Dòng sự kiện:
Hội nghị thượng đỉnh G20 - Cơ hội chứng minh vị thế địa chính trị của Ấn Độ
08/09/2023 16:01:25
Ấn Độ sẽ có cơ hội chứng minh ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng khi nước này đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20.


Ấn Độ sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023. Ảnh: indiafoundation.in

Theo hãng tin AP, trước khi Ấn Độ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Thủ tướng nước này Narendra Modi đã mời 125 quốc gia chủ yếu là quốc gia đang phát triển tham dự một cuộc họp trực tuyến vào đầu năm nay để báo hiệu ý định của New Delhi muốn trở thành quốc gia hàng đầu trên trường thế giới.

Trong cuộc họp đó, Thủ tướng Modi đã liệt kê những thách thức lớn mà ông cho rằng có thể được giải quyết tốt hơn nếu các nước đang phát triển có vai trò lớn hơn trong trật tự toàn cầu mới nổi: đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, khủng bố, xung đột Nga - Ukraine.

“Thế giới đang trong tình trạng khủng hoảng. Hầu hết các thách thức toàn cầu không phải do khu vực Global South (Nam bán cầu) tạo ra. Nhưng chúng ảnh hưởng lớn đến chúng ta”, ông Modi nói.

Ấn Độ đã cam kết tăng cường tiếng nói của khu vực này, vốn bao gồm hầu hết các nước đang phát triển, nhiều trong số đó là thuộc địa cũ ở châu Á, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Đại Dương và Caribe.

Cam kết đó sẽ đối mặt với "phép thử" trong tuần này khi các nhà lãnh đạo thế giới đến New Delhi dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, bắt đầu vào ngày 9/9. Ấn Độ đã tự khẳng định mình không chỉ là cầu nối với các nước đang phát triển mà còn là một bên tham gia toàn cầu đang lên và quan trọng là trung gian hòa giải giữa phương Tây và Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Milan Vaishnav, Giám đốc Chương trình Nam Á tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định: "Tìm hướng đi trong bối cảnh rạn nứt giữa các khối khác nhau trên thế giới về cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ là một 'hành động cân bằng ngoại giao' đối với Ấn Độ".

Nhưng có một vấn đề cần lưu ý, không có cuộc họp thuộc G20 nào trong năm nay đưa ra được một thông cáo chung, với việc Nga và Trung Quốc phủ quyết từ ngữ về cuộc xung đột ở Ukraine.

John Kirton, Giám đốc và người sáng lập Nhóm nghiên cứu G20, cho biết nếu các nhà lãnh đạo không phá vỡ tình trạng bế tắc này vào cuối tuần, điều đó có thể dẫn đến lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc mà không có thông cáo chung, một bước thụt lùi chưa từng có đối với nhóm.

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không tham dự, mà chỉ cử đại diện đến Ấn Độ.

Xét tới mối quan hệ lịch sử của New Delhi với Moskva, mối quan hệ ngày càng gia tăng với phương Tây và mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề biên giới, ông Modi đang ở một vị thế tiến thoái lưỡng nan về mặt ngoại giao.

Ấn Độ vẫn dựa vào Nga về trang thiết bị quân sự trong nhiều thập kỷ và gần đây hơn là vào lượng dầu giá rẻ kỷ lục từ Moskva. Nhưng bất chấp mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ và Nga, phương Tây vẫn tích cực thuyết phục Ấn Độ.

Tổng thống Joe Biden gần đây đã trải thảm đỏ đón ông Modi ở Mỹ và hai bên đã ký một loạt thỏa thuận. Thủ tướng Ấn Độ cũng là khách mời danh dự trong cuộc diễu hành Ngày Quốc khánh của Pháp và ông được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 vài tháng trước.

“Liệu Thủ tướng Modi có thể đưa ra một tuyên bố chung như Tổng thống của Indonesia đã làm vào năm ngoái hay không? Đó là một câu hỏi mở dựa diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine”, chuyên gia Kirton nói.

Khi sự chia rẽ về cuộc xung đột ở Ukraine "phủ bóng đen" lên hội nghị thượng đỉnh G20, Ấn Độ đã tập trung vào các vấn đề ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, như mất an ninh lương thực và nhiên liệu, lạm phát gia tăng, nợ và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương. Và trong nỗ lực làm cho G20 trở nên toàn diện hơn, ông Modi đã đề xuất Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực.

Happymon Jacob, người sáng lập Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng có trụ sở tại New Delhi, nêu quan điểm: "Một số nước G20 muốn tập trung vào việc chỉ trích Nga, nhưng đối với một số quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với xung đột cục bộ và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cuộc xung đột ở Ukraine không phải là ưu tiên lớn".

Chuyên gia Jacob nói thêm: “Có cảm giác ở Nam bán cầu rằng xung đột ở các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như ở Afghanistan, Myanmar hay châu Phi, không được các nước phát triển hoặc trong các diễn đàn như G20 coi trọng".

Tuy nhiên, chuyên gia Vaishnav lại cho rằng Ấn Độ đang ở thời điểm thuận lợi về địa chính trị: Nước này nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất so với các nước lớn, có dân số trong độ tuổi lao động dồi dào khi phương Tây đã già hóa, có lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine. Những điều này sẽ làm tăng thêm ảnh hưởng ngoại giao của New Delhi tại G20. Sự chú ý toàn cầu cũng có thể làm tăng uy tín của ông Modi trước cuộc tổng tuyển cử quan trọng vào năm tới.

Tác giả: Công Thuận

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến