Dòng sự kiện:
Hung thủ sát hại nữ sinh trong nhà trọ đối mặt án tử
05/06/2018 20:06:01
Theo luật sư, trong cùng một thời điểm phạm tội, đối tượng đã phạm 3 tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại Bộ luật Hình sự, đó là tội Giết người, Hiếp dâm và Cướp tài sản, đối mặt với án tử hình.

Chiều 4/6, người dân trong ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Phúc Lai, quận Đống Đa (Hà Nội) phát hiện thi thể nữ có dấu hiệu bị sát hại tại căn phòng ở tầng 3 của ngôi nhà cao 4 tầng cho thuê.

Danh tính nạn nhân được xác định là chị Đặng Thị Cẩm T. (SN 1995), quê ở huyện Cẩm Phả (Quảng Ninh); là sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Trước đó, tối 3/6, chị T. đến phố Nguyễn Phúc Lai thuê nhà nhưng không thấy về. Một người nhặt được điện thoại của nữ sinh này nên mở máy gọi cho gia đình. Sau gần 1 ngày tìm kiếm, đến chiều 4/6, cậu ruột nữ sinh đã phá khóa cửa phòng trọ, phát hiện cô gái 23 tuổi tử vong, có dấu hiệu bị cưỡng hiếp nên gia đình báo cảnh sát.

Liên quan đến vụ việc, CQĐT đã bắt giữ nghi can 35 tuổi tên Nguyễn Anh Tú, trú tại ngõ Quan Thổ, phường Hàng Bột, quận Đống Đa về trụ sở. Người này thuê căn phòng ở tầng 3, nơi T. đến hỏi thuê lại.

Theo lời khai ban đầu của nghi can, khi nạn nhân đến thuê phòng, người này nảy sinh ý đồ xấu, cầm gạch tấn công cô gái, rồi bóp cổ, lôi nữ 9X vào phòng cưỡng hiếp.

Sau khi thỏa mãn, nghi can ngủ đến chiều hôm sau, lấy ví của nạn nhân trước khi rời hiện trường. 

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác - là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định.

Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong dư luận cả nước nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Qua thông tin ban đầu về quá trình thực hiện hành vi phạm tội cho thấy nghi phạm không còn tính người. Giữa nghi phạm và nạn nhân không có quan hệ gì. Nghi phạm đã lợi dụng nạn nhân đến thuê phòng trọ nảy sinh ý đồ cưỡng hiếp, cầm gạch tấn công cô gái, rồi bóp cổ, cưỡng hiếp.

Sau khi sát hại cô gái và thỏa mãn dục vọng, nghi phạm còn chiếm đoạt chiếc ví, điện thoại của nạn nhân trước khi rời hiện trường. "Trong cùng một thời điểm, đối tượng đã phạm 3 tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại Bộ luật Hình sự, đó là tội Giết người, Hiếp dâm và Cướp tài sản.

Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm g, n Khoản 1, Điều 123; Khoản 1 Điều 141; Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015: "Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thì với hành vi giết người dã man, tàn bạo, côn đồ hung hãn, phạm nhiều tội và hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng phải đối mặt với tổng hợp hình phạt chung cho cả 3 tội là tử hình", Luật sư Thơm cho biết..

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 141. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

c) Nhiều người hiếp một người;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Có tính chất loạn luân;

g) Làm nạn nhân có thai;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuệ An

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến