Dòng sự kiện:
Huế: Doanh nghiệp xây dựng nhà máy để làm 'bình phong' khai thác cát
20/04/2018 19:51:44
Dự án chậm tiến độ năm này qua năm khác nhưng vẫn xin cấp phép xây dựng nhà máy để tiếp tục khai thác cát khiến người dân vô cùng bức xúc.

Theo đó, kể từ năm 2012, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (gọi tắt là Công ty Việt Phương - PV) đã xin cấp phép khai thác mỏ cát trắng trên địa bàn xã Phong Hiền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế). Hàng trăm hecta đất cát trắng ở xã Phong Hiền đã bị thu hồi giao cho doanh nghiệp này khai thác.

Mặc dù giấy phép được Bộ TN&MT đã quy định rõ, chỉ được phép tiến hành khai thác công nghiệp cát khi dự án nhà máy chế biến cát trắng đi vào hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn lét lút chở cát đi bán.

Hàng trăm hecta đất cát trắng ở xã Phong Hiền đã bị thu hồi giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Sau 6 năm, việc triển khai dự án Nhà máy chế biến cát trắng và Dự án xây dựng công trình khai thác cát trắng của Công ty Việt Phương vẫn chậm tiến độ. Điều này khiến dự án này nằm trong “tầm ngắm” thu hồi dự án chậm tiến độ của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Sau đó, Công ty Việt Phương với Công ty Quarzwerke (CHLB Đức) đã tiếp tục xin cấp phép và được UBND tỉnh đồng ý cho đầu tư xây nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao tại thôn Vĩnh Nảy, xã Phong Hiền gần mỏ cát thay vì xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp tập trung (KCN) tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền.

Theo đó, nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao được xây dựng tại thôn Vĩnh Nảy sẽ thu hồi thêm 7,43ha, trong đó có 3,39ha diện tích đất nông nghiệp của người dân, trong khi nhiều hộ dân vẫn còn thiếu đất phục vụ sản xuất.

Sau 6 năm trời, việc triển khai dự án Nhà máy chế biến cát trắng và Dự án xây dựng công trình khai thác cát trắng của Công ty Việt Phương vẫn chậm tiến độ.

Nhiều người dân cho rằng, việc doanh nghiệp không xây dựng nhà máy trong KCN huyện Phong Điền mà xin xây dựng tại mỏ cát thôn Vĩnh Nảy là “bình phong” để tiếp tục khai thác cát.

Bà Dương Thị Sang (60 tuổi), trú tại thôn Vĩnh Nảy, xã Phong Hiền cho biết: “Tôi cũng mới nghe tin xây nhà máy chế biến bột cát, thạch anh sẽ thu hồi đất canh tác của người dân. Mới đây, công ty có cho người cắm cột mốc mới biết diện tích thu hồi của gia đình gần 1 sào đất trồng".

Cũng theo bà Sang, mỗi ngày có hàng chục xe chở cát di chuyển trên tuyến đường dân sinh qua thôn gây xuống cấp, hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và khó khăn cho việc đi lại của bà con.

Tuyến đường xuống cấp, hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và khó khăn cho việc đi lại của bà con kể từ khi mỏ cát được cấp phép.

Trao đổi với PV, ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: “Dự án Nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao tại thôn Vĩnh Nảy sẽ thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân. Việc khai thác ở độ sâu 3 – 4m sẽ làm mặt nước ngầm thiếu hụt về mùa khô, ảnh hưởng cung cấp nước cho hơn 150ha lúa, hoa màu. Thêm nữa việc xây dựng nhà máy trên tuyến đường dân sinh, sẽ gây bất lợi cho việc sản xuất, đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân”.

“Xã đã có văn bản gửi UBND huyện kiến nghị phía Công ty Việt Phương và Công ty Quarzwerke (CHLB Đức) lập thủ tục xin đầu tư nhà máy vào KCN huyện Phong Điền để thực hiện chế biến sâu theo đúng quy định, quản lý có hiệu quả”, ông Thiên cho biết thêm.

Diện tích đất canh tác của bà con bị thu hồi để làm nhà máy chế biến bột cát, thạch anh ít sắt chất lượng cao của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Trước những bất cập trên, UBND huyện Phong Điền cũng đã đề nghị doanh nghiệp cung cấp các thông tin về dự án, phương án bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn trong khai thác, cung cấp phương án và đầu tư nâng cấp đoạn đường nối từ nhà máy đến đường QL1 phù hợp với yêu cầu vận chuyển sản phẩm của dự án.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần công bố lộ trình khai thác của mỏ, để phối hợp với địa phương giao người dân trồng cây hàng năm. UBND huyện Phong Điền đã đề nghị đơn vị đầu tư xem xét, cân nhắc và chọn vị trí đầu tư dự án nhà máy đảm bảo phù hợp.

Phi Hoàng – Đình Tuấn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến