Dòng sự kiện:
Hơn 88% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương
24/10/2022 10:21:17
Trong quý cuối năm, đa phần ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận cải thiện trong năm nay.

Khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch VietinBank Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm trước.

Trước đó, liên tiếp những con số tăng trưởng ấn tượng được các ngân hàng công bố sau 9 tháng năm 2022.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch cả năm với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.

Với lợi nhuận này, ACB hiện đứng thứ 3 trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, chỉ sau Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với lợi nhuận trước thuế đạt 20.800 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với hơn 19.800 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của ACB, tổng thu nhập hoạt động lũy kế 9 tháng đạt hơn 20.800 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ; trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 17.079 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; lãi từ dịch vụ đạt 2.599 tỷ đồng, tăng 21% với sự đóng góp lớn từ mảng Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng).

Tính đến hết quý III/2022, tổng tài sản ACB tăng 6% so với đầu năm, lên mức 561.113 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,2% lên 392.024 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,1% lên 402.250 tỷ đồng.

ACB tập trung danh mục tín dụng chủ yếu vào mảng bán lẻ với tỷ lệ lên tới 94%. Tuy nhiên, tổng nợ xấu của ACB tại thời điểm kết thúc quý III đã tăng khoảng 45% so với đầu năm, ở mức 4.056 tỷ đồng, chiếm 1% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng; trong đó, nợ nhóm 3 và 4 (tức nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ) sau 9 tháng giảm lần lượt 43% và 36% nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng hơn 2,3 lần so với số liệu ngày 31/12/2021.

Tính đến hết quý III/2022, tỷ lệ an toàn vốn của ACB đạt 12%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên mức 27%, tiếp tục nằm trong top dẫn đầu thị trường.

Về đầu tư, ACB cho biết hoạt động của ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi một số quy định gần đây liên quan đến bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp bởi danh mục đầu tư không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Còn theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng này đạt gần 3.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước số liệu công bố chỉ đạt 966 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản ngân hàng tăng 10,8%; huy động từ khách hàng tăng 5,7%; dư nợ tín dụng tăng 10,3% (cận kề hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp là 11,2%), trong đó không phát sinh cấp tín dụng là các trái phiếu doanh nghiệp.

Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,94% hồi cuối năm 2021 xuống còn 1,86% (giảm so với mức 1,94% cuối năm 2021). Các tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, Eximbank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm 2022.

Còn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng cũng tăng mạnh 36% so với cùng kỳ năm trước, đạt 536 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Vietbank đạt 109.207 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Tổng huy động vốn đạt 70.137 tỷ đồng, tăng 5,1%; tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 57.415 tỷ đồng, tăng 13,6% so với đầu năm.

Hồi tháng 7/2022, Vietbank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.003 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Nếu hoàn tất thành công, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng lên mức 5.780 tỷ đồng.

Trước đó, hơn 10 ngân hàng đã báo lãi 9 tháng với mức tăng trưởng hai con số.

Ấn tượng nhất phải kể tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với mức tăng trưởng tới 79% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 9.035 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng. Hay như tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), tăng trưởng cũng đạt tới 58,7% so với cùng kỳ, ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 4.016 tỷ đồng...

Tác giả: Lê Phương

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến