Dòng sự kiện:
HoREA kiến nghị vấn đề tín dụng vào giao dịch bất động sản
10/06/2019 16:00:14
Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan việc 'siết chặt' tín dụng nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng tới các bộ luật trong lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, HoREA kiến nghị không lập hợp đồng mua bán hoặc sử dụng hình thức lập biên bản, thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ, "góp vốn đầu tư", "hợp tác đầu tư", "hợp tác kinh doanh" để thực hiện giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai. HoREA cho rằng việc này huy động vốn trái phép, trái với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

HoREA cũng đề nghị bổ sung chế định về đặt cọc vào điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản với số tiền không quá 50 triệu đồng trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai. Cũng theo HoREA, kiến nghị này nhằm ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp, đầu nậu lợi dụng bộ Luật Dân sự để huy động vốn trái phép..

Giao dịch BĐS sẽ được quan tâm về vấn đề tín dụng?

Về vấn đề này các chuyên gia bất động sản cho rằng, phương thức giao dịch bất động sản thông qua việc "đặt cọc giữ chỗ" tại các dự án nhà, đất thời gian quan diễn biến tạp, xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện mà người chịu thiệt chính là người mua nhà.

Để tránh rủi ro cho khách hàng, các chuyên gia cho rằng cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cần phải thông tin minh bạch, công khai quy hoạch các dự án. Bên cạnh đó,người mua cần liên hệ với cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ về dự án, về chủ đầu tư, quy hoạch trước khi quyết định mua.

Ngân hàng Nhà nước hiện đang lấy ý kiến về dự thảo thay thế Thông tư 36, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, sẽ hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30%, tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên.

Trước tình hình trên, HoREA đề xuất tiếp tục giữ trần 40% từ nay đến hết năm 2020 với các lý do: Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản, nhưng mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nên thị trường chứng khoán chưa thực sự là kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản.

Thứ hai, số lượng các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) còn quá ít. Bên cạnh một vài quỹ đầu tư bất động sản nước ngoài, mới chỉ có một quỹ đầu tư tín thác bất động sản trong nước là Qũy TechReit của Ngân hàng Techcombank với vốn điều lệ chỉ có 50 tỷ đồng nên cũng chưa thực sự là kênh cung cấp vốn cho thị trường bất động sản.

Thứ ba, nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản hiện chiếm khoảng 21% tổng nguồn vốn FDI, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ tư, năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước. Do vậy, cần giữ được sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế, của thị trường bất động sản.

HoREA kiến nghị lựa chọn phương án siết tín dụng theo lộ trình. Cụ thể trước năm 2020 duy trì tỷ lệ 40%; Từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021 tỷ lệ 37%; Từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 tỷ lệ 34%; Từ ngày 1/7/2022 tỷ lệ 30%.

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến