Họ dầu khí mắc cạn với hàng loạt dự án bất động sản
31/03/2016 18:06:31
ANTT.VN – Hoạt động kinh doanh của một số công ty dầu khí hiện đang ì ạch, nhiều năm không có lãi. Không những thế, hàng loạt các dự án bất động sản mà các công ty này đang nắm giữ đều trong tình trạng chậm tiến độ khiến nhiều người dân bức xúc.

Tin liên quan

Địa ốc Dầu khí lỗ 40% vốn điều lệ

Theo số liệu trên BCTC hợp nhất năm 2015 đã kiểm toán của Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (mã PVL) doanh thu cả năm chỉ đạt 470 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế báo lỗ 23,5 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2015, Địa ốc Dầu khí đang phải gánh chịu khoản lỗ lũy kế xấp xỉ 200 tỷ đồng trong khi vốn góp của chủ sở hữu là 500 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của PVL nhiều năm gần đây không mang lại lợi nhuận

Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng vừa thông báo đưa cổ phiếu PVL vào diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2015 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 trên BCTC hợp nhất kiểm toán của công ty là số âm.

Giải trình về kết quả kinh doanh bết bát trên, PVL cho hay: "Giai đoạn vừa qua, các dự án do PVL làm chủ đầu tư hay các dự án PVL làm chủ đầu tư thứ cấp đều đang trong giai đoạn hoàn thành, chưa bàn giao sản phẩm, theo chế độ kế toán thì chưa được ghi nhận doanh thu khi hàng hóa chưa được bàn giao, dẫn đến việc PVL không có doanh thu trong hoạt động sản xuất kinh doanh chính".

Hiện trạng này đã tồn tại được vài năm nay, khi lần lượt các dự án Petrovietnam Landmark (2011) với kết quả bán hàng trầy trật kể cả khi đã hạ giá bán từ 21,36 triệu đồng/m2 xuống thấp nhất là 15,5 triệu đồng/m2.

Dự án Green House, khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong tầng hầm và móng, dự án bị “trùm mền” đến nay.Cuối năm 2012, vì không còn khả năng tiếp tục xây dựng, PV Land đã công bố bán tháo dự án này thông qua hình thức bán đấu giá với mức giá khởi điểm 51 tỷ đồng. Trước đó, PVL đã đầu tư 163,4 tỷ đồng vào dự án Green House.

Như vậy, nếu bán thành công ở mức 51 tỷ đồng, dự kiến PVL sẽ lỗ 112,3 tỷ đồng từ dự án. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa bán được.

Trong vài năm trở lại đây, doanh thu chủ yếu đem lại từ hoạt động nhượng bán tài sản là nguyên nhân PVL không có lợi nhuận.

Với mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu vốn sản xuất kinh doanh, giải quyết được nợ quá hạn tại Ngân hàng, Công ty đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý và đã ký hợp đồng chuyển nhượng, bàn giao Trung tâm thương mại Khách sạn Quỳnh Lưu Plaza cho ngân hàng Viettinbank trong quý I/2015 với giá trị chuyển nhượng là 26 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khủng hoảng lãnh đạo chủ chốt và việc điều hành yếu kém từ các năm trước  (2012 -2014) dẫn tới việc sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nợ đọng kéo dài, uy tín và thương hiệu của công ty giảm sút nghiêm trọng, các khoản đầu tư tài chính sụt giảm phải trích lập chi phí dự phòng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, đầu tư kinh doanh của công ty, trực tiếp dẫn đến lợi nhuận âm.

Petroland cũng ì ạch không kém

Trong khi đó, một công ty khác cũng thuộc học Dầu khí là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (mã PTL) cũng mới báo cáo những con số chẳng hề khá khẩm hơn.

Báo cáo tài chính năm 2015 ghi nhận lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng, không thấm vào đâu so với số vốn điều lệ công ty lên tới 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận ít ỏi mà công ty thu về hoàn toàn đến từ các khoản thu nhập khác, năm 2015 là 32 tỷ đồng. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh chính của công ty vẫn lỗ gần 6 tỷ đồng năm 2015 (năm 2014 báo lỗ 68 tỷ đồng).

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Petroland cũng ngoại trừ hàng loạt ý kiến về đối chiếu công nợ của công ty với các đối tác liên quan đến các dự án bất động sản. Trong đó, các khoản phải thu khác như khoản phải thu tiền phạt do chậm tiến độ từ các bên thi công công trình và phạt chậm thanh toán với số tiền là 74 tỷ đồng, khoản tiền phạt với số tiền 17 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty cũng hạch toán bù trừ khoản phải trả Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn liên quan tới khối lượng thi công dự án Chung cư Cao tầng Phú Mỹ với số tiền là 4,2 tỷ đồng.

Petroland "nổi tiếng" với nhiều dự án bất động sản chậm tiến độ

Sau hơn 3 năm làm ăn bết bát, mới đây, công ty đã bàn giao dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú cho khách hàng (quý 4/2015), nhờ đó, kết quả kinh doanh đã có lợi nhuận, doanh thu thuần quý 4 của công ty đạt 460 tỷ đồng, vươt xa con số 103,5 tỷ đồng cùng kỳ 2014. Mặc dù có lãi, tại thời điểm cuối năm 2015, công ty vẫn còn khoản lỗ lũy kế 138 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều năm liền, PTL nắm giữ các dự án bất động sản luôn trong tình trạng chậm tiến độ, điển hình, gần đây nhất là khu đô thị mới dầu khí Vũng Tàu đang khiến nhiều người dân bức xúc khi dự án này được thỏa thuận địa điểm từ năm 2009 nhưng đến nay chưa triển khai, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Thêm vào đó, danh mục hàng tồn kho thể hiện chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Dự án Chung cư cao tầng Mỹ Phú . Tổng giá trị đầu tư của dự án khoảng 540 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2015, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang bao gồm diện tích tầng hầm, trung tâm thương mại, nhà trẻ chưa hoàn thiện và các căn hộ chưa bàn giao cho khách hàng.

Công ty cũng đã thế chấp quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản hình thành trong quá trình đầu tư cho Dự án Trung tâm Thương mại Tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng tại Lô đất c6-A01, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo cho các khoản tiền vay ngân hàng.

Những tưởng sẽ ăn nên làm ra trong cơn sốt địa ốc, cùng lúc hai công ty mang họ dầu khí đã rơi vào cảnh lỗ nặng với nghề “tay trái” bất động sản cùng hàng loạt các dự án còn dang dở.

Quách Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến