Dòng sự kiện:
HNX sẵn sàng triển khai đấu giá theo phương thức dựng sổ
28/04/2019 07:00:17
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn Nhà nước theo phương thức dựng sổ.

Chủ tịch HĐQT Sở GDCK Hà Nội Nguyễn Thành Long cho biết, điểm ưu việt của phương thức này là ở khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. HNX sẽ tiến hành tập huấn các CTCK để sẵn sàng giúp các DN bán vốn theo phương thức mới từ tháng 6/2019. 

So với phương thức đấu giá công khai được áp dụng phổ biến hiện hành thì phương thức mới có ưu việt gì, thưa ông?

Cơ chế phát hành IPO (lần đầu ra công chúng), thông lệ quốc tế thường áp dụng phương thức dựng sổ chứ ít khi theo phương thức đấu giá như Việt Nam đang áp dụng. Với phương thức này, giá cổ phiếu của đợt phát hành sẽ được quyết định trên cơ sở nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư đối với số lượng phát hành khác nhau.

Với phương thức đấu giá qua dựng sổ, điểm ưu việt nằm ở khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư hơn so với các phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp) cũng như đem lại tỷ lệ thành công cao hơn.

Điều này có được là nhờ có thêm bước thăm dò nhu cầu thị trường để xác định giá bán với việc tổ chức giới thiệu việc bán cổ phần đến các nhà đầu tư, xác định khoảng giá dựng sổ, cung cấp thông tin về tình hình đặt mua ứng với quy mô vốn huy động khác nhau để nhà đầu tư có thể đưa ra mức giá đặt mua phù hợp.

Chủ tịch HĐQT Sở GDCK Hà Nội Nguyễn Thành Long 

Bước thăm dò thị trường đã hỗ trợ khâu xác định giá bán cổ phần sát hơn với nhu cầu của thị trường, hài hòa lợi ích giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư, từ đó làm tăng hiệu quả và giảm chi phí huy động vốn so với các phương pháp bán thông thường khác.

Trong phương thức đấu giá, giá bán cổ phần được lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số cổ phần chào bán. Nhà đầu tư đặt mua và trúng ở giá nào thì thanh toán ở giá đó, dẫn tới một số trường hợp nhà đầu tư đặt giá quá cao so với giá trúng bình quân của cuộc đấu giá nên đã bỏ cọc, không thanh toán tiền mua cổ phần trúng giá.

Điều này có thể khiến tổ chức phát hành không huy động đủ vốn theo phương án phát hành, hoặc gây thiệt hại cho một số nhà đầu tư trong tương quan với các nhà đầu tư còn lại. Trong khi đó, giá bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là một mức giá bán chung duy nhất được quyết định trên cơ sở tham khảo nhu cầu của thị trường thông qua việc mở và tổng hợp sổ lệnh.

Việc xác định kết quả dựng sổ chỉ được thực hiện khi tỷ lệ khối lượng đặt mua cổ phần thực tế và số lượng nhà đầu tư đặt mua cổ phần thực tế lớn hơn hoặc bằng tỷ lệ khối lượng đặt mua cổ phần tối thiểu và số lượng nhà đầu tư đặt mua cổ phần tối thiểu theo phương án bán cổ phần.

Theo đó, số lượng cổ phần bán được sát với số cổ phần mong muốn chào bán hơn, tránh trường hợp ngay cả khi chỉ bán được một phần rất nhỏ cũng phải thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu và đưa lên giao dịch trên sàn chứng khoán như bán đấu giá công khai thông thường hiện nay. Và nhờ đó, tỷ lệ đấu giá thành công cũng sẽ cao hơn. 

Theo ông, việc chào bán theo phương thức dựng sổ sẽ phù hợp với loại hình DN nào? Các DN không có vốn nhà nước có thể sử dụng phương thức này để IPO hoặc để giúp cổ đông lớn thoái vốn được không?

Nhìn chung việc bán cổ phần theo phương thức dựng sổ sẽ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn, được nhiều nhà đầu tư trên thị trường quan tâm. Không chỉ các doanh nghiệp có vốn nhà nước, các doanh nghiệp không có vốn nhà nước cũng có thể tham khảo phương pháp này khi phát hành lần đầu ra công chúng, tiết giảm chi phí và tăng tỷ lệ phát hành thành công. 

Sở GDCK sẽ tham gia những phần việc nào trong phương thức bán vốn mới này tại DN, thưa ông?

Theo quy định tại Thông tư 21, Sở GDCK sẽ đóng vai trò là Tổ chức quản lý sổ lệnh, trong khi đó nhà đầu tư đặt lệnh qua đại lý nhận lệnh đã được Ban chỉ đạo cổ phần hoá hoặc chủ sở hữu chấp thuận. Đại lý nhận lệnh sẽ nhập lệnh của nhà đầu tư vào hệ thống dựng sổ của SGDCK, đầu giờ hàng ngày SGDCK sẽ phải công bố kết quả đặt lệnh của nhà đầu tư trên webiste của Sở.

Tháng 3/2018, khi Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được ban hành trong đó có bổ sung thêm phương thức dựng sổ, Sở GDCK Hà Nội đã hoàn tất yêu cầu bài toán đối với việc nâng cấp hệ thống đấu giá và triển khai nâng cấp hệ thống. Việc nâng cấp sau đó đã được chúng tôi hoàn thành trong năm 2018. 

Hệ thống đấu giá nâng cấp của chúng tôi tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế tiên tiến, được áp dụng công nghệ hiện đại và bổ sung thêm các tính năng của phương pháp dựng sổ. Hệ thống cho phép lập sổ lệnh riêng cho các nhà đầu tư. Tốc độ xử lý của hệ thống lên đến 20 - 30 nghìn lệnh/ngày, có thể nhập lệnh từ xa tại đại lý nhận lệnh (CTCK) với tính bảo mật cao.

Hệ thống cũng cho phép cập nhật liên tục biểu đồ thống kê số lượng cổ phần đặt mua tại mỗi mức giá trong khoảng giá khảo sát, nhờ đó nhà đầu tư có thể tham khảo thống kê này trước khi đặt lệnh tại CTCK. Đối với dữ liệu sổ lệnh, hệ thống có thể xuất ra các báo cáo thống kê số liệu theo một số tiêu chí mà bên bán quan tâm, hỗ trợ việc xác định giá phân phối. Hệ thống cũng cho phép xác định kết quả phân phối cho từng nhà đầu tư dựa trên các tiêu chí đã được quy định tại Thông tư 21, ưu tiên lần lượt về giá, thời gian đặt lệnh và khối lượng đặt mua, đồng thời kết xuất ra các báo cáo liên quan. 

Dựng sổ là một phương thức bán vốn mới ở Việt Nam. Vậy HNX có sự hỗ trợ gì cho các thành viên thị trường để quy định mới này sớm đi vào cuộc sống, thưa ông?

Từ nay cho đến tháng 6, thời điểm Thông tư 21 có hiệu lực, Sở GDCK Hà Nội dự kiến sẽ có chương trình tập huấn đào tạo cho các CTCK về cách thức vận hành hệ thống cũng như cách thức phối hợp triển khai để các bên đều có thể sẵn sàng cho việc khai trương đấu giá theo phương thức dựng sổ. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ tiến hành một số chỉnh sửa thông số của hệ thống cho phù hợp quy định tại Thông tư 21 để thực thi tốt nhiệm vụ bán vốn theo phương thức này.

DN phải mời tối thiểu 30 tổ chức đầu tư tham gia buổi giới thiệu chào bán

Một trong những quy định đáng chú ý tại Thông tư số 21/2019/TT-BTC là việc yêu cầu các DN thực hiện bán vốn theo phương thức dựng sổ phải mời tối thiểu 30 nhà đầu tư tổ chức tham gia buổi giới thiệu bán cổ phần lần đầu. 

Cùng với đó, thông tin về phương án bán phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (3 số báo liên tiếp của một tờ báo phát hành toàn quốc và một tờ báo địa phương nơi DN có trụ sở chính) và công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Các thông báo của DN phải thực hiện cả bằng tiếng Anh để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận và không bỏ lỡ cơ hội tham gia cuộc đấu giá…

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến