Dòng sự kiện:
Hủy kết quả chọn nhà đầu tư cho dự án BT hơn 700 tỷ đồng tại Thái Bình
27/02/2018 07:14:49
UBND tỉnh Thái Bình vừa hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Cải tạo nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển tỉnh Thái Bình (đường 221A) theo hợp đồng BT.

Đầu tháng 1/2017, khi danh sách ngắn Dự án Cải tạo nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình (đường 221A) theo hợp đồng BT được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông tỉnh Thái Bình - bên mời thầu Dự án công bố, năng lực của nhà đầu tư duy nhất vượt qua sơ tuyển là Công ty CP Xi măng Công Thanh đã khiến nhiều người hoài nghi.

Bởi lẽ đây là một dự án không nhỏ, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 721 tỷ đồng. Thế nhưng tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh và năng lực tài chính của nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển là Công ty CP Xi măng Công Thanh tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm tổ chức sơ tuyển lại rất có vấn đề.

Sau 2 lần lựa chọn nhà đầu tư, Dự án Cải tạo nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo an ninh quốc phòng ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình vẫn chưa được triển khai

Cụ thể, thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án đăng tải ngày 17/11/2016, thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển từ 22/11/2016 đến 22/12/2016. Danh sách ngắn được phê duyệt ngày 29/12/2016 và được công bố trên Báo Đấu thầu ngày 9/1/2017.

Theo Báo cáo tài chính tổng hợp cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2015 của Xi măng Công Thanh đã được kiểm toán bởi Chi nhánh Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, tại ngày 31/12/2015, nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn 1.197 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là 1.817 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 620 tỷ đồng). Theo đánh giá của Kiểm toán, vấn đề này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Ngoài ra, Kiểm toán cũng lưu ý vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh là 2.000 tỷ đồng, nhưng vốn thực góp tại thời điểm 31/12/2015 mới chỉ là 900 tỷ đồng.

Những thông tin từ báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy nhiều vấn đề đáng quan ngại về năng lực tài chính, thanh khoản đến hết thời điểm báo cáo của Xi măng Công Thanh, nhiều dấu hiệu cho thấy Công ty ở trong tình trạng tài chính tiêu cực, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đáo hạn. Ngoài ra, với tổng tài sản hơn 13 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 807 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2015 chỉ có 21 tỷ đồng có thể cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan của Công ty.

Với tiềm lực tài chính như vậy, Xi măng Công Thanh vượt qua được vòng sơ tuyển một dự án hơn 700 tỷ đồng trong năm 2016 là điều đáng ngạc nhiên.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2017 theo báo cáo tài chính giữa niên độ cho kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2017 của Công ty này cũng không mấy sáng sủa. Tại thời điểm 30/6/2017, số nợ ngắn hạn của Công ty là 1.978 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ khoảng 741 tỷ đồng; lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty lên tới 396 tỷ đồng, tăng rất nhiều so với 1 năm trước đó.

Gần 1 năm sau, đến ngày 8/2/2018, UBND tỉnh Thái Bình đã phải hủy kết quả lựa chọn này và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp cho Xi măng Công Thanh ngày 12/5/2017.

Lý do hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư được tỉnh Thái Bình đưa ra là do đàm phán hợp đồng không thành công.

Xuân Tùng (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến