Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Chuyện 'thâm cung bí sử' của dự án BT kỳ lạ
04/03/2019 17:00:24
Câu chuyện Dự án BT Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Thịnh - Đông, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá) (giai đoạn 1) theo hình thức PPP (hợp đồng BT) gây xôn xao dư luận khi 'biến hóa như thần'.
Hoằng Hóa là một huyện đồng bằng ven biển án ngữ phía đông bắc Thành phố Thanh Hóa. Đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt có truyền thống khoa bảng suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử. Hoằng Hóa cũng là đất Trạng, là quê hương của Trạng Quỳnh cũng như Xiển Bột lừng lẫy trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Thế nhưng, ngay cả Trạng Quỳnh có sống lại cũng phải “bái phục” tài “biến hóa như thần’’ của thế hệ hậu bối. Câu chuyện Dự án BT Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Thịnh - Đông, huyện Hoằng Hóa (giai đoạn 1) theo hình thức PPP (hợp đồng BT) vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Hoằng Hóa (gọi tắt là Ban QLDA) công bố ngày 21/12/2018 là một ví dụ điển hình.

Kì 1: Thanh Hóa, nở rộ các dự án BT

Trong khi các dự án đầu tư theo hình thức  đối tác công tư (PPP) đặc biệt là các hợp đồng BT, BOT đang bị nhiều chuyên gia và dư luận phản đối thì Thanh hóa lại nở rộ các hợp đồng BT. Không thể phủ nhận những mặt tích cực của các dự án BT khi mà nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn thì đầu tư PPP là một kênh huy động vốn hiệu quả. Thế nhưng, các quy định hiện hành, nhất là việc chủ đầu tư tự xây dựng đơn giá thi công hay việc định giá đất đối ứng còn tạo ra nhiều khe hở khiến dư luận bất bình. Chính vì thế đã có nhiều chủ trương của các bộ nghành và các chuyên gia hạn chế các dự án BT, BOT; chỉ thực hiện với các trường hợp cấp thiết hoặc ở khu vực khó khăn. Nhiều hội thảo lớn về BT đã được triển khai và những ý kiến đề xuất của các chuyên gia đã được các cơ quan chức năng lắng nghe tích cực. Có thể kể ra việc UBND thành phố Hà Nội thanh tra toàn diện các dự án BT trên địa bàn và tạm dừng bàn giao quỹ đất đối ứng cho các chủ đầu tư BT trong thời gian qua là một ví dụ tiêu biểu.

Tuy nhiên, đi ngược lại xu thế chung, chỉ trong một thời gian ngắn trên địa bàn Thanh Hóa hàng loạt các dự án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT đã liên tục được các cơ quan chức năng công bố. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thanh Hóa, tháng 12/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và phê duyệt Đề án Huy động thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020, gồm 81 dự án với tổng vốn đầu tư 41.500 tỷ đồng, trong đó có 60 dự án BT với tổng vốn đầu tư 25.635 tỷ đồng. Riêng năm 2018, trong kế hoạch thực hiện 13 dự án PPP, có 10 dự án đầu tư theo hình thức BT.

Về hình thức đấu thầu, đa phần các dự án có vốn đầu tư dưới 80 tỉ đồng thì việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo phương thức đấu thầu rộng rãi. Có thể kể đến dự án Đầu tư xây dựng trường Chu Văn An tại Sầm Sơn (44,69 tỉ), dự án cầu dân sinh qua sông nhà Lê tại TP Thanh Hóa (39,88 tỉ), dự án kiên cố hóa kênh Hưng Long tại Nga Sơn (76,12 tỉ), dự án Đường nối quốc lộ 47 đi tỉnh lộ 517 có giá trị 57,2 tỉ tại Đông Sơn. Còn lại đa số các dự án có giá trị từ 80 tỉ đồng trở lên đều theo hình thức chỉ định thầu. Có thể kể đến dự án xây dựng mới trường PTTH  Nguyễn Trãi có giá trị hơn 87 tỉ ; dự án Tôn tạo di tích Đền Lê (293 tỉ); dự án xây dựng Trung tâm hành chính mới TP Thanh Hóa có giá trị hơn 655 tỉ tại TP Thanh Hóa. Dự án đường nối Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn có trị giá lên tới 4335 tỉ. Đa số lí do khiến các dự án trên phải chỉ định thầu là do chỉ có 1 nhà đầu tư đăng kí hoặc duy nhất một nhà đầu tư đủ năng lực vượt qua vòng sơ tuyển.

Liên danh Công ty Tuấn Linh - Tuấn Hùng được chỉ định thầu dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Thịnh - Đông, huyện Hoằng Hóa (giai đoạn I).

Mới đây nhất, ngày 21/12/2018, UBND huyện Hoằng Hóa đã công bố quyết định số 8171 Về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Thịnh - Đông, huyện Hoằng Hóa, (giai đoạn I) theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Theo đó nội dung cơ bản của dự án là Nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông từ xã Hoằng Thịnh đi xã Hoằng Lưu, chiều dài khoảng 5,2 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005. Nhà đầu tư được chỉ định thầu là Liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tuấn Linh và Công ty cổ phần xây dựng giao thông thủy lợi Tuấn Hùng có địa chỉ tại thôn 1, xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 224.609 triệu đồng.

Đổi lại, nhà đầu tư được thanh toán quỹ đất thực hiện dự án khác gồm 19 khu đất với tổng diện tích khoảng 29,01ha, bao gồm 2 khu đất tại phố Trung Sơn, thị trấn Bút Sơn, diện tích 2,46 ha; 5 khu đất tại 2 xã Hoằng Thịnh và Hoằng Thái, diện tích 8,35 ha; 3 khu đất tại xã Hoằng Thành, diện tích 2,61 ha; 2 khu đất tại xã Hoằng Lưu diện tích 3,86 ha; 2 khu đất tại xã Hoằng Tiến rộng 2,6 ha; 5 khu đất còn lại tại các xã Hoằng Thắng, Hoằng Đồng, Hoằng Kim, Hoằng Trinh, Hoằng Lương. Quỹ đất đối ứng cho Dự án hiện đã có quy hoạch 1/500.

Ngay sau khi dự án được công bố dư luận đã đặt câu hỏi về rất nhiều vấn đề kì lạ trong dự án BT “độc nhất vô nhị” này.  Vì sao lại gọi đây là một dự án BT kì lạ, độc nhất vô nhị? Năng lực thật sự của các thành viên trong liên danh ra sao? Quá trình sơ mời thầu sơ bộ đã diễn ra như thế nào? Có hay không việc vi phạm các quy định của Luật đấu thầu và nghị định 63/2018 của thủ tướng chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP? Những “bí mật” trong phương án tài chính được phê duyệt của dự án ra sao? Tất cả những câu hỏi đó sẽ được chúng tôi lần lượt đề cập trong các bài viết tiếp theo của chuyên đề.

Đón đọc kì 2 “Cất mẻ vó lớn, “ôm trọn” 19 lô đất vàng” sẽ được An ninh tiền tệ đăng tải trong thời gian tới.

Xuân Thiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến