Dòng sự kiện:
'Hội nhập quốc tế - thách thức và những cơ hội'
15/06/2018 16:06:33
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TTTT cho hay, việc chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Khẳng định vai trò quốc tế của Việt Nam

Ngày 15/6, tại TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) phối hợp UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức Hội nghị tập huấn hội nhập quốc tế để cung cấp tổng quát về tình hình đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TTTT cho hay, việc chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TTTT phát biểu tại hội nghị

Trong thời gian qua, các cơ quan, bộ, ngành địa phương đã tích cực triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực tranh thủ các nguồn lực cho phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; củng cố môi trường hoà bình, ổn định; quảng bá và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Cũng theo Vụ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, từ nay đến năm 2020, Việt Nam đang và sẽ đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế như đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010, ứng cử viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, hoàn tất các cam kết quốc tế lớn, trong đó có các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm 2018; Ký kết, phê chuẩn và triển khai nhiều FTA thế hệ mới, với mức độ cam kết sâu rộng hơn. Và gần đây nhất là việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP - TPP)…

“Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế nhằm thống nhất về nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập, đặc biệt của các doanh nghiệp đối với các thoả thuận quốc tế, các cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do là điều rất quan trọng” - Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định.

Đảm bảo lợi ích của Việt Nam trên biển Đông

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ Trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Bộ ngoại giao đã cung cấp những thông tin tổng quan liên quan đến tình hình thế giới, khu vực và công tác đối ngoại của Đảng ta từ đầu năm 2018 đến nay.

Đáng chú ý trong đó có vấn chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước với các nước lớn, vấn đề Biển Đông.

Theo phát biểu của Vụ trưởng, hiện nay, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành tôn tạo đảo, vừa củng cố hiện diện trên thực địa, vừa thể hiện chính sách hòa dịu hơn.

Trước tình hình trên Biển Đông, chính quyền tổng thống Donald Trump vẫn chưa thể hiện chính sách rõ ràng do phải xử lí ưu tiên cấp bách hơn là Triều Tiên, đồng thời Trung Quốc cũng tỏ ra kiềm chế, chưa tôn tạo đảo Scarborough.

Bên cạnh đó, một số nước khác như Nhật Bản, Pháp… có dấu hiệu tìm cách can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông để duy trì cân bằng chiến lược khu vực, song khả năng có hạn.

Trong khi đó, ASEAN đang bị phân hóa, xu hướng theo đuổi lợi ích dân tộc mạnh hơn trước.

Trả lời báo chí về vấn đề Việt Nam làm thế nào để đảm bảo lợi ích của mình trong cục diện Biển Đông đang diễn biến theo hướng có lợi cho Trung Quốc cả trên thực địa và tập hợp lực lượng chính trị - ngoại giao.

Tham gia hội nghị chủ yếu là các phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí, thông tấn tại Thanh Hóa

Vụ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lí vững chắc để bảo vệ chủ quyền. Thông qua vụ kiện của Philippin, có thể thấy cơ sở pháp lí của Trung Quốc rất yếu, thậm chí là không có. Do đó, nhiều nước vẫn đang dành sự ủng hộ cho lập trường của chúng ta”.

Cũng theo Vụ trưởng, Biển Đông là khu vực phát triển năng động về kinh tế, các nước đều mong muốn một môi trường hòa bình, ổn định đặc biệt là vấn đề tự do an ninh, an toàn hàng hải. Với những nhu cầu thực tế và cơ sở pháp lí vững chắc ấy, với kinh nghiệm và chính sách ngoại giao khôn khéo, chúng ta có thể bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên biển Đông.

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Cơ hội và thách thức

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã trao đổi về các vấn đề xoay quanh vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam – EU và các cơ hội, thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị với các địa phương chủ động nắm vững các cam kết quốc tế, từ đó có định hướng chiến lược trong tái cấu trúc, cập nhật tư duy quản lí trong tình hình mới, đổi mới phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường…

Đối với các doanh nghiệp, ngoài chủ động nắm vững các cam kết quốc tế của Việt Nam và các nước đối tác, tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng phương án đối phó với cạnh tranh ở thị trường trong nước, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại ở nước ngoài; nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị, năng lực chuyên môn của người lao động…

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quý Quyền, Trưởng nhóm đa phương Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi những vấn đề xoay quanh các định hướng chung, cam kết hội nhập trong lĩnh vực thông tin truyền thông như: Bưu chính, viễn thông, thương mại điện tử, truyền thông đại chúng…

Trong đó, ông Quyền cũng lưu ý những vấn đề cần quan tâm đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí như: Hiểu nội dung chính sách, chủ trương, đường lối, các nội dung cam kết, những thách thức, cơ hội. Ngoài ra cần quan tâm đến số lượng, chất lượng các bài viết…

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến