếng, với những khuyến cáo tới công chúng.

“Thực tế hoạt động của mô hình này trong thời gian qua cho thấy vẫn còn tồn tại như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia”, nhà quản lý hoạt động các tổ chức tín dụng tại Việt Nam nêu thực tế.

Cơ quan này cũng nghi ngại: “Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending”.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu một loạt các yếu tố tiềm ẩn rủi ro ở hoạt động P2P Lending như: thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật; hệ thống lưu trữ thông tin của công ty P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa; một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp…

Để giảm thiểu các rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ các đầu mối tham gia hoạt động này, kích thích những tiện ích và thế mạnh của công nghệ, kích thích kết nối các nguồn lực trong nền kinh tế, cơ chế quản lý và kiểm soát đang đặt ra.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 1/4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, P2P Lending là quan hệ dân sự, pháp luật hiện hành chưa giao cho một cơ quan nào quản lý phần công việc này.

“Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ đề xuất cho thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) như một hoạt động kinh doanh có điều kiện”, bà Hồng cho biết.

* P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến