Dòng sự kiện:
Hơn một tỷ cổ phiếu của 'ông lớn' xăng dầu vào diện cảnh báo
23/03/2023 15:00:17
Hơn một tỷ cổ phiếu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) vừa bị đưa vào diện cảnh báo do chưa giải trình rõ các khoản tiền hàng trăm tỷ đồng trong báo cáo tài chính năm 2022.

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo, cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOIL bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 23/3. Theo HNX, báo cáo tài chính năm 2022 của OIL bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Theo quy định, thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị cảnh báo, OIL phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Hiện vốn điều lệ của OIL đạt 10.342 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là công ty mẹ nắm 80,52%. Như vậy, với quyết định này, hơn 1,03 tỷ cổ phiếu OIL đang niêm yết sẽ bị HNX đưa vào diện cảnh báo.

Hơn một tỷ cổ phiếu OIL nằm trong diện cảnh báo. (Ảnh: OIL)

Theo ý kiến của kiểm toán, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, OIL đã đầu tư hơn 272 tỷ đồng vào công ty liên kết là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí và được ghi nhận tại 31/12/2021.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí đã được đề nghị xem xét phương án giải thể từ ngày 2/10/2018.

Do đó, kiểm toán cho rằng, đến thời điểm hiện tại, OIL chưa nêu đầy đủ các thông tin về những thay đổi trong phần vốn góp vào tài sản thuần của Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí.

Cũng trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, phía kiểm toán chỉ ra những vấn đề chưa rõ đối với các khoản phải thu khác của OIL từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với số tiền lên đến hơn 169 tỷ đồng, được ghi nhận tại ngày 31/12/2021.

Số dư phải thu khác này liên quan đến khoản thu hồi lỗ lũy kế từ Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC - công ty con của OIL) kể từ ngày 30/6/2010 đến 18/5/2011. Tuy nhiên, ngày 18/5/2011, PETEC đã chính thức chuyển sang loại hình công ty cổ phần.

Theo ý kiến kiểm toán, khoản phải thu này phát sinh từ việc xác định phần vốn Nhà nước tại PETEC tại thời điểm ngày 18/5/2011, nhưng đến nay vẫn chưa được PVN và các cơ quan chức năng phê duyệt quyết toán.

Ngoài ra, kiểm toán cho rằng PVOIL đã góp vốn vào PETEC lớn hơn giá trị PETEC đang theo dõi và hạch toán với số tiền trên 111 tỷ đồng. Ban Tổng giám đốc OIL lý giải khoản chênh lệch này sẽ được xử lý khi PETEC thực hiện xong công tác quyết toán cổ phần hóa.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, OIL ghi nhận doanh thu thuần tăng 80% so với năm 2021, đạt 104.214 tỷ đồng, song lãi ròng đạt 723 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2021.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 21/3, thị giá cổ phiếu OIL đạt 8.700 đồng/cp.

Tác giả: Ngọc Cương

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến