Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa công bố thêm 4 cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).
Cụ thể, HoSE cho biết 4 cổ phiếu DAH, HT1, HVX và SMA vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, qua đó nâng danh sách lên 83 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HoSE.
Trong đó, cổ phiếu DAH của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do BCTC soát xét bán niên năm 2023 có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.
Tương tự, cổ phiếu HT1 của CTCP Xi măng VICEM Hà Tiên cũng không được cấp margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm. Trong 6 tháng năm 2023, HT1 ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 27 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 167 tỷ đồng.
Còn lại, cổ phiếu HVX và SMA thuộc CTCP Xi măng VICEM Hải Vân và CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn không được giao dịch ký quỹ với cùng nguyên nhân là bởi lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét bán niên năm 2023 là số âm.
Danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ (Nguồn: HoSE).
Cùng ngày, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cũng có thông báo nhắc nhở 4 công ty chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.
Theo đó, SPM của CTCP SPM, SVD của Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng, TTB của Tập đoàn Tiến Bộ và VDP của Dược phẩm Trung ương Vidipha lần lượt bị HoSE nhắc nhở và đề nghị các công ty này khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định.
Cổ phiếu SPM mới đây đã công bố nội dung ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, cụ thể, công ty đã hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp nộp của các năm trước với số tiền là 1.893.796.974 đồng vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành theo kỳ này.
Theo SPM, khoản thuế này phải được hạch toán hồi tố vào số liệu so sánh theo hướng dẫn của Chuẩn mực và chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam hiện hành.
Còn đối với cổ phiếu SVD, theo báo cáo tài chính, kết thúc quý II/2023, SVD báo lỗ hơn 10 tỷ, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 1,1 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do doanh thu giảm, giá vốn tăng, doanh thu thu thuần chỉ tăng nhẹ và doanh thu tài chính giảm là do nền kinh tế các nước gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ của ngành bông sợi, dệt kim, dệt may giảm. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của công ty (chiếm tới 80%) gần như đóng băng...
Mặt khác, cổ phiếu TTB hiện đang vào diện bị cảnh báo từ ngày 11/7/2023, do công ty chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022.
Đối với Dược phẩm Trung ương Vidipha, công ty vừa có giải trình lợi nhuận sau thuế bán niên đã soát xét đạt 47,43 tỷ đồng, tăng 24,55% so với cùng kỳ là do doanh thu thuần tăng 6,04% và mục lợi nhuận khác tăng 224,10%.
Tác giả: Phạm Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy