Trước thực tế những sự cố về mất an toàn đập, hồ thủy điện xảy ra trên thế giới, và tình hình mưa bão phức tạp trong nước, ngày 7/8 ,Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 22 về tăng cường quản lý đảm bảo an toàn hồ đập.
Chỉ thị yêu cầu các bộ ngành có chức năng quản lý Nhà nước thành lập ngay những đoàn công tác, phối hợp với địa phương, kiểm tra tất cả các hồ đập lớn, hồ có nguy cơ mất an toàn, đồng thời xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra tình huống mất an toàn.
Để làm rõ công tác về chỉ đạo cũng như tình hình cụ thể của các hồ đập hiện nay, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức hội thảo "Tăng cường quản lý đảm bảo an toàn hồ đập chứa nước".
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, cho biết, hiện nay cả nước có hơn 7.000 hồ và đập thủy điện, trong đó có những hồ đã đi vào khai thác sử dụng thời gian lên đến 50 năm.
Vừa qua, sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào đã gây nên thảm họa vô cùng to lớn, lo ngại về sự an toàn của các hồ thủy điện của nước ta, nhiều thắc mắc cho rằng hồ thủy điện như hồ Hòa Bình đã đi vào sử dụng được vài chục năm, như vậy đến nay còn đảm bảo an toàn hay không?
Về sự an toàn của hệ thống hồ thủy điện nói chung và cụ thể là hồ Hòa Bình nói riêng, ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng cục Kỹ thuật An toàn & Môi trường Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết: "Thủy điện Hòa Bình đã đi vào khai thác nhiều năm. Tuy nhiên hiện tại qua kiểm tra đánh giá vẫn rất an toàn.
Các nhà thiết kế đập đều thiết kế khả năng dự phòng, có thể đáp ứng khi lũ về. Theo thiết kế, khả năng đón lũ của thủy điện Hòa Bình lên đến 60.000m3/s. Theo thống kê, từ khi đi vào hoạt động thì lũ cực điểm tại hồ Hòa Bình chỉ đạt 22.000m3/s.
Vấn đề an toàn đập thủy điện mùa mưa lũ đang rất được quan tâm.
Như vậy có thể khẳng định, hoàn toàn yên tâm về khả năng đón lũ của hồ Hòa Bình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyệt đối không cho phép sự chủ quan, vẫn thường xuyên kiểm tra theo dõi sát sao và kiểm tra định kỳ, không chỉ với Hòa Bình mà còn Sơn La, Tuyên Quang".
Những năm 60 của thế kỷ trước, các đoàn kiểm tra của Liên Xô đã khảo sát kỹ địa chất khu vực hồ Hòa Bình khi khởi công từ năm 1979 nhưng đến 1983 mới tiến hành ngăn sông. Quá trình xây dựng cũng tuân thủ rất nghiêm ngặt.
"Trong những năm tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Vụ vỡ đập ở Lào khiến xuất hiện nhiều thông tin gây hoang mang, tuy nhiên chúng tôi vẫn liên tục kiểm tra các công trình này và hoàn toàn đảm bảo nên mọi người không nên quá lo lắng", ông Nguyễn Văn Tự nói thêm.
Cũng tại hội thảo, ông Tự cho rằng, vừa qua tình hình lũ lụt ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nguyên nhân do sự xả lũ của các hồ thủy điện là không đúng. Ông khẳng định: "Đúng là lưu vực sông Bùi không có hồ chứa nước nhưng lũ của sông Đà xả ra sẽ chảy ra sông Hồng chứ không đổ vào sông Bùi. Sở dĩ lũ ở Chương Mỹ nặng nề là do đặc điểm của vùng là địa thế trũng thấp nên dễ dàng ngập lụt dù mưa không quá lớn.
Ông Tự cũng thông tin thêm, hồ thủy điện còn có chức năng điều tiết lũ. "Tuy nhiên có điều tiết hay không phải do thiết kế ban đầu. Với những thủy điện ở khu vực miền Trung, đặc điểm là sông ngắn và dốc nên thủy điện được xây dựng dựa trên sức nước cao chảy xuống mà không có thiết kế điều tiết lũ. Với thủy điện lớn ở phía Bắc và Nam sẽ đều có thiết kế điều tiết lũ.
Hơn nữa khi tiến hành xả lũ, với hồ thủy điện vừa và nhỏ sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, còn với hồ lớn sẽ do Bộ Công thương quyết định. Tất cả quy trình đều có quy định chi tiết, cụ thể và rất rõ ràng".
Việc bảo đảm an toàn các hồ đập hiện nay vẫn còn nhưng hạn chế.
Về những hạn chế của công tác đảm bảo an toàn hồ đập hiện nay, ông Phạm Trọng Thực cho biết: "Việc rà soát kiểm tra cũng như quy trình xả lũ hiện nay rất chặt chẽ và có quy định rõ ràng. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế khi thực hiện. Hiện nay khi khảo sát, chúng tôi vẫn thấy tồn tại tình trạng cơi nới be đắp thêm hồ để tích nước cho mùa khô ở một số nơi. Với trường hợp này bắt buộc phải tháo dỡ. Với trường hợp tái phạm chúng tôi xử lý rất nặng, tước giấy phép quản lý.
Trong quá trình xả lũ, dù quy trình rất nghiêm ngặt, tuy nhiên công tác tuyên truyền để mọi người hiểu và phối hợp vẫn còn chưa triệt để, nên có những trường hợp xả lũ mà có người không biết dẫn đến hậu quả đáng tiếc".
Linh Nhi (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy