Đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đảm bảo thống nhất về số liệu thông tin giữa các cơ quan thống kê
Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu cơ bản bày tỏ tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Cho ý kiến về một số nội dung trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cho rằng, cần thống nhất việc rà soát, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê.
Cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bao quát trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đối với cả nước, đối với vùng.
Luật Quy hoạch đã có quy định về quy hoạch phát triển vùng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó quy định thống nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là Tổng cục Thống kê là cơ quan duy nhất có thẩm quyền thực hiện và công bố kết quả thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê quốc gia của vùng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác.
Trên cơ sở đó, vùng, chính quyền các cấp xây dựng hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và trong triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu; các cơ quan thống kê sẽ kiểm định, công bố đánh giá kết quả cụ thể việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đó qua hệ thống chỉ tiêu thống kê.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cũng thống nhất cao với việc bổ sung quy định 5 năm sẽ tổng rà soát, đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của vùng một lần để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, qua đó tạo cơ sở cho các tỉnh, thành phố có căn cứ chính xác xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Cũng theo đại biểu tỉnh Bình Định, cần quy định thống nhất thời điểm công bố số liệu thống kê hàng năm đối với quốc gia, vùng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đề nghị nghiên cứu kỹ thời điểm công bố số liệu thống kê nhằm đảm bảo tính xác thực và tối đa độ chính xác của số liệu thống kê khi công bố.
Đánh giá cao vai trò của thống kê trong công tác quản lý nền kinh tế-xã hội, nhất trong định hướng chống dịch COVID-19 cũng như công tác hỗ trợ sau dịch tại các địa phương, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Để dự thảo Luật hoàn thiện và nhanh chóng được áp dụng trên thực tế, đại biểu Nguyễn Như So tham gia đóng góp ý kiến vào nhóm chỉ tiêu 2 trong dự thảo Luật về lao động, việc làm, bình đẳng giới.
Theo đó, đại biểu đề nghị cần rà soát để đảm bảo tính bao quát, toàn diện trong việc thống kê các chỉ tiêu quốc gia. Dự thảo Luật đưa ra 4 chỉ tiêu về bình đẳng giới, gồm: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân, tỷ lệ lãnh đạo nữ chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, 4 chỉ tiêu này mới chỉ phản ánh bình đẳng giới ở vấn đề chính trị, chưa có chỉ tiêu bình đẳng giới liên quan đến lĩnh vực thiết thực của cuộc sống như giáo dục, việc làm, lao động, y tế...
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung, cập nhật những chỉ tiêu cụ thể phù hợp với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đồng thời hài hòa với những thông lệ, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến bình đẳng giới.
Về vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm điều chỉnh chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh, GDP là tài sản quốc gia, một trong những chỉ tiêu vĩ mô quan trọng của nền kinh tế.
Việc điều chỉnh GDP tác động đến nhiều chỉ tiêu thống kê kinh tế-xã hội như thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động, tỷ lệ thu ngân sách...; có tác động lan tỏa mạnh mẽ và góp phần đánh giá việc hoạch định chủ trương chính sách pháp luật và phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước...
Vì vậy, đại biểu đề nghị việc điều chỉnh GDP và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng khác như tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, bội chi, thu ngân sách... là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội.
Khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 2 Điều 48 theo hướng “Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố.”
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) cho rằng, quy định này là cần thiết nhằm khắc phục sự không thống nhất về số liệu thông tin giữa các cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh, cũng như bảo đảm niềm tin đối với thông tin thống kê nhà nước.
Tuy nhiên, để việc áp dụng quy định này được thống nhất, khả thi, phù hợp với nguyên tắc hoạt động của thống kê là trung thực, khách quan, chính xác, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và thống kê có tính so sánh, đại biểu Bùi Mạnh Khoa đề nghị làm rõ: Trường hợp vẫn không có sự thống nhất giữa các cơ quan thì ý kiến của cơ quan nào là cuối cùng.
Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định khái quát và đầy đủ hơn để đảm bảo không chỉ thống nhất số liệu thông tin thống kê của thống kê cấp tỉnh với thống kê Trung ương mà còn thể hiện được sự thống nhất về số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và số liệu thống kê của các bộ, ngành.
Rà soát hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu quốc gia theo 5 nguyên tắc
Cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ và cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ tất cả ý kiến xác đáng của các đại biểu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong quá trình rà soát, hoàn thiện dự án Luật này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Giải trình một số nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, phạm vi điều chỉnh dựa trên các yếu tố: Các nguyên tắc và phương pháp thống kê đã được quốc tế công nhận; các quy định của Luật Thống kê và các luật chuyên ngành có liên quan; khả năng có thể tính toán, xác định, đo lường; tình hình trong nước và kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã cùng các bộ, ngành nghiêm túc rà soát lại các nội dung của dự án Luật.
Tuy nhiên, một số vấn đề quá lớn, cần có thời gian nghiên cứu kỹ và chưa thể làm ngay, do đó, dịp này chỉ tập trung vào 3 nội dung sửa đổi như đã báo cáo trong dự thảo Luật kèm theo phụ lục ban hành danh mục sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu thống kê quốc gia để kịp thời phục vụ cho công tác cung cấp thông tin số liệu, công tác chỉ đạo, phù hợp với các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước.
Vấn đề về bổ sung hoặc tách, nhập một số chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia như liên quan đến bình đẳng giới, dân tộc, trẻ em, bạo lực, môi trường, đất ở, đất sản xuất..., Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả góp ý của các đại biểu Quốc hội để rà soát chặt chẽ, bảo đảm sự tối ưu của các chỉ tiêu khi được ban hành.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, lần sửa đổi này, rất nhiều chỉ tiêu đã được các bộ, ngành rà soát để cập nhật phù hợp với tình hình mới như chỉ tiêu về kinh tế số, phát triển vùng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm...
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu dựa trên 5 nguyên tắc phải là chỉ tiêu ở tầm quốc gia; sự cần thiết và tính cấp bách dựa trên nhu cầu thực tiễn; tính khả thi trong việc thu thập, biên soạn; nguồn lực (ngân sách, nhân lực, thời gian); thông lệ quốc tế và tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về quy định liên quan đến điều 1 của dự thảo Luật; về điều khoản chuyển tiếp; về trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan thống kê trung ương trong việc biên soạn các chỉ tiêu quốc gia..
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy