Dòng sự kiện:
Hình ảnh bất hủ của những anh hùng liệt sỹ trẻ
16/09/2015 11:08:45
ANTT.VN – Trước gọng súng hiên ngang hô lớn, lấy thân mình lấp lỗ châu mai,… là hình ảnh vang mãi thời gian, là tượng đài bất hủ của những anh hùng liệt trẻ trong kháng chiến cứu nước.

Tin liên quan

1. Võ Thị Sáu (1933 – 1952)

Võ Thị Sáu hiên ngang trước kẻ thù 

Võ Thị Sáu sinh ra tại vùng Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới 14 tuổi, chị đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở chiến khu. Năm 1949, chị tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ làm liên lạc, tiếp tế. Năm 1950, tại Trận chiến Đất Đỏ, chị bị chính quyền Pháp bắt sau khi đã ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết cai tổng Tòng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp. Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 16 tuổi, nhưng Võ Thị Sáu hiên ngang khẳng định: “Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Và khi quan tòa rung chuông ngắt lời, tuyên án: “Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản”, chị hô lớn: “Đả đảo thực dân Pháp! Kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Tòa án binh Pháp kết án tử hình chị vào tháng 4 năm 1951. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, quân Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo dù các luật sư biện hộ cho chị đã phản đối án tuyên này với lí do chị chưa đủ 18 tuổi. Vào 7 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952, chị bị xử bắn tại Côn Đảo.

2. Phan Đình Giót (1922 -1954)

Phan Đình Giót lấy thân mình bịt lỗ châu mai

Phan Đình Giót sinh ra tại làng Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh trong một gia đình rất nghèo. Bố ông bị chết vì đói. Ông phải đi ở tù năm 13 tuổi và chịu đựng cảnh cực nhọc, vất vả. Năm 1950, Phan Đình Giót xung phong đi bộ đội chủ lực và tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ.
Ngày 13 tháng 3 năm 1954, tại trận Him Lam, Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên tiêu diệt hỏa lực địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh này mãi mãi là hình tượng sáng ngời khí thế tiến công của người chiến sĩ cách mạng.

3. Lí Tự Trọng (1914-1931)

Lý Tự Trọng là một trong những nhà cách mạng trẻ tuổi của Việt Nam.

Năm 10 tuổi , Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập, và hoạt động trong Hội Thanh Niên Cách mạng đồng chí. Ngày 9 tháng 2 năm 1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Tuy nhiên, sau đó ông đã bị bắt giam vào Khám Lớn và bị kết án tử hình ngày 20 tháng 11 năm 1931 khi mới 17 tuổi. Sự kiện này làm dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Khám Lớn và từ đó cai ngục tại đây luôn gọi Lý Tự Trọng là “Ông Nhỏ”.

4. Trần Văn Ơn (1931-1950)

Cuộc biểu tình của hơn 6000 học sinh - sinh viên và giáo viên ở Sài Gòn năm 1950

Trần Văn Ơn được coi là trụ cột của phong trào học sinh yêu nước của trường Petrus Ký. Ngày 9/1/1950, ở Sài Gòn đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn 6000 học sinh – sinh viên và giáo viên các trường yêu cầu thủ tướng Trần Văn Hữu thả ngay những học sinh, sinh viên bị bắt. 13 giờ ngày hôm đó, chính phủ của thủ hiến Trần Văn Hữu đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp phong trào biểu tình, đem vòi rồng phun nước và dùng dùi cui đánh đập tàn nhẫn người biểu tình. Cuộc đàn áp này đã dẫn tới việc bắt đi 150 người, đánh đập 30 người trọng thương tại chỗ. Không lùi bước trước kẻ thù, Trần Văn Ơn cùng một số bạn bè hiên ngang tiến về phía trước lớn tiếng tố cáo tội ác, che chở cho các em ở phía sau và đã bị trúng đạn vào bụng. Do vết thương quá nặng nên anh đã qua đời khi chưa đầy 19 tuổi.

Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó. Anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000.

5. Nguyễn Văn Trỗi (1940-1964)

Nguyễn Văn Trỗi hiên ngang tại pháp trường

Nguyễn Văn Trỗi là người đã thực hiện cuộc đánh bom không thành nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Mc Namara. Anh bị bắt và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình. Trước khi bị xử tử, anh hô lớn “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi trong bức ảnh chụp Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước – nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

Hoàng Hà (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến