Theo báo cáo tài chính quý II, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 37.422 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao đẩy lợi nhuận gộp giảm 43% về mức 6.540 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp chỉ còn 17,5%.
Thép vẫn là mảng sản xuất chủ lực đóng góp 95% vào doanh thu và 98% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn này, trong khi các mảng khác vẫn đi theo đúng kế hoạch.
Việc thu hẹp đáng kể biên lợi nhuận khối thép là nguyên nhân chính làm giảm mạnh hiệu quả kinh doanh của Hòa Phát quý vừa qua.
Giá thành và chi phí tăng vọt
Hòa Phát cho biết căng thẳng Nga - Ukraine từ tháng 2 đã khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu toàn cầu, đặc biệt là biến động giá than, một trong những nguyên liệu chính cho sản xuất gang thép bằng công nghệ lò cao.
Giá than HCC liên tục lập đỉnh mới trong nửa đầu năm với mức cao nhất 670 USD/tấn, tăng 96% so với tháng 12/2021 là nguyên nhân chính dẫn đến giá thành sản xuất tăng mạnh.
Bên cạnh đó, giá thép toàn cầu đã trải qua nhiều nhịp điều chỉnh giảm từ giữa quý II. Lạm phát làm giảm sức mua của người tiêu dùng cùng với chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực này bị thu hẹp.
Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng giảm do ảnh hưởng bởi xu hướng chung. Giá bán giảm trong khi giá vốn cao dẫn đến việc Hòa Phát phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lên tới 575 tỷ đồng và khiến biên lãi gộp suy giảm.
Chi phí tài chính của Hòa Phát tăng vọt. Nguồn: BCTC DN.
Một điểm đáng chú ý là chi phí tài chính của tập đoàn này đã tăng vọt gần 2,5 lần, lên trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng lỗ chênh lệch tỷ giá đã chiếm tổng cộng 1.270 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng tiêu tốn của doanh nghiệp 717 tỷ đồng, tăng 20%, còn lại là chi phí khác.
Hòa Phát lý giải chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã khiến giá USD tăng mạnh. Trong khi tập đoàn chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu và có dư nợ vay USD cao nên bị lỗ tỷ giá rất lớn. Còn chi phí lãi vay tăng là do lãi suất cao làm phồng thêm chi phí tài chính.
Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 80% lên 737 tỷ đồng do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giá xăng dầu cao làm tăng chi phí vận chuyển. Cước vận chuyển và xuất khẩu của Hòa Phát quý này tăng thêm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, tập đoàn thép đầu ngành này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 4.023 tỷ đồng trong quý gần nhất, giảm 59% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ quý IV/2020 đến nay.
Kết quả này cũng phản ánh bức tranh chung ảm đạm của ngành thép bởi các yếu tố thị trường. Biên lợi nhuận ròng của Hòa Phát giảm đáng kể từ 27% xuống còn 11%, nhưng vẫn là con số tốt so với phần còn lại của ngành.
Quy mô tổng tài sản của Hòa Phát đã vượt 200.000 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.
Lũy kế từ đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long sản xuất tổng cộng 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Công tác tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6%.
Chỉ tiêu doanh thu thuần hợp nhất trong kỳ bán niên của doanh nghiệp theo đó tăng 23%, đạt 81.480 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 27%, xuống 12.229 tỷ.
Nếu so với kế hoạch kinh doanh cả năm, Hòa Phát đã hoàn thành 51% mục tiêu doanh thu và 49% chỉ tiêu lợi nhuận.
Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của tập đoàn này vẫn tiếp tục mở rộng lên gần 207.500 tỷ đồng, tăng thêm gần 29.300 tỷ so với đầu năm. Trong đó, số tăng chủ yếu tập trung ở hàng tồn kho, hiện đạt trên 57.500 tỷ đồng (tăng 37%). Tuy nhiên, tập đoàn đang phải trích lập dự phòng giảm giá hàng trăm tỷ đồng cho số thành phẩm này.
Tương tự những quý kinh doanh trước, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long vẫn duy trì số dư tiền mặt rất lớn với tổng giá trị các khoản tiền mặt, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng lên tới 44.766 tỷ đồng, chiếm 37% tài sản ngắn hạn.
Đối ứng ở nguồn vốn, Hòa Phát tăng cường chính sách vay nợ, trong đó dư nợ ngắn hạn đã tăng thêm 12.829 tỷ, lên 56.576 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản vay nợ dài hạn duy trì quanh mức 13.443 tỷ đồng.
Hiện tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính của tập đoàn này cũng chiếm 34% tổng nguồn vốn.
Vẫn mở rộng thị phần
Nhận định về triển vọng cuối năm, lãnh đạo Hòa Phát cho biết giá nguyên vật liệu đang giảm rất nhanh, nhất là giá than quay đầu giảm 64% so với đỉnh, hay giá quặng sắt giảm xuống chỉ còn dưới 100 USD/tấn.
"Biên lợi nhuận quý III có thể tiếp tục thấp do ảnh hưởng của chu kỳ nguyên vật liệu tồn kho mua từ quý trước. Giá nguyên liệu hạ nhiệt sẽ được phản ánh vào giá thành và góp phần cải thiện biên lợi nhuận của quý IV", lãnh đạo Hòa Phát cho biết.
Trong khi giá bán thép xây dựng tiếp tục có những nhịp điều chỉnh giảm trong tháng đầu quý III, biên độ giảm giá đã co lại dần từ 300 đồng xuống còn 100-150 đồng, mức độ giảm mỗi nhịp từ 1,7% xuống còn 0,6%.
Giá bán thép xây dựng liên tục giảm nhưng mức độ giảm đã thấp dần. Nguồn: HPG.
Về nhu cầu thị trường, Hòa Phát đánh giá việc Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách "Zero Covid" và ngành xây dựng vào mùa cao điểm từ tháng 9 là những yếu tố khả quan làm nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trên thế giới cao trở lại. Cầu thép trong nước thông thường cũng tăng vào quý cuối năm do yếu tố mùa vụ.
Mặt hàng chiến lược khác của tập đoàn này là thép cuộn cán nóng HRC cũng được dự báo còn dư địa lớn. Tổng nhu cầu HRC hiện vào khoảng 12 triệu tấn/năm với mức tăng trưởng bình quân 10-20%, trong khi năng lực sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu này.
Dù điều kiện thị trường không thuận lợi, lãnh đạo Hòa Phát khẳng định vẫn duy trì việc sản xuất hết công suất để tạo lợi thế giá thành và đặt mục tiêu tiêu thụ hết lượng hàng sản xuất, kiểm soát tồn kho.
"Gia tăng thị phần là mục tiêu hàng đầu và sẽ là bước đệm vững chắc trong tương lai khi diễn biến xấu lắng xuống, thị trường tiêu thụ tốt trở lại", lãnh đạo Hòa Phát nhấn mạnh.
Tập đoàn này còn nêu chiến lược mở rộng và đa dạng hơn các thị trường xuất khẩu. Phương án này không chỉ giúp tăng sản lượng tiêu thụ mà còn làm tăng nguồn doanh thu USD để cân bằng hơn về cán cân ngoại tệ, giảm bớt rủi ro tỷ giá.
Với lượng hàng tồn kho lớn hiện tại, doanh nghiệp cho biết sẽ đẩy mạnh tiêu thụ thành phẩm và duy trì số dư tồn kho ở mức không quá cao. Điều này cũng đồng thời đẩy nhanh vòng quay nguyên vật liệu để nhanh chóng hiện thực hóa giá đầu vào giảm trong giá thành bình quân.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy