Dòng sự kiện:
Học sinh Hà Nội đua giành suất vào lớp 10 công lập
07/06/2018 07:30:31
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội diễn ra trong một ngày 7/6, buổi sáng thi Ngữ văn, chiều thi Toán.

Tại điểm thi THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), nhiều thí sinh đã có mặt từ sớm dù 7h30 mới vào phòng thi. Đứng trong sân trường, các em tranh thủ mở sách vở, ôn lại kiến thức môn Ngữ văn. "Đây là kỳ thi quan trọng nhất từ trước đến nay của em. Do lượng thí sinh tăng cao, tỷ lệ chọi vào THPT Việt Đức lớn (1:1,8), mà những lần thi thử trước kết quả của em chỉ ở mức khá nên em rất lo lắng", Phạm Trần Xuân Anh (THCS Trưng Vương) nói.

Để tăng cơ hội đỗ nguyện vọng 1 vào trường cấp ba công lập tốp đầu Hà Nội - THPT Việt Đức, từ đầu năm học lớp 9, Xuân Anh đã chú tâm học hành, ghi nhớ luôn kiến thức trên lớp và về nhà tự học thêm. Một ngày của em chỉ xoay quanh việc học. "Sáng đi học ở trường, trưa về nghỉ ngơi, chiều và tối lại học tiếp. Nhiều hôm em phải thức đến 11-12h đêm", sĩ tử nói.

Đôi lần mường tượng về nỗi thất vọng nếu không đỗ vào THPT Việt Đức, nhưng Xuân Anh không để suy nghĩ đó ám ảnh lâu khiến bản thân bi quan. Một ngày trước buổi thi chính thức, nữ sinh chỉ ôn tổng quan lại kiến thức, đi ngủ sớm để tâm lý thoải mái, đầu óc minh mẫn.

Thí sinh tên Ngân (THCS Ngô Sĩ Liên) dự thi vào lớp 10 tại THPT Việt Đức. Ảnh: Ngọc Thành.

Nhà cách trường chỉ 3km nhưng Hà Ngân (THCS Ngô Sĩ Liên) vẫn đến điểm thi từ 6h30 để "đỡ bị hồi hộp, quen với tâm lý trường thi". Năm nay, Ngân đăng ký nguyện vọng 1 vào THPT Việt Đức, dù biết tỷ lệ chọi vào trường cao, nhiều bạn học giỏi từ THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên... cũng đăng ký thi vào. "Em không dám nghĩ đến việc sẽ trượt nguyện vọng này. Bố mẹ chỉ động viên nhưng em tự đặt ra nhiều áp lực cho bản thân để chắc chắn thi đỗ", Ngân nói.

Song song với việc học trên lớp và tự ôn ở nhà, Ngân học thêm môn Toán để nâng cao khả năng đỗ đạt trường cấp ba có tiếng của thủ đô. Với Ngữ văn, nữ sinh tự học và tin rằng đề thi năm nay tiếp tục ra theo hướng mở, giúp các em được thể hiện suy nghĩ của bản thân.

Điểm thi THPT Việt Đức có một thí sinh bị bó bột, chống nạng, được người nhà đưa đến trường. Hoàng Giang (THCS Ngô Sĩ Liên) cho biết bị dập dây chằng khoảng 10 ngày trước, gia đình rất lo lắng. Với chiếc chân bị bó bột, để ngồi học được lâu, em thường phải gác chân lên ghế.

"Trong phòng thi, em không được gác chân lên, nhưng dù phải ngồi 120 phút cả buổi sáng, chiều, em vẫn cố gắng hết sức để làm bài tốt nhất. Suốt 9 năm mới có một ngày quan trọng như hôm nay", nam sinh chia sẻ.

Hoàng Giang (THCS Ngô Sĩ Liên) bị dập dây chằng, phải bó bột, được người thân đưa đến trường dự thi. Ảnh: Ngọc Thành.

THPT Việt Đức có 20 phòng thi với 480 thí sinh. Theo quy định, mỗi phòng được bố trí 24 sĩ tử. Trong và ngoài khu vực thi đều có cán bộ an ninh túc trực. Điểm trưởng Lê Thị Quyên cho biết, đã phổ biến kỹ lưỡng quy chế thi cho thí sinh trong ngày làm thủ tục (6/6). Thí sinh và cán bộ coi thi được yêu cầu không mang điện thoại vào trường thi.

Để tránh tình trạng sĩ tử quên thẻ dự thi, phải lo lắng và chậm trễ trong khâu gọi vào phòng, các điểm thi lớp 10 của Hà Nội đồng loạt giữ thẻ của thí sinh từ ngày làm thủ tục. Mỗi buổi thi, khi gọi thí sinh vào phòng, cán bộ coi thi sẽ cầm theo thẻ này để đối chiếu ảnh trong đó với thí sinh.

Năm 2018, thủ tục khai mạc kỳ thi được cắt bỏ, để tránh rườm rà, tốn thời gian của sĩ tử, cán bộ làm thi.

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019, Hà Nội có gần 94.500 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập, chiếm hơn 90,4% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Do lượng thí sinh tăng đột biến (hơn 18.700 em so với năm trước), thành phố phải bố trí 185 điểm thi, hơn 3.970 phòng thi và huy động 10.030 giáo viên cả THTP, THCS làm công tác trông thi.

Với 63.050 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, khoảng 31.900 em sẽ phải vào THPT tư thục có chi phí đắt đỏ, hoặc học trường nghề, giáo dục thường xuyên.

Theo quy chế tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký hai nguyện vọng vào trường công lập. Với phương thức kết hợp xét tuyển và thi tuyển, điểm xét tuyển vào lớp 10 của các em sẽ là tổng của điểm THCS (hệ số 1) và điểm thi (hệ số 2), cộng với điểm cộng thêm. Năm nay Hà Nội chỉ cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở Giáo dục tổ chức. Học sinh được loại giỏi sẽ được cộng 1,5 điểm, khá là 1,0 và loại trung bình là 0,5 điểm.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến