Dòng sự kiện:
Ngân hàng: Mắt xích trung gian 'xanh hóa' dòng vốn đầu tư (Bài 2)
26/09/2018 13:30:18
Hiện nay việc triển khai các chương trình tín dụng xanh của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn thách thức nhất định.

Bài 2: Xanh hóa vốn đầu tư: Không dễ

Chủ động đón đầu xu hướng

Ngày càng nhiều NHTM trên toàn thế giới áp dụng chính sách, hệ thống và quy trình cho vay để giảm các tác động tiêu cực của khối DN đến môi trường và xã hội. Việc này sẽ giúp đảm bảo quá trình phát triển kinh tế không làm tổn hại đến con người, nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Đồng thời cũng giúp các NHTM bảo vệ danh mục tín dụng của mình khỏi những rủi ro kinh doanh và tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới mà kinh tế tăng trưởng xanh có thể mở ra.

Các ngân hàng rất quan tâm đầu tư cho các dự án xanh

Chính vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và NHNN có Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, các ngân hàng đã ngay lập tức “vào cuộc” triển khai thông qua các hành động. Techcombank đã ký hợp tác với IFC tài trợ các dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch của các DNNVV Việt Nam. BIDV, Agribank, Sacombank, Vietcombank cho vay thí điểm các dự án kinh doanh năng lượng tái tạo, xử lý tái chế rác thải môi trường, giảm thiểu tác hại từ biến đổi khí hậu với tổng giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng…

Nhiều NHTM đã, đang triển khai các chương trình tín dụng chuyên biệt. Đơn cử như VietinBank, xây dựng giải pháp thúc đẩy sản phẩm “ngân hàng - tín dụng xanh”, hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh… Hay như tại Agribank tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do WB và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học… Đặc biệt, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch”.

Còn tại LienVietPostBank, bà Lê Thị Thanh Nga, Phó Tổng giám đốc cho biết, hiện ngoài các dự án tín dụng quốc tế hướng đến sự phát triển bền vững mà LienVietPostBank đang tham gia, ngân hàng còn triển khai một số sản phẩm thế mạnh phù hợp với danh mục tín dụng xanh do NHNN ban hành.

Cụ thể: Sản phẩm cho vay đầu tư phát triển cây mắc ca, cho vay khách hàng trồng rau, trồng hoa công nghệ cao… và bước đầu cũng đạt được tăng trưởng tích cực đối với các sản phẩm hướng tới tín dụng xanh.

Từ khi Chỉ thị số 03 ra đời, LienVietPostBank đã và đang có những nghiên cứu để xây dựng một khung pháp lý, hệ thống thẩm định, quản lý rủi ro về MTXH áp dụng song song với khung chính sách chung về quản lý rủi ro của ngân hàng để đánh giá sát hơn các khoản cấp tín dụng.

LienVienPostBank còn thực hiện các Chương trình Ngân hàng Xanh để đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành một trong các hoạt động xã hội trọng tâm về lâu dài. Các mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các DN và người dân, hình thành “làn sóng” đầu tư lĩnh vực này.

Đơn cử, chỉ trong vòng 2 tháng, sau khi LienVietPostBank phát động chương trình “Ngân hàng Xanh - Giao dịch mọi lúc, trúng thưởng mọi nơi” có hơn 20.000 khách hàng đăng ký sử dụng sản phẩm với hơn 130.000 giao dịch, tổng số tiền chuyển qua SMS và Internet Banking trong thời gian triển khai chương trình hơn 300 tỷ đồng. Ngân hàng tiết kiệm được khoảng 390.000 tờ giấy giao dịch...

Còn nhiều thách thức

Báo cáo toàn cầu 2018 của Mạng lưới Ngân hàng bền vững (SBN) đánh giá về các sáng kiến chính sách tài chính bền vững ở các nước đang phát triển đã nhận định: Việt Nam đã đạt được những bước tiến ban đầu góp phần thúc đẩy tài chính bền vững tại quốc gia và khu vực. Việc ban hành nhiều chính sách quan trọng liên quan đến thúc đẩy nền kinh tế xanh và khuyến khích tất cả các TCTD tính đến các rủi ro về môi trường và xã hội trong các giao dịch thực hiện cho thấy quyết tâm cao của cơ quan quản lý ngành Ngân hàng trong việc xây dựng một hệ thống ngân hàng xanh và bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các chương trình tín dụng xanh của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn thách thức nhất định. Theo kết quả khảo sát, có nguyên nhân từ phía nội tại của ngân hàng dẫn đến việc triển khai ngân hàng xanh, tín dụng xanh gặp khó khăn. Vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định được nhìn nhận là trở ngại lớn nhất. Ngoài ra, tín dụng xanh chưa phát triển còn do lợi nhuận từ những dự án xanh còn thấp trong khi quy mô khoản vay và mức độ rủi ro của dự án quá lớn vượt quá khả năng tài chính và năng lực quản lý của ngân hàng...

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cũng là một những hạn chế trong quá trình triển khai chủ trương lớn này. Phần lớn ngân hàng cho rằng đã gặp phải những khó khăn do tác động từ yếu tố bên ngoài tới những chính sách hoạt động của ngân hàng như mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, sự đồng bộ trong khung chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, tính hiệu quả trong các nỗ lực bảo vệ môi trường...

Một vấn đề khác, nguồn lực cán bộ để đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng tại các ngân hàng còn hạn chế. Hầu hết các ngân hàng đều không có cán bộ được đào tạo chuyên sâu và chuyên trách trong việc đánh giá rủi ro môi trường, xã hội. Trong các NHTM lớn được khảo sát, chỉ có Sacombank cho biết họ có một cán bộ chuyên trách về đánh giá tác động môi trường xã hội tại mỗi chi nhánh. Vẫn có quan niệm cho rằng hoạt động ngân hàng nhằm thu lợi nhuận tối đa, trong khi những lợi ích đầu tư cho môi trường mang tính dài hạn, đòi hỏi lãnh đạo ngân hàng phải có tầm nhìn chiến lược.

Bởi vậy, để tín dụng xanh hóa nền kinh tế, đại diện Agribank đề xuất đối với Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành liên quan và địa phương sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa đối với cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu. Xây dựng tiêu chí cụ thể cho các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích tư nhân và DN đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời quy hoạch các nhà máy sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu...

Báo cáo toàn cầu 2018 của Mạng lưới Ngân hàng bền vững (SBN) đánh giá về các sáng kiến chính sách tài chính bền vững ở các nước đang phát triển đã nhận định: Việt Nam đã đạt được những bước tiến ban đầu góp phần thúc đẩy tài chính bền vững tại quốc gia và khu vực.

Bài 3: Để có những quyết sách phù hợp

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến