Tin liên quan
Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý về kinh tế hơn 8.366 tỷ đồng tại VRG
Sau quá trình tiến hành thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị thành viên, Thanh tra Chính Phủ đã “bóc” ra nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại đây.
Trước đó, ngày 11/12/2012, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã ký Quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và một số đơn vị thành viên. Trong đó, đoàn sẽ tập trung thanh tra một số nội dung: Quản lý sử dụng vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, mua sắm tài sản; quản lý sử dụng đất đai; công tác cổ phần hóa. Thời kỳ thanh tra là từ khi thành lập Tập đoàn (2006) đến hết năm 2011.
Theo kết luận thanh tra mới được công bố, tính đến 31/1/2011, VRG đã đầu tư ra ngoài nghề kinh doanh chính hơn 2.420 tỷ đồng, chiếm 13,03% vốn điều lệ và chiếm 13,25% tổng vốn đầu tư tài chính, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do nhà nước đầu tư. Thanh tra Chính phủ nhận định việc thiếu tính toán, đầu tư dàn trải là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nhiều khoản đầu tư trong nhiều năm không có lợi nhuận, một số khoản tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn.
Cụ thể, VRG đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các Cty hoạt động trong các lĩnh vực thủy điện, xi măng, kinh doanh khách sạn, thép, chứng khoán… song hầu như trong nhiều năm liên tục không có lợi nhuận được chia. Đơn cử, VRG đầu tư hơn 390 tỷ đồng vào Cty cổ phần đầu tư thủy điện VRG Phú Yên, Cty cổ phần xi măng FICO Tây Ninh, Tổng Cty xây dựng miền Trung nhưng trong 5 năm liên tục (từ 2006 - 2011) không có lợi nhuận được chia. Bên cạnh đó, VRG còn mạnh tay bỏ ra hơn 224 tỷ đồng đầu tư vào Cty cổ phần Thương mại và du lịch Cao su (chủ yếu kinh doanh khách sạn Móng Cái) song chỉ năm 2008 được chia 224 triệu đồng, còn những năm sau đó đều lỗ.
Bên cạnh đó, quá trình thanh tra còn phát hiện, một số lãnh đạo VRG tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động Cty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC). Trong đó, nguyên Chủ tịch HĐQT VRG kiêm luôn chức Chủ tịch HĐQT DSEC; còn Tổng giám đốc Cty cổ phần công nghiệp và xuất nhập khẩu Cao su (gọi tắt Cty XNK Cao su) kiêm Tổng giám đốc DSEC… vi phạm Luật Doanh nghiệp 2005.
Ngoài ra, một số Công ty “con” của VRG cũng tham gia góp vốn vào DSEC khi chưa được Tập đoàn đồng ý, cá biệt có đơn vị dùng cả quỹ phúc lợi để đầu tư, góp vốn vào Cty “sân sau” của các vị quan chức ngành cao su.
Cơ quan thanh tra đánh giá, việc đầu tư góp vốn và hoạt động kinh doanh của Cty DSEC có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và doanh nghiệp, lỗ liên tục, đến nay mất hết vốn điều lệ khoảng 144 tỷ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán hơn 253 tỷ đồng. Mặt khác, ngoài việc sử dụng nhiều khoản vay sai mục đích, DSEC còn chiếm dụng vốn của Công ty XNK Cao su bằng việc ký hợp đồng nhưng không thực hiện. Hiện DSEC còn nợ Công ty XNK Cao su gần 199 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi nhưng không có khả năng thanh toán.
Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra những vấn đề tồn tại, vi phạm hoạt động của Cty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam; trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý đất đai của VRG và các đơn vị;… hay trong việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án trồng mới cao su tại Campuchia, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà nước và doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, việc đầu tư góp vốn thành lập Cty cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie (PRK) để đầu tư trồng cao su tại Campuchia đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong nhiều khâu, dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, chết nhiều, khả năng thiệt hại có thể lên tới hơn 483 tỷ đồng. Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư còn thực hiện vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng sai mục đích gần 1,9 triệu USD chưa thu hồi được.
Cùng với việc đề nghị kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm tại VRG cùng các đơn vị thành viên và yêu cầu xử lý về kinh tế hơn 8.366 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ còn đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra những sai phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế được phát hiện khi thanh tra.
Được biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được thành lập theo Quyết định 248/2006/QĐ-TTg ngày 30/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Quyết định số 249/2006/QĐ-TTg ngày 30/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
N.G (th)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy