Dòng sự kiện:
Hy hữu hàng trăm sổ đỏ vô giá trị ở Lào Cai
14/10/2020 12:47:56
Có số đỏ nhưng người dân lại không thể sử dụng vào bất cứ mục đích gì vì chưa hề thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước...

Sổ đỏ của gia đình anh Lương Đình Minh mặc dù được giám định là hợp pháp nhưng sẽ chỉ được đền bù bằng giá đất nông nghiệp

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được giám định là hợp pháp, nhưng người dân lại không thể sử dụng vào bất cứ mục đích gì vì chưa hề thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Câu chuyện hy hữu này đang xảy ra với rất nhiều gia đình tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Sổ thật vẫn vô giá trị

Anh Phạm Quang Hòa (tổ 7, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên) kể, năm 2009, anh được một cán bộ địa chính thị trấn Phố Ràng gợi ý làm sổ đỏ cho mảnh đất 100m2. Sau khi tiến hành đo đạc, xác minh nguồn gốc đất, vị cán bộ này báo giá 38 triệu đồng, gồm tiền đóng thuế đất và những chi phí khác.

“Đóng đủ tiền và nhận được cuốn sổ đỏ có chữ ký xác nhận, đóng dấu của lãnh đạo UBND huyện Bảo Yên, tôi yên tâm cất kỹ. Đến năm 2015, thấy ngôi nhà đã xuống cấp, tôi lấy sổ đỏ đi xin giấy phép xây dựng thì tá hỏa khi cán bộ ở đây trả lời sổ đỏ này chưa đóng thuế nên không có giá trị pháp lý. Tôi vội lên Phòng TN&MT huyện tra thông tin thì không tìm thấy hồ sơ gốc để đối chiếu. Họ nói, sổ đỏ của tôi giờ không sử dụng được vào việc gì”, anh Hoà bần thần.

Tương tự, anh Hà Mạnh Hùng (tổ dân phố 2B, thị trấn Phố Ràng) kể: Năm 2008, anh đưa cán bộ địa chính thị trấn Phố Ràng số tiền 33 triệu đồng để làm 2 sổ đỏ cho mảnh đất 300m2 mà gia đình sinh sống. Cán bộ này làm trọn gói mọi việc, anh chỉ giao tiền. Đến năm 2017, cơ quan chức năng trả lời cả 2 sổ đỏ này của anh đều chưa đóng thuế và không thể thực hiện bất kỳ giao dịch gì liên quan.

“Tôi muốn vay vốn làm ăn nhưng ngân hàng từ chối vì sổ đỏ không có giá trị, tôi muốn làm nhà nhưng chính quyền không cấp phép xây dựng. Giờ tôi muốn bán nhà đất cho người khác cũng không thể làm thủ tục sang tên chuyển nhượng”, anh Hùng than thở.

Anh Lương Đình Minh (ở tổ 3A, thị trấn Phố Ràng) cũng có mảnh đất rộng 130m2, có sổ đỏ chính chủ cấp năm 2009. Năm 2015, mảnh đất này nằm trong vùng quy hoạch thuộc dự án khu trụ sở hành chính UBND huyện Bảo Yên.

Đầu năm 2020, công tác thống kê cũng được tiến hành, sổ đỏ của anh được đem đi giám định là hợp pháp (không phải sổ giả). Tuy nhiên, Thanh tra UBND huyện trả lời mảnh đất của anh Minh chưa thực thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nên không được áp giá cho đất thổ cư mà chỉ áp giá đền bù là đất ở nông nghiệp 5% và không nhận được suất tái định cư.

“Mảnh đất từng có người hỏi mua gần 300 triệu đồng, giờ nếu đền bù theo giá đất nông nghiệp thì chỉ được vài trăm nghìn. Tiếc của là một phần nhưng bức xúc vì cán bộ làm sai mà chúng tôi phải chịu”, anh Minh nói.

Cán bộ làm sai, dân chịu

Bà Lã Thị Dung (tổ 2A, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên) cho hay, năm 2009, bố bà có làm thủ tục tách thửa cho 9 người con cùng trên một dải đất. Bà có nhờ anh Mông Văn Ch. (cán bộ địa chính thị trấn Phố Ràng) đứng ra làm giúp toàn bộ thủ tục để cấp sổ đỏ.

Đến năm 2018, khi báo chí thông tin vụ 58 bìa đỏ ký cấp sai quy định trên địa bàn, bà chủ động đem sổ đỏ đến Phòng TN&MT để đối chiếu và ngã ngửa khi được trả lời, cả 9 sổ đỏ này không tìm thấy hồ sơ gốc. Đem ra Chi cục Thuế để tra cứu, cũng chưa có thông tin nộp thuế.

“Tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ và số tiền đóng thuế cho cán bộ. Sổ đỏ được cấp thì có dấu đỏ và có chữ ký của lãnh đạo huyện, vậy mà giờ lại thành giấy vụn. Vừa rồi tôi phải bỏ ra 110 triệu đồng để làm lại sổ đỏ chứ đợi cơ quan Nhà nước làm lại sổ thì không biết đến bao giờ. Cán bộ làm sai mà giờ dân phải chịu”, bà Dung bức xúc.

PV Báo Giao thông đã theo ông Lã Văn Sơn (tổ 5B, thị trấn Phố Ràng) cầm sổ đỏ đến Chi cục Thuế huyện Bảo Yên để kiểm chứng. Sổ đỏ này có diện tích 300m2 được ông Sơn làm năm 2004 và đến năm 2015 thì được cấp đổi với xác nhận của lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên, tra cứu trên hồ sơ lưu trữ của cơ quan thuế, không tìm thấy bất cứ thông tin gì về sổ đỏ của ông Sơn. “Nếu sổ đỏ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tại sao năm 2015 lại cấp đổi được? Tôi cũng không hiểu nổi. Giờ thì sổ đỏ này chẳng khác gì một tờ giấy vụn”, ông Sơn bực tức.

Ông Lương Công Tĩnh, cán bộ Chi cục Thuế Bảo Yên cho biết: Gần hai năm nay, sau khi huyện Bảo Yên tiến hành thanh tra 58 bìa đỏ ký cấp sai quy định, nhiều người dân đã chủ động đem sổ đỏ tìm đến cơ quan thuế để đối chiếu, mới phát hiện hàng trăm sổ đỏ chưa hề thực hiện nghĩa vụ tài chính.

“Chúng tôi kiểm tra, phát hiện rất nhiều sổ đỏ không có thông tin tại cơ quan thuế. Bởi sau khi Phòng TN&MT chuyển hồ sơ sang đây thì chúng tôi sẽ vào sổ lưu trữ. Ai đã có trong sổ theo dõi thu nộp này thì sẽ có hồ sơ. Còn ai không có thì nghĩa là chưa đóng thuế”, ông Tĩnh giải thích.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc hy hữu này.

Theo tìm hiểu, ngoài thị trấn Phố Ràng, ở các xã khác của huyện Bảo Yên như: Bảo Hà, Yên Sơn, Phúc Khánh, Xuân Hòa, Vĩnh Yên… cũng đang tồn tại không ít những cuốn sổ đỏ kiểu giấy lộn này.

Ông Trần Bá Thức, Tổ trưởng tổ 3A, thị trấn Phố Ràng bức xúc: “Người dân chưa hiểu về pháp luật đất đai nên tin tưởng, đưa tiền cho cán bộ làm sổ đỏ mà không có biên lai, hóa đơn gì, khi cầm sổ đỏ thấy có chữ ký của lãnh đạo huyện nên ai cũng yên tâm. Chỉ đến khi đi làm các thủ tục thì họ mới tá hỏa phát hiện ra sự thật.

Tác giả: Tuấn Minh - Minh Chuyên

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến