Dòng sự kiện:
Hội thảo: ' Văn hóa biển đảo, bảo vệ và phát huy giá trị'
17/10/2014 08:36:17
ANTT.VN – Ngày 16/10, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “văn hóa biển đảo, bảo vệ và phát huy giá trị” nhằm góp phần hình thành cơ sở khoa học vào thực tiễn cho việc tổ chức tốt nhất, hiệu quả nhất các hoạt động mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị biển đảo Việt Nam.

Tin liên quan

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Kim Liên , PGS.TS Khoa học Lưu Trần Tiêu Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, ông Nguyễn Mạnh Thắng Phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Unesco Việt Nam, cùng đại diện các bộ ngành, cùng đại diện sở văn hóa các tỉnh…

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Văn hóa biển đảo, bảo vệ và phát huy giá trị" ngày 16/10 (Ảnh: Kiều Chinh)

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Kim Liên cho biết: Việt Nam tự hào là một quốc gia biển với tổng diện tích biển đảo thuộc chủ quyền lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, qua trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước các thế hệ người Việt Nam đã luôn gắn bó chặt chẽ với biển đảo và đất nước. Điều đó không chỉ được thể hiện sinh động trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế mà còn thể qua những cuộc đấu tranh trường kỳ, bảo vệ biển đảo thiêng liêng.

Qua nhiều biến cố dù bị mất mát bởi chiến tranh và sự khắc nhiệt của thiên nhiên nhưng kho tàng di sản văn hóa vẫn vô cùng đồ sộ, độc đáo và quý báu, đã và đang là một trong những nguồn lực quan trọng cho dân tộc vững vàng đi lên trong qúa trình thực hiện đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, với chiều dài bờ biển 3.260 km và trên dưới 3.000 hòn đảo lớn nhỏ Việt Nam là quốc gia chịu nhiều tác động suốt chiều dài lịch sử và theo dự báo của các nhà khoa học, nếu mực nước biển dâng nước ta sẽ là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó chủ quyền trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn trở thành đối tượng nhòm ngó, do đó việc tìm ra giải pháp hữu hiệu cho việc bảo tồn di sản văn hóa biển trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Kho tàng di sản văn hóa biển đảo của nước ta rất dày dặn và đa dạng, về di sản văn hóa phi vật thể ta đã phát hiện hàng loạt di chỉ cư trú, sinh hoạt của dân thời Tiền sử với những đặc trưng có thể khái quát thành những nền văn hóa như Hạ Long, Bàu Tró, Sa Huỳnh…, ở những giai đoạn tiếp theo còn có nhiều di sản đặc sắc, ví dụ thương cảng nổi tiếng như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Thanh Hà (Huế), Hội An (Quảng Nam)… trong đó, đô thị thương cảng Hội An đã được Unesco đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới.

Những năm gần đây, vùng biển của Việt Nam bị xâm phạm việc sưu tầm những tư liệu phục vụ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền được triển khai tích cực, chúng ta ngày càng hiểu được giá trị của các loại hình tư liệu phản ánh chủ quyền Việt Nam trên biển và hải đảo như: Bản đồ, hải đồ, bộ sách sử, châu bản, mộc bản… Trong đó châu bản của nhà Nguyễn được Unesco công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương…

Đến dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Kim Liên (Ảnh: Kiều Chinh)

Tuy nhiên, dựa vào tình hình thực tế , GS.TSKH Vũ Minh Giang đánh giá việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo chưa thực sự được chú trọng đúng mức, cụ thể về việc này như đến nay ta chưa có một chương trình sưu tầm, thu thập tư liệu, nghiên cứu một cách hệ thống về di sản văn hóa biển đảo, việc nghiên cứu còn manh mún, tự phát và phó mặc cho địa phương.

Sau khi nghe xong báo cáo đề dẫn của Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, hội thảo được chia thành 2 tiểu ban để thảo luận, tiểu ban 1 của hội thảo, thảo luận về “lý luận và nhận diện về văn hóa biển đảo”, tiểu ban 2 thảo luận về “Giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo”.

Bàn về” lý luận và nhận diện về văn hóa biển đảo”, PGS.TS Ngô Đức Thịnh đã làm rõ một số vấn đề về văn hóa biển cận duyên Việt Nam, theo ông các  dạng thức văn hóa của con người được chia làm 4 nhóm và văn hóa biển thuộc nhóm “văn hóa sinh thái”. Ông đưa ra quan niệm “Văn hóa sinh thái” là “văn hóa sản sinh ra trong quá trình con người thích ứng với môi trường sống, từ đó hình thành nên tri thức, những hành vi, ứng xử, tập tục, nghi lễ, thói quen… tương thích với môi trường sinh thái ấy. Tất cả những cái đó nhằm đảm bảo cho sinh tồn và sự đáp trả của con người trước những thách thức của môi trường sống”.

Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung về vấn đề “giao lưu văn hóa biển đảo trong lịch sử”, bà cho rằng: “Biển Đông trong lịch sử và hiện nay đóng vai trò trung điểm, liên kết những luồng cư dân - văn hóa - kinh tế từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, do vậy nghiên cứu hàng hải - thương hải trên biển đông phải được đặt trong văn cảnh của biển Đông Nam Á nói riêng và của biển Thái Bình Dương nói chung. Theo nghiên cứu gần đây, từ thời trung đại vùng biển này được xác định là một vùng hoạt động giao thương sôi động và năng động, có tầm quan trọng không chỉ trong khu vực mà cả ở quốc tế”.

Trong cuộc thảo luận của tiểu ban 2, các đại biểu thảo luận khá sôi nổi về “giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo”.

Nhận định về vấn đề: “Phát triển bền vững du lịch biển đảo Việt Nam”, TS. Nguyễn Văn Lưu nhấn mạnh: Du lịch biển đảo phát triển kéo theo sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, như ngành kiến trúc, xây dựng, sản xuất vật liệu, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không… Tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp góp phần đẩy mạnh kinh tế biển, đa dạng hóa kinh tế vùng duyên hải và đảo của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Theo TS. Nguyễn Văn Lưu, để đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo bền vững cần: Tăng cường nâng cao nhận thức và hiểu biết công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 và về du lịch biển đảo; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch biển đảo; ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch biển đảo; nghiên cứu thị trường du lịch biển đảo bài bản hơn làm cơ sở đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch biển đảo; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển du lịch biển đảo; tiếp tục quan tâm bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu; phát triển du lịch biển gắn với an ninh quốc gia; xã hội hóa mạnh mẽ để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển du lịch biển đảo.

PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, cần phải nhận thức rõ các giá trị văn hóa biển đảo và di sản văn hóa biển đảo của Việt Nam. Theo ông, trước đây với tư duy châu thổ hay tư duy lục địa, ta chỉ quan tâm đến loại hình di sản văn hóa trên đất liền mà phần nào lãng quên các di sản gắn với biển đảo. Thiếu sót đó cần phải bổ sung và điều chỉnh gấp vì đối với một quốc gia biển như Việt Nam, diện tích vùng biển lớn hơn nhiều diện tích đất liền, bờ biển kéo dài từ mũi Cà Mau đến Quảng Ninh, có vùng biển, thềm lục địa trên biển Đông. Đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài khơi thì nhất thiết phải hình thành văn hóa biển đảo từ lâu đời.

Có văn hóa biển đảo, tất yếu phải để lại dấu ấn vật chất và tinh thần qua di sản văn hóa. Dấu ấn văn hóa có thể đậm, nhạt, dày hay mỏng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của các vùng địa – văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
PGS.TS. Đặng Văn Bài nhấn mạnh: Thế hệ người Việt Nam hôm nay phải khắc ghi công đức của cha ông qua nhiều đời đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí hi sinh tính mạng cho công cuộc khai hoang lấn biển và từng bước Nam tiến để tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển đảo, thiết lập quan hệ giao thương với các nước trên thế giới và khu vực. Có thể hiểu văn hóa một cách đơn giản là phương cách ứng xử của người Việt Nam đối với môi trường biển đảo quanh mình, từ đó hình thành lối sống thích ứng khai thác nguồn lợi từ biển đảo để sinh tồn và sáng tạo ra các giá trị văn hóa để trao truyền cho đời sau.

Kiều Chinh – Chi Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến