Phao cứu sinh cho lao động
Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát khiến anh Vi Văn Định (xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, Thanh Hóa), người nhiều năm lao động ở Bình Dương, mất việc làm. Chạy dịch, anh Định trở về quê.
Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, trong lúc hoang mang lo sinh kế, chưa có việc làm, anh nhận được thông tin tỉnh Thanh Hóa có chính sách cho người trở về từ vùng dịch được vay vốn sản xuất theo phương án 198/PA-UBND.
Như tìm được phao cứu sinh, anh Định tìm đến cán bộ xã để được tư vấn thủ tục vay vốn. Nhận thấy điều kiện địa phương phù hợp để trồng trọt, chăn nuôi, anh quyết định làm hồ sơ vay 100 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Xuân để phát triển chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả.
Nhiều lao động từ vùng dịch trở về được hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi
Sau khi hoàn tất hồ sơ, anh Định đã được giải ngân nguồn vốn trong 1 tuần. “Tôi rất vui vì Nhà nước có chính sách hỗ trợ rất kịp thời cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây thực sự là chính sách rất nhân văn, giúp chúng tôi có điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống”, anh Định hồ hởi nói.
Anh Tào Văn Chương (37 tuổi) ở huyện Thọ Xuân, cho biết, anh là công nhân ở Bắc Ninh, về quê tháng 4/2021 khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
“Khi dịch xảy ra, tôi mất việc làm, cả tháng trời nằm không có việc, không thu nhập. Khi trở về quê lại phải cách ly, hết cách ly lại thất nghiệp. Trong khi đó vợ thường xuyên ốm đau, không biết làm gì ra tiền. Rất may Nhà nước có chương trình cho vay ưu đãi, tôi đăng ký vay 100 triệu nhưng chỉ được giải ngân 50 triệu đồng. Dù vậy, tôi cũng dự định mua bò để chăn nuôi”, anh Chương chia sẻ.
Khi Bắc Giang bùng dịch đợt tháng 6/2021, anh Bùi Văn Thế (26 tuổi), huyện Thọ Xuân được tỉnh Thanh Hóa tổ chức đón về địa phương. Thời gian dài mất việc làm, anh chỉ ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng.
“Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng hiện đang thất nghiệp, còn nuôi con nhỏ nên không biết trông chờ vào đâu. Dịch vẫn đang phức tạp, tôi chưa thể quay lại công ty làm việc. Khi nghe tỉnh có chương trình cho vay ưu đãi, tôi đã làm hồ sơ để vay vốn 100 triệu đồng dự định làm trang trại, hi vọng hồ sơ của tôi sẽ được chấp thuận để giúp gia đình có vốn đầu tư”, anh nói.
Thiếu nguồn tiền
Ông Đặng Ngọc Hoàn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân thông tin, theo phương án 198 của UBND tỉnh, người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bị mất việc làm sẽ được vay vốn để giải quyết việc làm với mức với mức tối đa 100 triệu đồng/lao động, không phải thế chấp tài sản. Tại huyện Thọ Xuân, đến nay chúng tôi đã tiếp nhận 231 hồ sơ có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền 19,7 tỷ đồng. Trong đó, có 18 trường hợp đã được giải ngân tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
“Vào cuối năm, nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng chúng tôi đang thiếu nguồn tiền. Hiện, ngân hàng đang tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách, bố trí vốn để tiếp tục hỗ trợ người lao động”, ông Hoàn nói.
Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, để triển khai hiệu quả phương án 198 của UBND tỉnh, giúp lao động ổn định việc làm và đời sống tại địa phương, Ngân hàng đã phối hợp với ngành lao động thương binh và xã hội; các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách nhu cầu vay vốn của các lao động trở về từ vùng dịch bị mất việc làm để tham mưu cấp trên cân đối, bố trí nguồn vốn giải quyết cho vay kịp thời; cử cán bộ hướng dẫn về quy trình, thủ tục cho vay để người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Đến ngày 22/10, kết quả rà soát cho thấy có trên 2.120 lao động có nhu cầu vay vốn với số tiền trên 69 tỷ đồng. Hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thanh hóa đã giải ngân cho 73 lao động với số tiền 5,5 tỷ đồng.
Lương Diễn
- 1. Thực hư tin đồn Ngọc Trinh mua 11ha đất ở Bảo Lộc để xây dựng homestay
- 2. Loạt chủ đầu tư tại TP HCM nợ thuế hàng trăm tỷ đồng
- 3. Giá đất nền Hưng Yên liên tục lập đỉnh mới, cần thận trọng điều gì?
- 4. 'Cắt cơn' sốt đất, giá nhà đất sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2022?
- 5. Bộ TN-MT đề nghị các địa phương chấn chỉnh đấu giá các khu đất 'vàng'
- Giải pháp nào để thu hút lao động quay trở lại làm việc tại vùng kinh tế trọng điểm
- Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất, mối nguy cơ đang lớn dần
- Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ồ ạt
- Đặt mua sắt giá rẻ trên Zalo, chủ xưởng cơ khí bị lừa trên 300 triệu đồng
- Từ ngày 26/4, khôi phục thông quan hàng hóa trở lại tại cửa khẩu cầu Bắc Luân 2