Hoãn thi hành thông tư 36: Khác gì lấy đá ghè chân!
17/12/2014 10:50:52
ANTT.VN – “Ba năm cho một chính sách đã được công bố rộng rãi, tại sao các TCTD không tổ chức làm ngay mà bây giờ lại kêu là nhanh? Bây giờ mà hoãn nữa thì chẳng khác gì việc tự lấy đá đè chân mình. Nếu cứ dùng dằng, đất nước sẽ chẳng thể tiến lên được”.

Thông tư 36 được ví như một

Thông tư 36 được ví như một "toa thuốc liều cao" của NHNN trong việc "điều trị" căn bệnh sở hữu chéo

“Toa thuốc liều cao” và thông điệp kiên quyết từ phía NHNN

Thời gian vừa qua, việc ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo dư luận. Ngay lập tức, thị trường chứng khoán – “nhiệt kế” của nền kinh tế “tụt huyết áp”, nhà đầu tư xáo động, VN-Index, HNX-Index rơi không lực đỡ cho tới tận hôm nay, gần 1 tháng sau thời điểm ban hành (tất nhiên là có sự cộng hưởng từ việc tụt dốc của giá dầu thô). Cả tá kịch bản và rất nhiều những câu hỏi về tính khả thi của Thông tư đã được đưa ra.

Ngoài việc tăng cường khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy tín dụng, gỡ khó cho thị trường bất động sản, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính nói chung và thị trường ngân hàng nói riêng, Thông tư 36 cũng được đánh giá là một “toa thuốc liều cao” của cơ quan quản lý trong việc  “điều trị” “căn bệnh” sở hữu chéo vốn đã thâm căn cố đế trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể, Thông tư 36 có nhiều quy định tường minh về tỷ lệ an toàn vốn; giới hạn cấp tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.

Đặc biệt, theo Thông tư, chỉ những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được phép cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các ngân hàng cũng không được vượt quá 5% vốn điều lệ (Điều 14); hay theo Thông tư, một ngân hàng muốn mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác cũng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, thêm vào đó, mỗi ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá  2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó và đồng thời, tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ thị của NHNN (Điều 20)….

Chiểu theo Thông tư, sẽ có không ít các nhà băng phải “vắt chân lên cổ” để kéo các chỉ số về kịp chuẩn. Chỉ xét riêng nhiệm vụ xử lý tỷ lệ nợ xấu về dưới ngưỡng cho phép đã là một bài toán khó giải với không ít ngân hàng, đó là chưa kể đến trách nhiệm phải thực hiện các yêu cầu về giải quyết vấn đề sở hữu chéo và sở hữu chồng chéo như quy định tại Điều 20.

Thời điểm hiệu lực ngày một đến gần trong khi khối lượng yêu cầu đặt ra cho các TCTD đang “ngổn ngang những việc”, dư luận đã bắt đầu manh nha những tin đồn về việc NHNN sẽ lại “hoãn” thi hành văn bản. Tuy nhiên, đúng lúc đó, trong một tuyên bố phát đi, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa đã khẳng định “lập trường vững chắc” của cơ quan quản lý huyết mạch kinh tế cả nước trong quyết tâm tái cấu trúc và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng: KHÔNG LÙI THỜI HẠN THI HÀNH THÔNG TƯ 36!

Như vậy, có nghĩa là đúng như lộ trình, tới ngày 01/02/2015 tất cả các tổ chức tín dụng phải “Chấp hành nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời” các nội dung mà Thông tư đã quy định. 

5 Chương, 32 Điều của Thông tư so với “quãng trễ” 2 tháng 10 ngày tính từ thời điểm ban hành đến ngày chính thức áp dụng, liệu có quá gấp gáp hay chăng?”

“Nếu cứ dùng dằng, đất nước sẽ chẳng thể tiến lên”

Trao đổi với phóng viên ANTT.VN, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết:

Thông tư 36 rất có trách nhiệm nhưng chúng ta phải nhìn lại, sẽ có một bộ phận những người làm công tác điều hành TCTD không đồng tình vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thân của chính nhà băng và của chính họ. Tuy nhiên chúng ta phải lựa chọn xuất phát từ quyền lợi của đất nước hay lợi ích của nhóm nhỏ những người lãnh đạo TCTD. Thông tư 36 tốt cho ngành ngân hàng và nền kinh tế. Nó giải quyết được những vấn đề khúc mắc nhất của ngành ngân hàng là sở hữu chồng chéo, là lách luật, là cho vay sân sau. Thông tư 36 còn nới cửa cho vay bất động sản, dù có ý kiến cho rằng điều này dung túng cho thị trường bất động sản, nhưng trên thực tế chuyện cho vay được hay không còn liên quan nhiều yếu tố khác.

 

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Xét về mặt thời điểm ra đời của Thông tư 36, quyết định ban hành văn bản trên của NHNN không hề có gì là gấp gáp khi mà về bản chất, tư tưởng cơ bản của Thông tư nằm trong tinh thần cải tổ, tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015” từ tháng 3 năm 2012, thậm chí, trước đó, Nghị Quyết của Đại hội Đảng đã có từ tháng 1/2011, Nghị Quyết TW3 Khóa XI cũng đã có từ tháng 10/2011. Bên cạnh đó, từ cách đây hai năm, NHNN cũng đã định đưa ra nhiều quy định tương tự như trong Thông tư 36 (nhưng vướng nhiều rào cản). Do đó, đến hiện nay, sau những yêu cầu và cả thương thuyết riêng giữa cơ quan quản lý với từng nhóm cổ đông lớn ngân hàng thì tinh thần buộc phải cải tổ cũng đã… thông hơn.

“Có phải bây giờ chúng ta mới đưa ra đâu mà bảo nhanh hay chậm?!” Vị chuyên gia và đồng thời cũng là một nhà quản lý kinh tế của Quốc hội nhận xét.

“Ba năm cho một chính sách đã được công bố rộng rãi, tại sao các TCTD không tổ chức làm ngay mà bây giờ lại kêu là nhanh? Bây giờ mà hoãn nữa thì chẳng khác gì việc tự lấy đá đè chân mình. Nếu cứ dùng dằng, đất nước sẽ chẳng thể tiến lên được” TS. Nguyễn Đức Kiên chia sẻ thêm.

N.G - Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến