Những người trẻ sẵn sàng cống hiến
Nhìn lại năm 2021, ký ức về đại dịch Covid-19 tại TP HCM vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Cuộc chiến kéo dài với hàng triệu ca nhiễm và hàng nghìn sinh mạng đã ra đi. Đằng sau những con số lạnh lẽo ấy là hàng trăm ngàn gia đình phải gánh chịu nỗi đau mất mát, những đứa trẻ mồ côi, những người cha, người mẹ không còn có thể trở về...
Đại dịch đã khiến thành phố năng động nhất Việt Nam trải qua những tháng ngày khó quên, nhưng cũng chính từ đó, tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái của người dân cả nước đã tỏa sáng, thể hiện sức mạnh phi thường của con người trong những thời khắc khốn khó nhất.
Lúc bấy giờ, khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM phát đi lời kêu gọi, cùng với Công văn số 3246/SYT-TCCB ngày 26/7/2021 của Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, rất nhiều nhân viên y tế đã xung phong lên đường vào Nam chống dịch.
Tại Bệnh viện Đa Khoa Phủ Diễn, huyện Diễn Châu (Nghệ An), lời kêu gọi này đã truyền cảm hứng và thôi thúc toàn thể cán bộ, nhân viên y tế được ra sức cống hiến hết mình với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái lớn lao vượt lên gian khó.
Vào tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra quá nhiều mất mát và đau thương cho TP.HCM
Là một trong những nhân viên y tế đi đầu trong tinh thần xung phong vào Nam chống dịch, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Đa Khoa Phủ Diễn, chị Ngô Thị Tình không thể quên những thời khắc khó khăn ấy.
"Khi theo dõi tình hình đại dịch ở TP HCM lúc bấy giờ, tôi cho rằng không một ai trong ngành Y tế có thể kìm được lòng, bởi chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết những gì người dân phải trải qua khi chống chọi với bệnh tật, đặc biệt là với Covid-19. Thương đồng bào mình, thương những đồng nghiệp đang gồng mình nơi tâm dịch, tôi chỉ có một suy nghĩ là mong có thể góp chút sức để giúp miền Nam vượt qua cơn bão dịch khủng khiếp", chị Tình nhớ lại.
Khoảnh khắc khi lời kêu gọi được phát đi, chị đã ngay lập tức đăng ký tham gia đoàn công tác vào miền Nam. Dẫu biết rằng quyết định đó sẽ đưa chị vào những khó khăn không lường trước, bởi gia đình chị ai cũng lo lắng, thậm chí khuyên can.
Đó là tâm trạng chung của những người đã đăng ký xung phong vào Nam chống dịch, mặc dù ai cũng quyết tâm mạnh mẽ nhưng hầu hết anh chị em trong đoàn đều phải đối mặt với nỗi lo toan từ gia đình. Nhiều người có con nhỏ cần cha mẹ chăm sóc, có cha mẹ già đang chờ đợi sự quan tâm và không ít chị em phụ nữ phải gánh vác cả gia đình khi chồng công tác xa, hoặc tham gia ở các tuyến đầu khác. Có những chị đã trở thành bà, đồng thời phải chịu trách nhiệm lớn lao trong gia đình. Một số đồng chí còn phải chống chọi với bệnh tật trong suốt hành trình tăng viện.
Điều dưỡng Ngô Thị Tình là một trong những cán bộ y tế đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn xung phong tham gia đoàn vào Nam chống dịch
"Chồng tôi làm việc xa nhà ở Hà Nội nên hầu như tôi là người gánh vác công việc gia đình. Trong khi đó, con cái còn nhỏ, bố mẹ chồng đã lớn tuổi và sức khỏe không tốt. Quyết định lên đường tham gia chống dịch của tôi ban đầu không nhận được sự ủng hộ. Nhưng cuối cùng, nhờ sự cảm thông và thấu hiểu, chồng đã động viên và sắp xếp mọi thứ để tôi có thể yên tâm lên đường", chị Tình chia sẻ với ánh mắt đầy cảm xúc.
Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn chỉ có hơn 200 cán bộ, nhưng đã có tới 31 người đăng ký tham gia đoàn vào Nam chống dịch. Trong bối cảnh cả nước đang đối mặt với số lượng ca nhiễm gia tăng, mọi bệnh viện đều trong tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị cho những khó khăn có thể xảy ra.
Với 31 đồng nghiệp sẽ lên đường hỗ trợ miền Nam, ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn lúc bấy giờ bên cạnh việc động viên người đi, cũng đã phải lên kế hoạch một cách tỉ mỉ, cẩn thận nhất cho những người ở lại.
Những lời an ủi, động viên từ lãnh đạo bệnh viện, đồng nghiệp và người thân trong gia đình thực sự như ngọn lửa ấm áp, tiếp thêm sức mạnh cho những nhân viên y tế lên đường vào Nam chống dịch.
Chị Tình xúc động nhớ lại ngày 12/8 của 3 năm trước, chị cùng các đồng nghiệp mang theo hành trang không chỉ là trang thiết bị y tế, mà còn là niềm tin và trách nhiệm với nghề. Trong tay những cán bộ, nhân viên y tế là những bộ đồ bảo hộ tốt nhất, thuốc men và một đồng đội đặc biệt là chiếc xe cứu thương mang BKS: 37B-027.43. Khi lên đường, ai nấy đều tràn đầy nhiệt huyết.
"Chúng tôi, những người trẻ, sẵn sàng cống hiến, bởi thời điểm đó chính là lúc Tổ quốc cần chúng tôi. Mỗi bước đi là một lời hứa, một quyết tâm mang lại hy vọng và an lành cho những người cần chúng tôi nhất", nữ điều dưỡng rưng rưng nhắc lại.
"Chị ơi em lại mất thêm bố rồi…"
Sau một hành trình dài, đoàn nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn có mặt ở tâm dịch Covid-19 lúc bấy giờ và được bố trí đóng quân tại một điểm ở quận Phú Nhuận.
Trong ký ức nữ điều dưỡng Ngô Thị Tình, khó khăn lớn nhất đối với 31 anh chị em trong đoàn chính là sự khác biệt trong khẩu vị, điều kiện sinh hoạt hạn chế và thiếu thốn trang thiết bị y tế. Trong bộ đồ bảo hộ, họ không chỉ có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân mà còn trở thành người thân của những người nhiễm Covid-19 nặng, giúp vệ sinh cá nhân, đảm bảo chế độ ăn uống...
Đội phản ứng nhanh thường xuyên nhận lệnh di chuyển, đón bệnh nhân F0 bất kể giờ giấc, trong khi việc bàn giao bệnh nhân tại các bệnh viện quá tải cũng là một thách thức. Dù đầy quyết tâm, nhiều người trong đoàn lúc này vẫn nặng gánh những lo lắng cho con cái, cha mẹ già ở nhà phải đối mặt với bệnh tật và thiếu sót về chuyên môn...
"Họ chứng kiến nỗi đau mất mát của bệnh nhân và người thân nhưng vẫn kiên cường trong trận chiến không tiếng súng. Mỗi ngày, họ đã cùng nhau vượt qua những khó khăn, làm việc như một gia đình. Được sự hỗ trợ từ lãnh đạo và cộng đồng, họ tìm thấy động lực trong những tin nhắn, cuộc gọi động viên", chị Tình kể.
Công tác chống dịch Covid-19 tại quận Phú Nhuận (TP HCM) thời điểm tháng 8/2021
Một lần, nhóm chị Tình được giao nhiệm vụ vận chuyển 40 ca F0 đến khu điều trị tại Bệnh viện Thủ Đức. Tuy nhiên, cả tài xế và nhân viên đều còn lạ lẫm với đường phố TP HCM và nhiều tuyến đường bị phong tỏa, nên đoàn bị lạc. Dù quãng đường chỉ 20km, nhưng phải mất tới 4 giờ đồng hồ, nhóm mới đến nơi. Câu chuyện này chỉ là một trong nhiều khó khăn mà đoàn của chị Tình phải đối mặt khi tham gia chống dịch tại miền Nam.
Chị Tình chia sẻ rằng, đến giờ, chị vẫn ám ảnh bởi câu chuyện của một bệnh nhân phải chiến đấu giành giật sự sống, trong khi còn gánh chịu nỗi đau tột cùng khi 5 người thân lần lượt mất vì Covid-19.
"Đó là một cặp vợ chồng đáng thương. Người vợ đang mang bầu và cả gia đình họ đều mắc Covid-19, phải vào khu cách ly để điều trị. Tôi là nhân viên y tế chăm sóc cho họ nên biết rằng ngoài hai vợ chồng và đứa con trong bụng; cả bố mẹ, ông bà và bà cô của họ cũng là F0. Thật đau lòng khi chỉ sau vài ngày, cậu ấy thông báo cho tôi rằng 1 người trong gia đình đã mất.
Nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn tham gia chống dịch tại quận Phú Nhuận (TP HCM)
"Chị ơi, em mất mẹ rồi"; "Chị ơi, giờ em lại mất thêm bố"... Nỗi đau cứ nối tiếp nhau dồn dập đến với chàng trai tội nghiệp đó. Tôi không thể kìm nén nước mắt mỗi lần chứng kiến những bi kịch mà bệnh nhân phải trải qua. Bạn có tin nổi không, chỉ trong thời gian ngắn, hai vợ chồng đã mất tới 5 người thân trong gia đình, bao gồm bố mẹ, ông bà và một người cô ruột sống cùng nhà. Đến giờ tôi vẫn không thể tin rằng mình đã sống trong thời khắc như vậy. Đó cũng là lúc tôi và các đồng đội đôi khi muốn gục ngã, nhưng vẫn phải gượng dậy để tiếp tục chiến đấu, chỉ mong không phải chứng kiến thêm mất mát nào nữa trong cơn đại dịch này", nữ điều dưỡng rưng rưng nhớ lại.
Người ta nói rằng, sau cơn mưa thì trời sẽ hửng sáng, dù có phải đối diện với khó khăn lớn như nào thì khi sức mạnh về tình người, sự đoàn kết của những người đồng bào được phát huy thì những khó khăn đó sẽ dần ở lại phía sau. Những nỗ lực của những người ở tuyến đầu chống dịch như nữ điều dưỡng Ngô Thị Tình và các đồng nghiệp dần dần cũng mang lại những kết quả tích cực.
Niềm vui đến từ việc cấp cứu thành công, giảm dần số ca F0 và đưa nhiều bệnh nhân về nhà. Sau 62 ngày chiến đấu, đoàn công tác của Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn đã góp sức điều trị cho gần 7.000 ca F0, tham gia tiêm chủng và lấy mẫu cho cộng đồng, giúp quận Phú Nhuận kiểm soát dịch bệnh và trở về trạng thái "bình thường mới".
Sự cống hiến của họ đã được ghi nhận và trân trọng không chỉ bởi lãnh đạo mà còn bởi chính người dân nơi đây.
Quận Phú Nhuận (TP HCM) chia tay lực lượng tăng cường vào miền Nam chống dịch
Ngày 30/9/2021, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình công bố Chỉ thị của UBND TPHCM về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn TP. Theo đó, TP HCM sẽ nới lỏng giãn cách xã hội từng bước, thận trọng, theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".
"30 trái tim hòa chung nhịp đập, 30 đôi chân bước vào một hành trình ý nghĩa. Chúng tôi, những nhân viên y tế của Bệnh viện Phủ Diễn mang trong mình sức trẻ và lòng nhiệt huyết, đóng góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống dịch của Tổ quốc. Chuyến đi này không chỉ là một kỷ niệm tuổi trẻ, mà còn ghi dấu những khoảnh khắc khó quên và những trải nghiệm đầy ý nghĩa. Chúng tôi sát cánh cùng tuyến đầu chống dịch, chứng kiến sự hy sinh thầm lặng và sự kiên cường của người dân cũng như các đồng nghiệp trong áo trắng.
Ngày trở về của đoàn công tác Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn sau chuyến vào Nam chống dịch
Tuy nhiên, trong niềm vui chiến thắng, chúng tôi không thể quên những mảnh đời bất hạnh đã mất đi người thân vì Covid-19, hay những đồng nghiệp, người thân đã gánh vác, hy sinh và dành cho chúng tôi tình cảm ấm áp. Họ chính là ngọn lửa hy vọng, là động lực để chúng tôi tiếp tục vững bước trên con đường hành nghề.
Niềm tự hào khi trở về không chỉ thuộc về chúng tôi, mà còn là của gần 200 cán bộ nhân viên bệnh viện, những người đã đồng hành, ủng hộ và góp phần tạo nên thành công của chuyến đi. Đó là động lực, là sức mạnh to lớn để chúng tôi tiếp tục cống hiến, xây dựng một tương lai tươi sáng cho ngành Y và cho đất nước", nữ điều dưỡng Ngô Thị Tình chia sẻ.
Phan Huy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy