Dòng sự kiện:
Hưng Yên: Doanh Nghiệp làm bất động sản được 'ưu ái từ A-Z'?
22/03/2019 15:35:20
Các doanh nghiệp gặp khá nhiều thuận lợi mặc dù trong số đó có những DN với năng lực khá yếu cũng “ôm trọn” được dự án có quy mô khá lớn.

Cuối năm 2018 vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên liên tiếp ra thông báo việc lựa chọn các nhà thầu cho hàng loạt dự án BĐS trên địa bàn. Tại các dự án này, việc lựa chọn cũng như trúng thầu đối với các Doanh nghiệp khá là suôn sẻ, thuận lợi.

Ngày 18/7/2018 UBND tỉnh Hưng Yên ra QĐ số 1670 về việc phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư dự án Dự án Khu nhà ở liền kề để bán Phúc Thành. Đơn vị được lựa chọn là Công ty CP Đầu tư đô thị Phúc Thành (địa chỉ: Thôn Nguyễn Xá, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Dự án có quy mô dân số dự kiến khoảng 1700 người, diện tích quy hoạch khoảng 69.175,41 m2. Tổng vốn đầu tư dự án là 605.337.599.000 đồng, trong đó chi phí thực hện dự án là 583.862.157.000 đồng và giá trị bồi thường GPMB là 21.475.157.000 đồng.

Theo đó, Công ty CP Đầu tư đô thị Phúc Thành có người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Nhật (SN 1981), mã số DN: 0900553134 được thành lập ngày 13/4/2010. Vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đến năm 2017 tăng vốn điều lệ là 160 tỷ.

Phối cảnh dự án Khu nhà liền kề để bán Phúc Thành

Ngày 11/7/2018, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục ra QĐ số 1613 về việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Khu nhà ở Hưng Thịnh Phát nằm trên địa bàn xã Cửu Cao, thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Dự án có quy hoạch dự kiến khoảng 900 người, diện tích đất lập 1/2000 khoảng 38.063m2. Đơn vị trúng thầu là Hưng Thịnh Phát Group (địa chỉ: Thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên). Mục tiêu của dự án, xây dựng khu nhà ở liền kề có kiến trúc hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân khu vực.

Tổng kinh phí thực hiện dự án là 476.472.174.000 đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án M1: 459.689.019.000 và giá trị bồi thường GPMB M2: 16.783.155.000 đồng.

Chủ đầu tư Hưng Thịnh Phát Group có người đại diện pháp luật là ông Bùi Đức Hạnh (SN 1980), mã số DN: 0901001175 được thành lập ngày 11/11/2016. Vốn điều lệ ban đầu của Hưng Thịnh Phát Group là 59,4 tỷ, đến năm 2017 đã tăng lên 120 tỷ.

Trao đổi với PV, ông Lưu Văn Dương – PGĐ Sở Xây dựng Hưng Yên cho biết vừa qua tỉnh đã chấp thuận cho hai đơn vị trúng thầu đều ở trên địa bàn là Công ty Phúc Thành và Hưng Thịnh Phát. Quy trình về lựa chọn nhà thầu đã được UBND tỉnh cũng như Sở Xây dựng một cách đúng quy trình.

Nhận định về năng lực của các doanh nghiệp này, ông Dương cho biết, chủ đầu tư Hưng Thịnh Phát Group nằm ở địa bàn huyện Yên Mỹ, Hưng Yên mới thành lập từ 2016, chưa phải là Công ty lớn. Tuy nhiên, các giá trị về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng lớn nhưng về mặt năng lực kinh nghiệm là chưa có.

Về mặt kinh nghiệm Hưng Thịnh Phát là chưa bao giờ thực hiện những dự án gần tương đương như lần này. Doanh nghiệp này chỉ thực hiện những dự án xây dựng quy mô nhỏ thôi. Trong việc đăng ký thực hiện dự án hợp tác liên doanh với một đơn vị khác.

Tuy nhiên, quyết định liên doanh giữa Hưng Thịnh Phát và doanh nghiệp khác đã có hợp đồng liên doanh, khi mà đăng ký thì đăng ký làm liên doanh, Hưng Thịnh Phát đứng ra đại diện trong cái hợp đồng hợp tác. Và trong phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư của tỉnh thì chỉ nhắc đến mình Hưng Thịnh Phát Group chứ không có tên bất kỳ liên doanh nào.

Còn về phần Công ty Phúc Thành đã từng làm một số dự án trên địa bàn của tỉnh Hưng Yên. Các dự án làm trước của Cty Phúc Thành tương đương với dự án mới đây. Nên được đánh giá là đơn vị xây dựng BĐS có năng lực trên địa bàn tỉnh.

Có hay không “sự ưu ái riêng biệt” từ phía tỉnh Hưng Yên?

Theo thông tin tìm hiểu từ PV, dự án ngay sau khi ra thông báo lựa chọn nhà thầu thì tên của các dự án đã hầu như “mặc định cho các đơn vị trúng thầu”? Rất dễ nhìn thấy tên dự án và chủ đầu tư có sự trùng khớp, dự án Khu nhà ở liền kề để bán Phúc Thành thì Công ty CP Đầu tư đô thị Phúc Thành trúng thầu còn Khu nhà ở Hưng Thịnh Phát thì Hưng Thịnh Phát Group làm chủ đầu tư.

Vị PGĐ Sở Xây dựng này cho biết, 2 dự án trên được thực hiện dựa trên đề xuất của 2 doanh nghiệp này nên mới dẫn đến việc tên dự án khi chưa lựa chọn chủ đầu tư đã có tên như vậy. Hầu như có cái đề xuất của Doanh nghiệp riêng, sau đó tỉnh mới xem xét có đồng ý thực hiện dự án hay không. Nếu đồng ý thực hiện dự án thì khi đó mới làm quy trình.

Việc đấu thầu cũng thực hiện đúng quy trình, thông báo mời để sơ tuyển rộng rãi. Trong thời hạn 30 ngày thì mới đóng thầu thì chỉ có mỗi mình Hưng Thịnh Phát. Sau khi hết hạn nộp hồ sơ vẫn chỉ có mình Hưng Thịnh Phát và Phúc Thành tham gia 2 gói thầu này nên Sở Xây dựng quyết định chỉ định thầu luôn cho 2 doanh nghiệp thực hiện 2 dự án nêu trên.

Như vậy quy trình hoàn tất việc lựa chọn nhà đầu tư đối với 2 đơn vị này khá ngắn gọn và thuận lợi. DN đề xuất tỉnh Hưng Yên ra chủ trương xây dựng dự án, trong quá trình đấu thầu thì không có đối thủ tham gia và được chỉ định thầu theo đúng quy định. Trong khi đó ngay cả phía chủ đầu tư được lựa chọn cũng chưa chắc đã có sự đảm bảo cho dự án như trường hợp Hưng Thịnh Phát Group, và có hay không việc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên “ưu ái” cho các DN trên địa bàn tỉnh?

Còn nữa...

Kỳ 2: Các DN tỉnh Hưng yên “lớn nhanh bất thường” trước khi trúng thầu dự án?

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến