Dòng sự kiện:
Hoãn, giãn thuế nhưng vẫn phải đảm bảo đúng kế hoạch thu
12/06/2020 20:55:24
Về tổng thể, thu 5 tháng 2020 tiến độ thu vẫn đạt 39,9%, xấp xỉ bằng mức thực hiện năm 2019.


Trong 5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có diễn biến phức tạp, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất cho DN, tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID - 19, tính đến ngày 1/6/2020, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 128.684 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (bao gồm 101.974 DN và 26.710 hộ, cá nhân kinh doanh) với số tiền được gia hạn khoảng 36.963 tỷ đồng. 

Cơ quan Thuế tiếp tục cung cấp dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tích hợp các dịch vụ này trên cổng thông tin trực tuyến của Chính phủ. 

Về tổng thể, thu 5 tháng tiến độ thu vẫn đạt 39,9%, xấp xỉ bằng mức thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, tiến độ thu cao tập trung vào một số khoản có nguồn phát sinh kinh tế của năm 2019 nhưng kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020 theo quy định. Nếu loại trừ các khoản thu đó, thu nội địa lũy kế 5 tháng mới đạt được 36,3%, là kết quả thu thấp nhất trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ (năm 2016 thu đạt 40,6% mức thu cả năm, tăng 12,1% so cùng kỳ; năm 2017 tỷ lệ này tương ứng là đạt 40,6%, tăng 10%; năm 2018 đạt 41,7%, tăng 13,6%;năm 2019 đạt 42%, tăng 15,5%; năm 2020 đạt 36,3%, giảm 7,7%).

Với kết quả đó, Tổng cục Thuế dự kiến sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế trong 6 tháng cuối năm, tập trung vào một số giải pháp.

Thứ nhất, thực hiện các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/2020/CT-TTg ngày 4/3/2020. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính, và các Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người nộp thuế. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thứ hai, hướng dẫn cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, tập trung rà soát các điều kiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất; hướng dẫn người nộp thuế nộp đơn đề nghị gia hạn; tổ chức tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn, rà soát, cập nhật vào hệ thống quản lý thuế, kiểm tra tờ khai thuế để thực hiện gia hạn cho người nộp thuế có đủ điều kiện được gia hạn; thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và quản lý, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả về số lượng người nộp thuế, số thuế được gia hạn đối với từng sắc thuế, tiền thuê đất được gia hạn. 

Thứ ba, thực hiện rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và đôn đốc các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế vào NSNN kịp thời, góp phần cho Chính phủ có thêm nguồn lực ngân sách thực hiện các giải pháp ngăn chặn, dập dịch COVID-19 , tạo môi trường kinh doanh cho DN nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/2020/CT-TTg ngày 4/3/2020. 

Tiếp tục duy trì Tổ thường trực đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 tại cơ quan thuế các cấp. Chỉ đạo cơ quan thuế các cấp theo dõi sát sao tình hình sức khỏe DN, người nộp thuế, đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để tham mưu kịp thời các giải pháp hỗ trợ DN, giúp DN sớm vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn. Triển khai đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến thu NSNN, tác động đến giá dầu thô và thu NSNN từ dầu, khí theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và giá dầu để báo cáo Bộ Tài chính có giải pháp chủ động trong điều hành, cân đối thu - chi NSNN.

Thứ tư, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với thu NSNN. Tăng cường cán bộ công chức cho công tác hoàn thuế để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật.

Thứ năm, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế.

Kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế của người nộp thuế trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hỗ trợ DN của Nhà nước để vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà, sách nhiễu cho người nộp thuế. Đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế nhằm hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của nhà nước.

Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch bệnh gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường quản lý đối với các đối tượng được hưởng lợi trong thời điểm dịch bệnh xảy ra do tăng trưởng sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng như hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...;

Ngành Thuế sẽ tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra;... Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho NSNN. 

Cơ quan Thuế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước để thực hiện thu tiền nợ thuế và khấu trừ thuế GTGT theo quy định của pháp luật khi nhà nước đẩy mạnh thanh toán vốn đầu tư công theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung rà soát những NNT quay trở lại hoạt động sau thời gian giãn cách xã hội, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra;... nhằm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản và thu khác vào NSNN...

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến