Dòng sự kiện:
Huy động vốn vào năng lượng tái tạo: Không thể chỉ trông chờ ngân hàng
20/03/2019 11:28:27
Theo số liệu của Ernst & Young Solutions, nguồn tài chính đầu tư vào năng lượng xanh toàn cầu đã tăng từ 47 tỷ USD năm 2004 lên đến 335,5 tỷ USD vào năm 2017.

Kinh nghiệm của các quốc gia huy động thành công nguồn vốn này cho thấy các kênh tài chính cho năng lượng xanh rất đa dạng, không thể chỉ trông chờ vào vốn ngân hàng. 

Vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng mạnh nhưng mới đáp ứng phần nhỏ nhu cầu

Dự án khả thi, ngân hàng sẵn sàng đồng hành

Hiện nay nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Đến năm 2030 dự báo cần có tới 90.000 tỷ USD để đạt được các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững toàn cầu. Riêng đối với khu vực ASEAN, tiềm năng quy mô thị trường tín dụng xanh ước tính khoảng 2.650 - 3.000 tỷ USD, bình quân cần tới 200 tỷ USD/năm trong giai đoạn 15 năm.

Trong đó riêng thị trường Việt Nam chiếm khoảng 16% tổng quy mô của toàn thị trường ASEAN, đứng vị trí thứ 2 chỉ sau Indonesia (chiếm 36%). Các con số này phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường năng lượng tái tạo (NLTT) Việt Nam đối với các NĐT nước ngoài và trong nước.

Bối cảnh hiện nay cho thấy, tiềm năng để phát triển NLTT của Việt Nam là lớn, thị trường có và các cơ chế khuyến khích đầu tư đã manh nha. Tuy nhiên, nhiều NĐT trong nước cho rằng vẫn khó tìm được tiếng nói chung với các tổ chức tài chính, vì vậy rất khó để tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào NLTT.

Thời gian qua, các ngân hàng đã mạnh tay rót vốn cho các dự án năng lượng sạch, NLTT, với các gói tín dụng được thiết kế riêng. Song vẫn có không ít ý kiến cho rằng không dễ để tiếp cận nguồn vốn này. Bởi khả năng thẩm định dự án và sự hiểu biết của ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước về dự án NLTT vẫn còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, dưới góc độ một NĐT đang sử dụng hiệu quả vốn ngân hàng vào dự án NLTT, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà lại cho rằng nếu chỉ trông chờ vào ngân hàng thì dự án sẽ khó khả thi. Ông chia sẻ, ngoài nguồn vốn tự có, với dự án năng lượng mặt trời, ông chọn hướng bắt tay với đối tác Pháp, với dự án nước sạch, ông hợp tác với đối tác Nhật, sau đó huy động vốn từ các cổ đông, tìm tới các quỹ đầu tư, cuối cùng mới tìm tới ngân hàng.

“Tất cả các kênh huy động vốn đều phải mở. Đối với chúng tôi, vốn ngân hàng là không thể thiếu, song cần tìm tới các nguồn từ NĐT, quỹ đầu tư trước. Bên cạnh đó, tôi cho rằng vẫn phải đợi cho ngành này phát triển mạnh hơn và có bằng chứng của việc đầu tư, thu hồi được vốn, sau đó mới có thể thuyết phục các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính cũng như ngân hàng nhìn thấy hiệu quả và đồng hành với NĐT”, ông Sơn nêu quan điểm. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia tài chính cho rằng để có thể đáp ứng được nhu cầu của DN, các tổ chức tài chính, ngân hàng và DN phải xây dựng được tiếng nói chung bằng các cơ chế cụ thể. Ví dụ, tổ chức tài chính phải khảo sát, đánh giá và thẩm định các dự án một cách kỹ càng, xác định phương án làm thế nào để giảm chi phí và rủi ro. Ngoài ra, DN cũng cần chia sẻ lộ trình, kế hoạch hành động của mình để ngân hàng hiểu.

Cần đa dạng các công cụ tài chính

Từ góc nhìn của các NĐT nước ngoài, rào cản đối với việc phát triển dự án NLTT tại Việt Nam đang tập trung nhiều ở chính sách hơn là nguồn vốn. Ông Russell Marsh, chuyên gia của Ernst & Young Solutions đã chỉ ra các nguyên nhân khiến NĐT chưa thực sự hào hứng với dự án NLTT, mặc dù tiềm năng của lĩnh vực này rất lớn.

Theo đó, lý do đầu tiên là giá điện của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trong khu vực ASEAN, khiến các NĐT lo ngại về tỷ lệ hoàn vốn của dự án NLTT khi giá điện thậm chí có thể chưa đủ trả chi phí sản xuất. Ông phân tích, khung giá bán điện hiện nay chưa ổn định. Biểu giá bán hỗ trợ của năng lượng mặt trời chỉ áp dụng cho các dự án có thể đạt được thời hạn vận hành thương mại vào tháng 6/2019. Việc xem xét kéo dài ngày hết hạn của biểu giá bán điện mặt trời thể hiện sự chặt chẽ đối với các NĐT và có thể ngăn cản việc đầu tư của họ.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện dự án tại Việt Nam dài do các thủ tục thực hiện dự án và thu hồi đất kéo dài, dẫn đến chậm trễ. Lý do cuối cùng mới là thị trường tài chính kém phát triển do quy mô nhỏ. Cấu trúc thị trường trái phiếu chưa đủ mạnh, do trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm phần lớn. Vừa qua Việt Nam đã bắt đầu phát hành được các loại trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, song vẫn chưa đủ dài để tài trợ đối với các dự án NLTT. Ngoài ra, do kém phát triển nên thị trường tài chính vẫn chưa sẵn sàng cho các loại công cụ tài chính mới như trái phiếu xanh.

Tại Việt Nam, trong năm 2016 Chính phủ đã 2 lần thí điểm phát hành trái phiếu xanh. Cụ thể là 4 triệu USD được tỉnh Vũng Tàu phát hành cho dự án cấp nước; 23 triệu USD được TP. Hồ Chí Minh phát hành cho các dự án cấp nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên ông Russell Marsh cho rằng con số này chỉ là “muối bỏ bể” so với quy mô của thị trường trái phiếu xanh quốc tế đã lên đến 155,5 tỷ USD năm 2017 và với mức tăng trưởng 78%/năm dự kiến lên tới 250 tỷ USD năm 2018.

Đó là chưa kể các giao dịch cho vay dự án năng lượng xanh thường thành công khi có sự tham gia của các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á. Hiện tất cả các nguồn tài chính này còn rất hạn hẹp, vì vậy DN trong nước chủ yếu tìm nguồn tài trợ từ ngân hàng.

Trước thực trạng này, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần hài hoà các chính sách tài chính, môi trường và xem xét chính sách giá năng lượng để cho phép có mức giá hợp lý hơn. Cùng với đó, phát triển các phương tiện tài chính tạo điều kiện cho nguồn tài chính dài hạn và giảm thiểu rủi ro, ví dụ phát triển thị trường trái phiếu trong nước, xây dựng các quỹ đầu tư… Sử dụng sáng tạo các sản phẩm tài chính mới và truyền thống, ví dụ chứng khoán dự phòng và trái phiếu xanh.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến