HSBC: Các Ngân hàng Trung ương đang “hết đạn”?
14/05/2015 17:54:33
“Nếu một vụ khủng hoảng khác ập đến, các nhà hoạch định chính sách sẽ ‘chìm xuồng’ như Titanic".
 
 

Tin liên quan

“Nền kinh tế thế giới như một chiếc máy bay vượt đại dương mà không có phao cứu sinh”, nhà kinh tế trưởng HSBC - ông Stephen King mở đầu báo cáo mới nhất.

Ông ngụ ý lãi suất đang ở mức tiệm cận đáy mọi thời đại tại nhiều nền kinh tế trên khắp thế giới. Các Ngân hàng Trung ương có thể trở tay không kịp khi tình hình xấu đi.

“Nếu một vụ khủng hoảng khác ập đến, các nhà hoạch định chính sách sẽ ‘chìm xuồng’ như Titanic. Cần nhớ rằng đợt khủng hoảng cuối đã xảy ra cách đây 6 năm, báo hiệu một đợt suy thoái mới có thể đã lấp ló trước mắt. Vậy mà các Ngân hàng Trung ương đang hoàn toàn hết ‘đạn dược’ – những biện pháp chính sách truyền thống”, ông nhận định.

Kích thích định lượng không còn là "liều thuốc tiên" của các ngân hàng trung ương.

Nâng lãi suất không còn là lựa chọn

Thật vậy, trước đây các nhà lập pháp về tài chính và tiền tệ có thể nâng lãi suất để “nạp đạn”, King chỉ ra. Gần đây, biện pháp này cho thấy sự phản tác dụng.

Lật lại lịch sử, trong mọi cuộc khủng hoảng kể từ thập niên 70, Mỹ hạ lãi suất ít nhất 5%. Biện pháp kích thích truyền thống này không còn nằm trong danh mục lựa chọn. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách và nợ công đang mấp mé mức báo động.

Lãi suất của Fed tiệm cận mức 0% trong gần 6 năm qua.

Không chỉ Mỹ, nhiều ngân hàng khác cũng xài chiêu này. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trung thành với kích thích định lượng cho đến tháng 9/2016.

Ngân hàng Trung ương châu Âu "chớm" tăng lãi suất vào cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính nổ ra khiến định chế phải nới lỏng.

Tương tự như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ngân hàng Trung ương Anh chưa nới lỏng, nhưng cũng không tăng lãi suất.

Tuy nhiên, vị thế tài chính của những quốc gia này vẫn còn yếu, ít nhất so với mức tiền khủng hoảng.

5 lối thoát

King đưa ra 5 lối thoát mà các Ngân hàng Trung ương có thể chọn lựa.

Đầu tiên là giảm thiểu rủi ro về một cuộc khủng hoảng mới. Nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Các biện pháp phòng vệ như: Tăng tỷ lệ an toàn vốn chủ sở hữu, stress test, tăng thanh khoản… không có tác dụng tránh mọi loại khủng hoảng.

“Không phải là giới hoạch định chính sách không nỗ lực, mà là họ không biết cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ ra sao. Họ chỉ có thể cố gắng đảm bảo nền kinh tế đủ sức đề kháng khi bão ập tới”.

Thứ hai, King cho rằng nới lỏng định lượng là một phương án khả dĩ. Nhưng trường hợp của Nhật Bản lại đang chứng minh điều ngược lại. Khởi động từ năm 2001, Nhật Bản là nước đi tiên phong thử nghiệm QE, hạ lãi suất về 0.

Trong năm đầu tiên, yen yếu đi so với USD, tỷ giá USD/JPY tăng 18,5%. Chỉ số chứng khoán Nikkei mất 28% giá trị.

Từ năm 2002 đến cuối năm 2004, tỷ giá USD/JPY giảm 22% khi kinh tế Nhật bắt đầu ổn định, Nikkei hồi phục 20%, nhưng không lâu sau đó lại giảm thêm 20%.

Lựa chọn thứ ba là ngừng kích thích lạm phát. Vị chuyên gia cho rằng nếu Ngân hàng Trung ương chỉ chăm chăm lo lắng vì lạm phát mà không quan tâm tới các vấn đề khác, ví dụ như bong bóng giá tài sản, có thể nền kinh tế sẽ phải chịu các rủi ro. Chúng cuối cùng dẫn đến sự mất cân đối – nền tảng cho khủng hoảng tài chính.

Lựa chọn thứ tư là thay chính sách tiền tệ bằng chính sách tài khóa. Hai loại chính sách này khó có thể song hành khi nền kinh tế cùng lúc gặp nhiều vấn đề: Nợ công cao, lãi suất đã cận 0 còn thâm hụt ngân sách ở mức lớn.

Ví dụ, để đối phó với các khoản nợ lớn, các ngân hàng có thể đẩy giá tài sản để cải thiện bảng cân đối. Kích thích định lượng là công cụ phục vụ điều này. Tuy nhiên như đã nói, hiện hiệu ứng của QE chưa hoàn toàn chuyển hóa vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy lạm phát.

Cách thứ năm là hỗ trợ “tiền nóng” (“helicopter money”) - bơm thẳng tiền vào tài khoản người dân để kích thích tăng trưởng. King gọi đây là cha đẻ của siêu lạm phát, điển hình là trường hợp của Zimbabwe.

Siêu lạm phát tại Zimbabwe sau khi nền kinh tế tiếp nhận "helicopter money".

“Dòng tiền nóng chỉ phát huy tác dụng khi các nhà hoạch định chính sách và tiền tệ cùng ngồi vào bàn. Nguồn cung tiền được nới rộng, nhưng cùng lúc họ phải đảm bảo người dân sẽ mang tiền ra tiêu, chứ không phải cất trong hòm”.

Ngoài ra, lựa chọn này có thể lấy đi niềm tin của giới đầu tư vào hệ thống tài chính quốc gia. Đồng tiền sụp đổ có thể dẫn đến siêu lạm phát.

Cuối cùng, King xem xét khả năng đẩy cao lãi suất thông qua cải cách cấu trúc, biện pháp ông cho là lý tưởng nhất.

Ví dụ, đang tồn tại một vòng luẩn quẩn. Các nước có dân số già thường tăng trưởng chậm. Nhưng để chính phủ thanh toán đủ lương hưu, kinh tế cần tăng trưởng nhanh.

Giải pháp là nâng tuổi về hưu. Khi người lao động làm việc lâu hơn, họ sẽ có thu nhập lâu hơn. Nhu cầu tiết kiệm để dưỡng già giảm xuống, tiền dư thừa để cho vay ít đi. Từ đó lãi suất sẽ tăng lên một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cảnh báo đây không phải là một chính sách dễ thực hiện, vì nó sẽ không được đa số người dân ủng hộ. Để làm được điều này, cần đến một “vị chính khách anh hùng”.

Chốt lại, với một số ít những lối đi trong tay, mà nhiều trong số đó không khả dụng, Stephen King kết luận các Ngân hàng Trung ương đang “hết đạn”. Họ đánh cược vào số phận như một chiếc máy bay vượt đại dương mà chẳng trang bị phao cứu sinh.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến