Mới đây, HSBC đã công bố báo cáo “Triển vọng ASEAN – Củng cố tài khoá: Một chặng đường dài”, nghiên cứu về các chiến lược tài khóa khác nhau của mỗi quốc gia trong bối cảnh chính phủ các nước ASEAN tiến hành hoàn thiện kế hoạch ngân sách năm 2023.
Theo đó, HSBC cho biết, sau hai năm tung ra những gói hỗ trợ tài khóa không hề nhỏ nhằm hỗ trợ nền kinh tế vực dậy sau đại dịch, nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN được dự báo sẽ thâm hụt ngân sách ở mức cao trong năm 2023. Malaysia và Indonesia là hai trường hợp đáng lưu ý với mức trợ cấp cao kỷ lục, một phần được hưởng lợi từ bội thu ngân sách bất ngờ từ giá hàng hóa tăng mạnh.
Bước vào năm 2023, theo nhóm phân tích, khu vực ASEAN có thể trở lại giai đoạn củng cố tài khóa nhưng tốc độ triển khai mỗi nước một khác. Singapore, Indonesia và Việt Nam nhiều khả năng sẽ dẫn đầu khi chính phủ các nước này có kế hoạch/dự định đưa mức thâm hụt về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, Malaysia, Thái Lan và Philippines nhiều khả năng sẽ duy trì thâm hụt tài khóa lớn, cần nhiều thời gian hơn để củng cố.
Đối với Việt Nam, bội thu ngân sách từ việc xuất khẩu dầu thô cũng phần nào giúp Việt Nam có nhiều dư địa trong nới rộng chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Tổng cục thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách từ dầu thô ước đạt 60.100 tỷ đồng, gấp 2,1 lần dự toán năm và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc tháng 9, ngân sách đang bội thu 241.000 tỷ đồng.
Củng cố tài khoá, một chặng đường dài với hầu hết các nền kinh tế ASEAN (Nguồn: CEIC, MoF mỗi quốc gia, HSBC tổng hợp).
HSBC không cho rằng những bất ổn vĩ mô hiện tại sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng thu ngân sách của các nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, sau các gói hỗ trợ phục hồi cao kỷ lục trong hai năm qua, các nhà làm chính sách ASEAN tỏ ra khá dè dặt trong việc quyết định ngưng hỗ trợ chính sách quá nhanh để tránh ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi mới chớm diễn ra. Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, nhiều nước đã công bố thêm chính sách hỗ trợ trong năm 2023 nhằm giúp giảm nhẹ tác động của tình trạng giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.
Trong bối cảnh đó, là một quốc gia liên tục đầu tư mạnh cho phát triển hạ tầng, tương đương 6% GDP mỗi năm, Việt Nam nhiều khả năng lại dẫn đầu khu vực về mảng này. Nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thích ứng với tốc độ đô thị hóa đang gia tăng, nền kinh tế này ngày càng cần nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng “truyền thống”.
Mặc dù vậy, nhiều dự án đã rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài và đội vốn. HSBC lấy ví dụ, công tác xây dựng của phần lớn trong số 11 dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc Nam, theo kế hoạch phải hoàn thành trong giai đoạn 2017-2020, đã bị chậm tiến độ. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng cam kết đóng vai trò tích cực hơn trong việc giám sát tiến độ và tháo gỡ các khó khăn.
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ tăng đối với hầu hết các nước trong khu vực (Mức chi tiêu cơ sở hạ tầng công cộng chiếm % trên GDP) (Nguồn: CEIC, HSBC)
Củng cố tài khóa không chỉ đơn giản là giảm chi ngân sách. Vấn đề còn nằm ở hiệu suất thu ngân sách của chính phủ cao thấp ra sao – thông qua các khoản thu từ thuế và các khoản thu khác. Củng cố tài khóa vẫn có thể diễn ra ngay cả khi chính phủ quyết định chi ngân sách nhiều hơn.
Nếu một chính phủ có thể thu ngân sách cao hơn mức chi tiêu bị đội so với kế hoạch, thâm hụt tài khóa sẽ thu hẹp và trong trường hợp đó, về cơ bản, chính phủ đó vẫn đang củng cố các nguồn tài khóa. Hiệu suất thu ngân sách phụ thuộc vào mức độ ổn định và linh hoạt của chính sách thuế hiệu hữu cũng như các kế hoạch cải tổ chính sách thuế tại mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, HSBC lưu ý rằng, không giống như chi ngân sách khi chính phủ có thể chủ động kiểm soát các khoản chi thông qua quy trình phê duyệt ngân sách, thu ngân sách phụ thuộc vào những thay đổi của các chỉ số kinh tế vĩ mô. Ví dụ, lạm phát đang gia tăng, tiền của các nước thuộc ASEAN đã mất giá mạnh so với USD trong khi tốc độ tăng trưởng của khu vực được dự báo sẽ chậm lại do nhu cầu của thế giới sụt giảm.
Tổng quan dữ liệu ngân sách ASEAN (Nguồn: CEIC, HSBC).
Cơ sở thuế ở ASEAN mỗi nước một khác, chiếm từ 8% đến 15% GDP. Trong khi đó, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đang gặp một số thách thức về mở rộng nguồn thu thuế. Tỷ trọng thu thuế trên GDP của Thái Lan và Việt Nam gần đây đã giảm một phần là do những biện pháp tạm thời nhằm giúp đỡ người dân ứng phó với tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.
Ví dụ, Thái Lan đã cắt giảm thuế thường niên đối với dịch vụ taxi và xe tuk-tuk, còn thuế tiêu thụ đặc biệt trên một lít dầu diesel, loại nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất ở đây, đã giảm 5 THB.
Trong khi đó, Việt Nam giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% và đồng thời cắt giảm thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại nhiên liệu, tuy nhiên, những điều chỉnh này chỉ bắt đầu áp dụng từ năm 2022. HSBC lưu ý, tỷ trọng thu ngân sách từ thuế trên GDP của Việt Nam giảm phần nào cũng do việc đánh giá lại quy mô GDP từ năm 2021.
Tác giả: Phạm Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy