Dòng sự kiện:
Báo dầu khí 'minh oan' cho nhà máy lọc dầu Dung Quất
25/02/2016 11:25:24
ANTT.VN – Đáp trả những quan điểm, ý kiến bất bình của các chuyên gia cũng như số đông dư luận về “lời cầu cứu thường niên” của Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên Chính phủ, trang PetroTimes của Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng đó là những nhận định vớ vẩn, “ếch ngồi đáy giếng”… “được gắn vào mồm của những người đang “khoác áo” chuyên gia, đang mang trên mình những học hàm, học vị”…

Tin liên quan

Sau đây, ANTT.VN xin được trích dẫn nguyên văn bài viết “minh oan” cho nhà máy lọc dầu Dung Quất của PetroTimes tới độc giả.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được 'ưu đãi' gì?

Không thể đứng trên sự thật mà phán xét một cách vô căn cứ: nào là “đến hẹn lại lên”, nào là “đã trở thành thường lệ”… mỗi năm một vài lần Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất lại gửi văn bản để “cầu cứu” Chính phủ kéo dài ưu đãi.

Những nhận định vớ vẩn

Có ý kiến của một vị PGS.TS cho rằng: Trước việc đã được hưởng ưu đãi nhưng vẫn "năm lần bảy lượt" đề xuất, kiến nghị để được giảm thêm thuế suất cho NMLD Dung Quất là không chấp nhận được.

Hoặc lại có quan điểm của một chuyên gia "Ưu đãi xưa nay vẫn có nhưng lẽ ra chỉ trong giới hạn một vài năm đầu gặp khó khăn, đằng này NMLD Dung Quất đi vào hoạt động đã lâu vẫn cứ tiếp tục được ưu đãi thì tôi rất ngạc nhiên. Ưu đãi phải có thời hạn chứ không phải mãi mãi".“Ưu đãi cho Dung Quất như thời gian qua đã là quá nhiều”.

Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Rồi “Vấn đề đặt ra là phải xem xét lại toàn bộ quản lý của Dung Quất cần khắc phục cái gì. Xin nhắc lại, ưu đãi mà không cải thiện quản trị thì vẫn xấu đi. Bộ Công Thương, PVN phải trực tiếp  xử lý việc này, không phải cái gì cũng cứ đề nghị lên Chính phủ ưu đãi”.

Và “Về lâu về dài, Nhà nước cũng không thể kéo dài mãi được việc bảo hộ hay ưu đãi, vì nguồn ngân sách còn đang khó khăn, hụt thu do giá dầu giảm thì lấy gì để ưu đãi cho nhà máy? Trong khi chúng ta được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ và đã tham gia, ký kết được nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có cả TPP”…

Đây là những ý kiến lạc lõng, nhưng buồn thay lại được gắn vào mồm của những người đang “khoác áo” chuyên gia, đang mang trên mình những học hàm, học vị.

Thử hỏi, chính sách “ưu đãi” của Chính phủ có “ngoại lệ” với NMLD Dung Quất, hay bình đẳng với các dự án khác trong chính sách ưu đãi chung để thu hút đầu tư. Ngoại lệ là cái gì xin các vị chỉ ra cho.

Lại hỏi, NMLD Dung Quất “đòi” những gì? Xin kéo dài thời gian “ưu đãi” là bao nhiêu. Xin các vị chuyên gia “đáng kính” chỉ giáo. Nếu NMLD Dung Quất đã “vượt khung” theo chính sách “ưu đãi” chung, vậy “vượt khung” những gì, cũng mong các vị chỉ ra cho bạn đọc biết.

Các vị kiến nghị: “Chúng ta đã cam kết thay đổi nên ranh giới khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ dần phải được xóa bỏ, vậy nên sẽ không còn có thể ưu đãi quá nhiều và quá lâu như vậy.

Ngồi phòng lạnh mà phán lung tung, nhận định vớ vẩn, là “Ếch ngồi đáy giếng” đấy các vị ạ. Xin nhớ cho đất nước này có luật pháp, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp. Không phải “muốn” là được đâu.

NMLD Dung Quất được ưu đãi những gì?

Trước hết phải có một cái nhìn khách quan, một nhận xét thấu đáo giữa chính “ưu đãi” thu hút đầu tư với chính sách “thuế suất” từng mặt hàng của từng thời điểm. Không rạch ròi mà “vơ đũa cả nắm” để rồi nhân danh chuyên gia này, giáo sư nọ phán xét một cách à uôm theo kiểu “điếc không sợ súng”, những phát ngôn ấy chẳng khác gì luận điệu của những kẻ phá hoại nền kinh tế đất nước.

Trở lại vấn đề có bài báo cho rằng NMLD Dung Quất và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên tục đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ kéo dài thời gian ưu đãi. Nói như vậy là không đúng, nếu không muốn nói là chẳng hiểu biết gì cả.

Không riêng ở Việt Nam, bất cứ nước nào trên thế giới cũng đều có có chính sách ưu đãi của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư. Đây là yếu tố cần thiết để kêu gọi đầu tư và cũng là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ dự án nào. Nói tóm lại không có chính sách ưu đãi, chẳng có nhà đầu tư nào đổ tiền bạc ra để xây dựng nhà máy cả.

Những ưu đãi mà NMLD Dung Quất đang được hưởng nằm trong chính sách của Chính phủ. Dù có “lý luận” cho rằng, Dự án NMLD Dung Quất là vốn trong nước. Ơ hay, sao lại phân biệt như vậy nhỉ. Dù là vốn nào đi chăng nữa, dự án được xây dựng trên đất nước này, thì được hưởng chính sách ưu đãi của đất nước này chứ. Hơn nữa, NMLD Dung Quất, là dự án lọc dầu đầu tiên của đất nước, là ngành công nghiệp mới mẻ và non trẻ, nếu có được Chính phủ “ưu ái” hơn cũng là chuyện đương nhiên.

Nhưng NMLD Dung Quất không có “đặc ân” riêng, hoàn toàn không có sự “phân biệt đối xử”, không có sự “ưu ái”; mà hoàn toàn bình đẳng như các dự án khác. Thậm chí so với Dự án Lọc dầu Nghi Sơn, còn có những thua thiệt hơn.Một lần nữa xin nhắc lại những đề nghị của BSR, của PVN với Chính phủ và các bộ, ngành là những đề nghị chính đáng. Hoàn toàn không phải là sự “đòi hỏi”, lại không phải là “cầu cứu” xin kéo dài thời gian “ưu đãi”.

Vậy PVN và BSR đề nghị những gì

Xin thưa, đấy là những kiến nghị những điều chính đáng bảo đảm sự “bình đẳng” đối với lộ trình sản xuất, kinh doanh của NMLD Dung Quất. Thiếu sự “bình đẳng” trong sự cạnh tranh khốc liệt này, chẳng khác gì đẩy NMLD Dung Quất vào bước đường cùng.

Đã có không ít bài báo giật những cái tít giật gân “lãnh đạo BSR “dọa” đóng cửa NMLD Dung Quất”. Xin thưa, đấy chẳng phải là “dọa” mà là sự thật hiển nhiên, nếu cuộc cạnh tranh sản phẩm xăng dầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu không bình đẳng.

Ngay tại thời điểm hiện nay, giá thành sản phẩm của NMLD Dung Quất đang cao hơn giá nhập ngoại. Hãy thử so sánh, hiện xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ phải chịu mức thuế suất là 10%. Trong khi đó mức thuế suất của Dung Quất đang bị áp là 20%. Với mức áp thuế cao gấp đôi như thế này, nếu tiếp tục kéo dài NMLD Dung Quất không đóng cửa mới là lạ.

Một sự thật hiển nhiên đang đặt ra, dù đã đàm phán với đối tác giảm giá bán nhưng hiện NMLD Dung Quất mới ký được hợp đồng bán hàng 2 tháng đầu năm 2016. Ngay chính khách hàng lớn nhất của Dung Quất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng mới chỉ kí với nhà máy này hợp đồng cung ứng sản phẩm trong 2 tháng đầu năm 2016, nhưng khối lượng cũng giảm từ 120.000 m3/tháng xuống còn 80.000 m3/tháng.

Hiện NMLD Dung Quất đang vận hành ổn định từ 100% công suất thiết kế trở lên. Nếu sản phẩm không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ nhỏ giọt, thì lấy chỗ đâu ra chỗ để chứa. Việc dãn tiến độ, hoặc sản xuất cầm chừng ranh giới với việc dừng sản suất là rất gần.

Vậy nên hiểu những kiến nghị của BSR và PVN với Chính phủ là hoàn toàn chính đáng. Chính đáng ở sự bình đẳng, chính đáng ở sự cạnh tranh lành mạnh. Gọi là “kêu cứu” cũng không sai, bởi sự khẩn thiết nếu không có sự công bằng sẽ liên quan đến sự sống còn của ngành công nghiệp Lọc dầu non trẻ của đất nước.

Để BSR có sức cạnh tranh lành mạnh với thị trường. Khẩn thiết đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ sớm có chính sách về thuế suất các sản phẩm xăng dầu sản xuất tại NMLD Dung Quất “bình đẳng” với sản phẩm nhập ngoại cùng loại. Chỉ vậy thôi.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến