Người giàu “bỏ quên” bảo hiểm y tế
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên cả nước là 87,96 triệu người, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT cho trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng. Tổng số chi ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 43.638,5 tỷ đồng, bằng 41% tổng số thu tiền đóng BHYT. Về tình hình khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2020, việc khám, chữa bệnh BHYT theo loại hình nội trú, ngoại trú, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn quốc có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019.
Gần 10% dân số chưa tham gia BHYT chủ yếu là nhóm người giàu và họ chủ yếu tham gia bảo hiểm tự nguyện, thông qua công ty bảo hiểm (ảnh: Internet)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, gần 10% dân số chưa tham gia BHYT chủ yếu là nhóm người giàu và họ chủ yếu tham gia bảo hiểm tự nguyện, thông qua công ty bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế khuyến khích nhóm dân số này tham gia BHYT, đồng thời đổi mới dịch vụ BHYT tốt hơn để phục vụ người dân tốt nhất.
“Tuy nhiên, sự mâu thuẫn giữa cơ quan quản lý Quỹ BHYT và các bệnh viện thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân bởi Bộ Y tế tham mưu ban hành chính sách, nhưng việc chi là bệnh viện, quản lý lại là Bảo hiểm. Trong khi các bệnh viện thường kê đơn thuốc, vật tư rất lớn, khiến việc chi BHYT có thể thiếu hụt. Vì vậy, các đơn vị đang nghiên cứu quy định để vừa đảm bảo cân đối giữa việc chi cho người tham gia BHYT, vừa bảo tồn, phát triển quỹ”, Bộ trưởng cho biết.
Theo nghiên cứu của một số chuyên gia trong ngành, các chương trình BHYT có thể không đủ để giải quyết những thất bại của thị trường và mở rộng diện tham gia bảo hiểm một cách đáng kể. Hiện nay, cách tiếp cận hòa nhập trong lĩnh vực an sinh xã hội mâu thuẫn với tình trạng manh mún của các hệ thống thông tin. Trong đó, sự tản mạn của hệ thống thông tin, khiến các cơ quan chịu trách nhiệm hoạch định chính sách không thể giám sát một cách hiệu quả hành vi của đối tượng mà họ phải phục vụ. Bộ Y tế gặp khó khăn trong việc xác định các đối tượng khác nhau của chương trình BHYT sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như thế nào.
Thực tế, thu nhập càng cao thì con người càng chăm lo đời sống cũng như sức khỏe của mình hơn. Khi có dấu hiệu bất thường đối với sức khỏe, người giàu thường đến ngay các bệnh viện uy tín để kiểm tra y tế, nhằm phát hiện bệnh lý và điều trị kịp thời. Nhu cầu khám chữa bệnh với chất lượng cao của người có tiền khiến cho các cơ sở y tế công lập phải mở ra nhiều các phòng khám dịch vụ, phòng khám VIP, thậm chí ở nhiều bệnh viện còn có các cái tên như phòng khám Giáo sư, Phó Giáo sư,…. với chất lượng chuyên môn đứng đầu ngành, tuy nhiên chi phí đi kèm cũng đắt đỏ hơn nhiều so với các dịch vụ thông thường.
Trong khi đó, việc giao mức trần chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho các cơ sở y tế nhằm hạn chế tình trạng trục lợi từ BHYT là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số quyền lợi của người bệnh bị hạn chế. Đại diện Sở Y tế tại một tỉnh cho biết, việc giao mức trần dự toán BHYT gây khó khăn cho các cơ sở KCB, người dân cũng chịu thiệt thòi. Vật tư, thuốc điều trị theo BHYT chủ yếu là thuốc nội, nhiều bệnh nhân có nhu cầu sử dụng vật tư, thuốc tốt hơn vượt quá chi trả của BHYT, buộc phải mua ngoài... vì vậy, KCB BHYT mang lại nhiều lợi ích, nhưng phần nào vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng KCB của người dân.
Anh Nguyễn Văn Hùng (trú tại Thanh Hoá) chia sẻ: “Mẹ tôi nằm viện điều trị sau phẫu thuật cắt túi mật. Do có BHYT nên phần lớn chi phí phẫu thuật và điều trị đã được BHYT chi trả. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, để được dùng thuốc tốt hơn, gia đình tôi phải mua thêm thuốc ngoài danh mục BHYT chi trả (theo đơn thuốc của bác sĩ)”.
Nhiều bác sỹ chuyên khoa cũng có cùng quan điểm rằng, với một số trường hợp, để tìm ra nguyên nhân bệnh phải tiến hành làm nhiều xét nghiệm có liên quan. Tuy nhiên, BHYT lại cho rằng bác sĩ chỉ định không phù hợp với tình trạng bệnh và từ chối thanh toán... điều này cũng gây khó khăn cho các bác sĩ khi chỉ định KCB và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Vấn đề là, mệnh giá BHYT còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu KCB, trong khi đó, nhiều bệnh nhân điều trị bệnh với chi phí BHYT cao (phẫu thuật, lọc thận...). Đây là nguyên nhân mà nhóm người giàu sẵn sàng chi tiền cho các công ty bảo hiểm bên ngoài với quyền lợi tích hợp, số tiền chi trả cao và đáp ứng nhu cầu cũng như tiêu chuẩn KCB của họ.
Giải pháp trọng tâm
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các cơ quan Bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai các giải pháp như:
Thứ nhất, xây dựng Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) để đáp ứng các mục tiêu chính sách trong việc mở rộng đối tượng tham gia, mở rộng phạm vi quyền lợi, quy định bảo hiểm y tế bổ sung, mở rộng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế bảo hiểm y tế, vai trò y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe...
Cần ban hành hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng khám chữa bệnh và công khai các tiêu chuẩn của dịch vụ khám chữa bệnh (ảnh: Internet)
Thứ hai, ban hành, cập nhật quy trình khám chữa bệnh mới phù hợp với các yêu cầu, quy định hiện nay về kết nối liên thông dữ liệu BHYT.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng cho một số dịch vụ; Ban hành hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng khám chữa bệnh và công khai các tiêu chuẩn của dịch vụ khám chữa bệnh.
Thứ tư, triển khai thực hiện phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất và phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo nhóm chẩn đoán có liên quan (DRG).
Như vậy, để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đặc biệt là với nhóm người giàu tại Việt Nam còn “bỏ quên” tham gia BHYT, thì không còn cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, thông qua bảo đảm bền vững tài chính. Đồng thời, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong việc tham gia xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi; tập trung giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Tác giả: Diễm Ngọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy