Dòng sự kiện:
Hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới năm 2021
08/01/2022 10:17:49
Nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 1,5 triệu tài khoản chứng khoán trong năm 2021. Đây là con số kỷ lục và cao gấp rưỡi tổng số mở mới của 4 năm liền trước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền lớn và sự gia nhập của nhà đầu tư lẻ ngày càng tăng lên. Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy nhà đầu tư trong nước mở mới 226.580 tài khoản chứng khoán trong tháng 12/2021. Trong đó nhóm cá nhân mở mới 226.390 tài khoản và các tổ chức mở thêm 190 tài khoản.

Đây là tháng có số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới cao nhất trong lịch sử, tăng hơn 6.000 tài khoản so với tháng kỷ lục trước đó. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp số tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng thứ 2 liên tiếp có trên 200.000 tài khoản được mở mới.

Như vậy lũy kế cả năm 2021, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản được mở mới trong giai đoạn 2017-2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Tính tới cuối năm 2021, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,3 triệu, tương đương khoảng 4,4% dân số. Dù vậy, đây vẫn là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á.

Các nhà đầu tư nước ngoài mở mới 306 tài khoản trong tháng 12/2021, giảm 191 tài khoản so với tháng trước. Lũy kế năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 4.439 tài khoản chứng khoán tại Việt Nam.

Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường cao đột biến khi các hoạt động kinh doanh khác bị ngừng trệ, chứng khoán với ưu điểm thanh khoản cao nhanh chóng hút dòng tiền và trở thành kênh đầu tư hiệu quả hàng đầu cho dòng tiền nhàn rỗi.

Nhà đầu tư ồ ạt gia nhập thị trường vốn đã đẩy quy mô ngành chứng khoán nội địa phát triển thần tốc. Năm ngoái VN-Index tăng 36% để lọt vào top 7 thị trường tăng mạnh nhất thế giới và kết thúc năm quanh đỉnh 1.500 điểm.

Thanh khoản thị trường cũng cao đột biến với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt gần 26.600 tỷ đồng/phiên (1,16 tỷ USD/phiên), gấp 3,6 lần năm liền trước. Trong đó giá trị khớp lệnh bình quân cũng gấp đến 4 lần lên gần 24.500 tỷ đồng/phiên.

Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán tại thời điểm cuối năm đạt 7,77 triệu tỷ đồng (338 tỷ USD) và chiếm 99% GDP. Đây là mức tăng khoảng 2,47 triệu tỷ đồng (107 tỷ USD hay 47%) so với cuối năm 2020. Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030.

Nhiều chuyên gia chứng khoán dự báo thị trường vẫn còn thu hút nhà đầu tư mới trong năm 2022 nhưng mức độ sẵn sàng tham gia sẽ giảm dần, không còn bùng nổ mà sẽ ổn định ở một mức nhất định, nhất là khi chính sách tiền tệ đã nới lỏng khá nhiều và nền kinh tế hồi phục rõ nét.

Theo Giám đốc Mirae Asset Huỳnh Minh Tuấn, dòng tiền tìm tới kênh đầu tư chứng khoán vẫn sẽ gia tăng khi ý thức về một lớp tài sản chất lượng và thanh khoản cao như chứng khoán đã được nhìn nhận. Có thể nói Việt Nam đã và đang đi vào trạng thái xã hội hóa đầu tư chứng khoán, vì vậy làn sóng nhà đầu tư mới vẫn sẽ tiếp diễn.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến