Hiệu phó Đại học Thủy lợi Trần Viết Ổn chia sẻ với VnExpress về cơ sở hơn 1.000 tỷ đồng ở Hưng Yên chỉ thi thoảng có vài trăm sinh viên học Giáo dục quốc phòng.
Đại học Thủy lợi căn cứ vào đâu để mở rộng cơ sở hạ tầng ở khu vực phố Hiến (tỉnh Hưng Yên) với quy mô hơn 56 ha?
Hiệu phó trường Đại học Thủy lợi - GS Trần Viết Ổn.
Năm 2005, Đại học Thủy lợi xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2006-2020 với quy mô đào tạo đến năm 2020 là 22.420 sinh viên. Đối chiếu với các chỉ tiêu quy hoạch theo tiêu chuẩn Việt Nam 1986, các tiêu chí về diện tích giảng đường, thư viện, ký túc xá, mặt bằng đất đai... trên một sinh viên ở cơ sở 175 Tây Sơn (Hà Nội) đều dưới mức chuẩn khá xa.
Cụ thể, Đại học Thủy lợi ở Hà Nội có diện tích đất khoảng 8 ha, giảng đường đáp ứng khoảng 8.000 sinh viên, thư viện khoảng 4.000. Số sinh viên chính quy thực tế hiện nay là gần 11.000. Theo quy định 1986, diện tích đất trên một sinh viên là 50 m2, thì với số người học hiện nay, trường phải có diện tích 55 ha. Như vậy, cơ sở 175 Tây Sơn bị quá tải, cần tìm khu đất ngoài để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng.
Chiến lược phát triển Đại học Thủy lợi giai đoạn 2006-2020 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Năm 2006, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đồng ý với chủ trương đầu tư nâng cấp phát triển của trường bằng các nguồn vốn, trong có có vốn vay ADB.
Ban đầu, dự án mở rộng Đại học Thủy lợi được đặt tại huyện Chương Mỹ (tỉnh Hà Tây cũ) nhưng sau khi Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, đẩy giá đền bù đất ở Chương Mỹ từ 60 tỷ đồng lên hơn 480 tỷ đồng, dự án gặp khó khăn. Thời điểm đó, tỉnh Hưng Yên ra đề án thành lập khu đô thị đại học phố Hiến, có chính sách mời gọi trường đại học về, tỉnh hỗ trợ bàn giao mặt bằng sạch. Được sự đồng ý của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, dự án mở rộng Đại học Thủy lợi chuyển địa điểm đến khu đại học phố Hiến (tỉnh Hưng Yên).
Quy mô của dự án ở Hưng Yên là 56,35 ha, gồm 2 khối giảng đường đáp ứng nhu cầu đào tạo cho 13.400 sinh viên và một ký túc xá hơn 4.000 chỗ ở. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.125 tỷ đồng, gồm trên 979 tỷ đồng vốn vay ABD, trên 138 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và trên 7,6 tỷ đồng vốn trường tự huy động.
Dự án xây dựng cơ sở ở Hưng Yên của trường bắt đầu thi công năm 2014, đến tháng 12/2016 thì hoàn thành.
Vì sao sau khi đưa vào sử dụng, nhà trường thi thoảng mới bố trí vài trăm sinh viên chỉ để học Giáo dục quốc phòng, trong một tháng?
Chúng tôi gặp khó khăn do Hưng Yên chưa hoàn thành hạ tầng khu đô thị đại học phố Hiến như kế hoạch ban đầu. Theo quy hoạch, khu đại học phố Hiến thu hút khoảng 10 đại học, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm thư viện, khu thể dục thể thao hiện đại... phục vụ chung cho các trường, kết nối giao thông thuận tiện. Chúng tôi kỳ vọng khi dự án mở rộng, Đại học Thủy lợi hoàn thành thì các hạ tầng trên của khu đại học phố Hiến cũng xong. Tuy nhiên, đến nay đô thị đại học vẫn chưa thành hình, chưa có thư viện, khu thể thao, kết nối đường xá...
Trước đây, nhiều trường như Đại học Giao thông Vận tải, Học viện Y học dược học cổ truyền Việt Nam, Học viện Tài chính… cũng xin về khu đại học phố Hiến. Chúng tôi nghĩ, với nhiều trường như thế, sẽ tạo ra không gian giao lưu học tập, nghiên cứu hoàn hảo. Nhưng thực tế hiện nay trong toàn khu đại học phố Hiến rộng 1.000 ha này, có duy nhất cơ sở của Đại học Thủy lợi đã xây xong và đi vào hoạt động.
Tháng 12/2016, dự án ở Hưng Yên hoàn thành thì tháng 2/2017 Đại học Thủy lợi đã đưa luôn 3.000 sinh viên của toàn khóa 58 xuống học. Chúng tôi đã rất hồ hởi vì nghĩ sinh viên được học tập trong môi trường rộng rãi, cơ sở vật chất phòng học, chỗ ở hiện đại, khang trang. Kết quả học tập học kỳ đó của sinh viên cũng khá tốt. Tuy nhiên, nhà trường không lường trước được tác động tâm lý mạnh mẽ của các em với những hạ tầng còn thiếu của khu đô thị phố Hiến.
Cơ sở ở khu đại học phố Hiến (Hưng Yên) của trường Đại học Thủy lợi rộng hơn 56ha gồm 2 khối giảng đường và một ký túc xá hiện đại. Ảnh: Giang Huy.
Sinh viên chia sẻ gặp khó khăn trong đi lại do trường cách xa khu vực xung quanh, cảm thấy buồn vì không có không gian kết nối, khu vực để giải trí, khó khăn kiếm việc làm thêm... Các em không muốn học ở cơ sở Hưng Yên. Nhà trường sau đó phải chuyển toàn khóa 58 về Hà Nội.
Việc vội vã đưa sinh viên cả khóa 3.000 em xuống Hưng Yên đã gây tác động ngược cho Đại học Thủy lợi. Mùa tuyển sinh năm 2017 (tháng 8/2017), lần đầu tiên trường chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu, những năm trước xấp xỉ 100%. Theo điều tra của trường, việc sinh viên truyền nhau chuyện học ở Hưng Yên khó khăn, buồn chán, đã tác động đến tâm lý của học sinh khi đăng ký chọn trường.
Chúng tôi sau đó áp dụng mô hình chuyển dần dần, cho các em làm quen với cơ sở mới và làm tốt công tác tư tưởng cho sinh viên. Từ tháng 12/2017 tới nay, nhà trường bố trí 4 đợt đưa sinh viên khóa 58 xuống cơ sở Hưng Yên học Giáo dục quốc phòng. Mỗi đợt học có khoảng 400-500 em, thời gian 1-1,5 tháng.
Ông nghĩ sao khi 87% chi phí xây dựng cơ sở ở Hưng Yên là vốn vay ADB, nhưng thường xuyên để trống?
Như đã nói chúng tôi cũng không lường được tác động tâm lý của sinh viên. Trước mắt, để nâng cao hiệu quả đầu tư, nhà trường sẽ tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, khóa học ngắn hạn, khóa học chuyên ngành... ở cơ sở Hưng Yên. Trường đồng thời tập trung đào tạo Giáo dục quốc phòng - An ninh, tăng cường liên doanh, liên kết vớiđơn vị có nhu cầu về cơ sở vật chất. Các đơn vị khoa học công nghệ, trung tâm thuộc trường... cũng được yêu cầu di chuyển hoặc mở văn phòng ở Hưng Yên để tạo không khí làm việc. Hiện nay trung tâm Giáo dục quốc phòng của trường (được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép) hoạt động rất hiệu quả, một số phòng ban đã di chuyển xuống đây làm việc.
Để sinh viên quen dần với việc học tập tại cơ sở mới, ban đầu Đại học Thủy lợi sẽ chuyển các học phần thực hành, thực tập, thí nghiệm xuống Hưng Yên. Tiếp đó, từng môn, từng lớp sẽ về đây học theo từng học kỳ và tiến tới là cả khóa. Chúng tôi đồng thời có chính sách miễn giảm học phí, chỗ ở (trong thời gian đầu) cho sinh viên học ở cơ sở Hưng Yên.
Với kế hoạch đó, hy vọng 3-4 năm nữa cơ sở mới sẽ được lấp đầy sinh viên.
Vậy những hạ tầng thư viện, khu thể thao, kết nối đường xá... mà khu đại học phố Hiến chưa đáp ứng được, Đại học Thủy lợi sẽ giải quyết như thế nào để thu hút người học về cơ sở Hưng Yên?
Chúng tôi đã bắt đầu giải quyết tồn tại về cơ sở vật chất. Cụ thể, nhà trường đã đầu tư 3 tỷ đồng làm sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng rổ, bóng chuyền, mua sắm dụng cụ thể thao để ngoài trời. Khóa sinh viên 59 xuống học Giáo dục Quốc phòng ở Hưng Yên rất hào hứng với không gian mới này. Đại học Thủy lợi cũng đầu tư hệ thống thư viện với thiết bị mượn trả sách tự động, kiểm soát người ra vào... Vốn đầu tư cho các hạng mục này được tận dụng từ nguồn dư của dự án mở rộng trường ở Hưng Yên.
Một kế hoạch lớn khác của trường là xây dựng hệ thống thí nghiệm ngoài trời công nghệ cao ở Hưng Yên. Đây là điều kiện sống còn để nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực khoa học công nghệ của nhà trường. Với mức vốn khoảng 30 tỷ đồng, Đại học Thủy lợi dự kiến đầu tư trung hạn 5 năm, mỗi năm dành ra một ít thì vẫn làm được.
Hiện nay tỉnh Hưng Yên cũng hứa hẹn đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành hệ thống đường kết nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ. Nếu họ thực hiện đúng và mở tuyến xe buýt đi qua khu vực trường Thủy lợi như chúng tôi đề xuất, việc đi lại của sinh viên sẽ thuận lợi hơn.
Cơ sở ở Hưng Yên của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã bắt đầu xây; Đại học Giao thông Vận tải cũng có vẻ quyết liệt mở cơ sở tại khu đô thị phố Hiến. Chúng tôi hy vọng 2-3 năm nữa các đại học này sẽ hoàn thành dự án, để tạo không gian kết nối, giao lưu, học tập nghiên cứu cho sinh viên, cán bộ giảng viên.
Mùa tuyển sinh năm 2018, Đại học Thủy lợi tuyển bao nhiêu chỉ tiêu ở cơ sở Hưng Yên?
Theo quy định, cơ sở ở Hưng Yên phải trở thành phân hiệu của Đại học Thủy lợi mới được tuyển sinh. Nhà trường đã gửi đề án khá lâu lên Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng chưa được phản hồi.
Bộ mới đồng ý cho trường tuyển thí điểm 300 sinh viên ở cơ sở mới năm 2018. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng tuyển được càng nhiều càng tốt và giảm chỉ tiêu đào tạo trên Hà Nội. Như thế về tổng chỉ tiêu không thay đổi.
>> Xem thêm
Trường hơn 1.000 tỷ đồng chỉ vài trăm sinh viên theo học
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- khóa học tiếng anh giao tiếp
- Cách nhận biết danh từ, động từ, tính từ
- Phần mềm nhân sự trong giáo dục
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy