Dòng sự kiện:
HoREA đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo cơ chế thị trường
30/12/2017 08:42:43
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có đề xuất gửi Bộ Tư pháp, Bộ TN & MT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013, công tác thu hồi đất cũng như các quy định tài chính liên quan đến đất đai.

Về thu hồi đất, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhất trí với Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung các quy định cụ thể về thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, theo HoREA, để thực hiện được các cơ chế này, cần phải tăng cường “sức mạnh” cho tổ chức phát triển quỹ đất là Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, có thể giao chức năng của Quỹ phát triển đất cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) thực hiện. Từ đó, tạo được quỹ đất sạch của nhà nước để đưa ra đấu giá phục vụ đầu tư phát triển và tăng nguồn thu ngân sách.

HoREA kiến nghị việc đền bù, giải phóng mặt bằng được thực hiện minh bạch, công bằng, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người; nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận quỹ đất đầu tư, góp phần nâng cao chỉ số minh bạch, chỉ số cạnh tranh lành mạnh của môi trường đầu tư cả nước.

Quỹ đất sạch cho đầu tư phát triển của TP HCM vẫn còn thiếu

Cũng trong đề xuất “hỏa tốc” gửi đến Bộ Tư Pháp và Bộ Tài nguyên Môi trường, HoREA đồng thời kiến nghị sửa đổi một số bất cập về tài chính đất đai và giá đất trong Luật Đất đai 2013.

Theo đó, có những quy định gần như không thực hiện được trên thực tế như nguyên tắc giá đất hay phương pháp định giá đất. Ngay cả quy định của Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần và điều chỉnh khung giá này cho phù hợp nếu giá thị trường biến động quá 20% so với giá tối đa hoặc giá tối thiểu cũng không còn phù hợp với định hướng phân cấp và giao thẩm quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt chiếu theo quy định hiện nay thì nguồn thu từ đất thuộc về ngân sách địa phương.

Do đó, HoREA tái khẳng định niềm tin vào đề xuất từ năm 2013 của UBND TPHCM rằng về lâu dài cần nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định; có thể khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.

Như vậy, vừa minh bạch, dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Bên cạnh đó còn góp phần hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn và ngân sách cũng được nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, lâu dài.

Song song với đó, cần bãi bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần" tại điều 113 Luật Đất đai. Thay vào đó, sửa đổi điều 114 để giao thẩm quyền cho cấp tỉnh ban hành "Bảng giá đất và giá đất cụ thể" phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.

Tuy nhiên, HoREA cũng nhận định chính sách thu tiền sử dụng đất như hiện nay rất khó thay đổi ngay lập tức vì cần thời gian để tạo sự đồng thuận. Do đó khâu cần giải quyết cấp bách là cải cách quy trình, thủ tục hành chính để việc xác định tiền sử dụng đất của doanh nghiệp được thực hiện minh bạch, nhanh chóng, hợp lý và loại trừ được các yếu tố phát sinh tiêu cực.

Hoạt động thẩm định giá đất trên địa bàn TP HCM còn nhiều bất cập

Ngày 19/12 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá đất trên địa bàn.

Cùng với nhiều quy định sắp ban hành để cải tổ trình tự, thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án bất động sản, TPHCM còn dự kiến sẽ xem xét cơ chế cho phép chủ đầu tư được tạm nộp tiền sử dụng đất, được tạm nộp tiền sử dụng đất bổ sung để dự án được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Từ đó mới có thể bán sản phẩm ra thị trường.

HoREA cho rằng, nếu cơ chế này được thực hiện thì sẽ tháo gỡ khó khăn, ách tắc của nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM hiện nay.

Dù vậy, theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, cũng cần cho phép người sử dụng đất (doanh nghiệp) được tham gia và được quyền nêu ý kiến tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố khi thẩm định giá đất dự án của chính doanh nghiệp.

Ngoài ra, người sử dụng đất cũng cần được tham gia và nêu ý kiến tại cuộc họp của Sở Tài chính khi xem xét chi phí giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp. Bởi hiện nay vẫn còn bất cập là chủ đầu tư chưa được khấu trừ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án rồi bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý.

Cũng theo đơn cử từ người đại diện HoREA, hiện Sở Tài chính TPHCM vẫn tính tiền thu giữ xe máy là… doanh thu của chủ đầu tư dự án, dù thực tế đây là phần thu thuộc quyền quản lý và sử dụng của cư dân tại chung cư! Hoặc căn hộ tại dự án bị áp giá bán quá cao so với giá bán thực tế của doanh nghiệp cho người dân để ngân sách có được tiền sử dụng đất cao hơn.

Tương tự, HoREA tin rằng cần bãi bỏ cơ chế đấu thầu với tiêu chí chỉ chọn đơn vị có giá thấp nhất trúng thầu; thay vào đó là cơ chế đấu thầu với mục tiêu chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất có năng lực, có phương án xác định giá đất tối ưu. Bởi chính tiêu chí chọn “người bỏ giá thấp nhất” đã khiến các chủ đầu tư bất động sản phải “điêu đứng” sau này do nhà tư vấn nhũng nhiễu nhằm “bù đắp” chi phí.

Theo Ndh.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến