Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng chính phủ và Bộ Xây dựng hàng loạt kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội (NOXH) tại đô thị. Trong đó, HoREA nhấn mạnh việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách NOXH.
Ngày 07/01/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, trong đó 70% tương đương 21.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua NOXH, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng, được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2019; và 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án NOXH.
Việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi này cũng đã có tác động làm cho nhiều người thu nhập thấp đô thị chưa được tiếp tục vay tín dụng ưu đãi NOXH. Đa số các đối tượng thụ hưởng chính sách NOXH chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn. Việc tiếp cận vốn vay mua NOXH tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang bị vướng mắc do căn hộ NOXH thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội lại chưa được phép cho chủ đầu tư dự án NOXH vay.
Phân khúc nhà xã hội đang gặp khó
Theo HoREA, việc này đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án NOXH đang xây dựng dở dang không được tiếp tục vay để hoàn thành dự án, nhiều người vay mua NOXH nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được tiếp tục vay ưu đãi, mà phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua NOXH gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, HoREA kiến nghị Quốc hội bổ sung "Chương trình thực hiện chính sách NOXH" vào Điều 7 Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Các chương trình mục tiêu", bao gồm 21 danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách NOXH hàng năm tùy theo khả năng ngân sách, trước hết là năm 2019, để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỷ đồng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách cho cả 4 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, là những ngân hàng chủ lực đã tham gia thực hiện chính sách cho vay ưu đãi các đối tượng thụ hưởng NOXH theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, chứ không phải chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cũng trong văn bản trên, HoREA còn kiến nghị Thủ tướng ra quy định về lãi suất cho vay ưu đãi NOXH như lãi suất với gói 30.000 tỷ đồng trước đây (5%/năm) để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
HoREA cũng tin rằng, trong bối cảnh đất đai khan hiếm hiện nay, TPHCM vẫn có thể xoay xở tìm thêm quỹ đất cho xây dựng NOXH bằng cách duyệt quy hoạch phát triển NOXH, nhà ở thương mại vừa và nhỏ giá rẻ, với khoảng 25% là loại căn hộ diện tích từ 25m2 đến 45m2 ở những khu vực có tính liên quận, nhất là tại các huyện có quỹ đất nông trường.
Ngoài ra, TPHCM cũng có thể sử dụng hiệu quả quỹ đất công; quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại để làm NOXH như yêu cầu của Luật Nhà ở.
Cụ thể, HoREA cho là quy định “dự án có quy mô từ 10 ha trở lên phải xây NOXH ngay bên trong dự án” có thể chưa phù hợp. Vì vậy nên cho phép tất cả các nhà đầu tư được lựa chọn 1 trong 3 phương án gồm: Xây dựng NOXH tại dự án; Hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ NOXH có giá trị tương đương tại vị trí khác; hoặc cho DN bất động sản thanh toán bằng tiền. Nguồn thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển NOXH theo quy hoạch của địa phương.
Đồng thời, giải pháp NOXH đáp ứng nhu cầu rất lớn của lực lượng công nhân, lao động trên địa bàn cũng có thể được gỡ rối nếu TPHCM tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện các thiết chế nhà ở công đoàn.
Theo thống kê của HoREA, sau 3 năm thực hiện chính sách ưu đãi cho người mua NOXH đến hết năm 2016, đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở, trong đó có khoảng 1/3 là NOXH.
Riêng tại TP.HCM, đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032 tỷ đồng, trong đó, có 10.308 cá nhân (chiếm tỷ lệ 18,3% đối tượng được vay ưu đãi), đã vay 5.575 tỷ đồng và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay 1.456 tỷ đồng, tổng cộng đã giải ngân trên địa bàn thành phố được 8.488 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,5% gói tín dụng ưu đãi).
Đăng Khôi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy