Hy Lạp: 5 năm sau cuộc bể dâu
05/03/2015 15:11:54
ANTT.VN - Gói cứu trợ thứ hai trong 5 năm liên tiếp đi đến ngày đáo hạn đã khiến cả châu Âu phải lao đao với những nghi ngại Hy Lạp sẽ rời khu vực chung. Việc gia hạn thêm 4 tháng cứu trợ vào ngày 25/2 đã khiến quốc gia này tạm thời thở phào. Tuy nhiên, qua được cuộc bể dâu này Hy Lạp vẫn còn vô vàn điều phải làm.

Tin liên quan

Hy Lạp đã được hưởng hai gói cứu trợ kể từ năm 2010, với tổng giá trị khoảng 240 tỉ ơ-rô. Thủ đô Athens đã thực sự tham gia vào một cuộc chơi nguy hiểm khi quyết định đàm phán gói cứu trợ thứ 2 tháng trước và kết quả là ra về với 4 tháng gia hạn thêm.

Đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần hai, Hy Lạp đã trải qua những khoảnh khắc đáng sợ của năm 2012 khi gói cứu trợ đầu tiên kết thúc. Tuy nhiên, lần này bài học Hy Lạp rút ra được là gì. Liệu sau 5 năm với một chính quyền lãnh đạo non trẻ và sắp tới là 4 tháng cứu trợ ngắn ngủi, đất nước các vị thần có sự biến chuyển lớn hay vẫn duy trì danh xưng “ông lớn ngủ quên trên nợ công”?

Sự hờn dỗi của đứa trẻ Hy Lạp

Kể từ khi chấp nhận theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng 5 năm trước để nhận, người Hy Lạp cho rằng họ đã chịu đựng quá đủ.

Đồng drachma của Hy Lạp đã ngừng phát hành được hơn một thập kỷ

Và cuộc bầu cử cuối tháng 1/2015 là giọt nước tràn ly khi ông Alexis Tsipras, người đứng đầu của Đảng Syriza thắng cử lớn. Không thể có đúng hơn khi nói việc “đăng cơ” của ông Alexis  là “thời thế tạo anh hùng”, ông đã “gãi đúng chỗ ngứa” khi tuyên truyền về một cuộc cách mạng phản đối chính sách kham khổ trong bối cảnh đất nước các vị thần đã ngán đến tận cổ những yêu cầu của châu Âu.

Tuy nhiên chỉ một tháng sau đó, “cuộc cách mạng chống thắt lưng buộc bụng” trên đã mất hoàn toàn khí thế và những nhiệt tình giành cho nó cũng bị “dập tắt” bởi không thể nhận được ủng hộ  nhà lãnh đạo ở phần còn lại của châu Âu. Thực tế, họ không muốn ủng hộ tài chính cho cuộc “nổi dậy” này.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Tsipras cũng cam kết sẽ cắt giảm thuế và nâng mức thu nhập phải chịu thuế. Điều này cũng khiến người dân Hy Lạp trì hoãn nộp thuế với hy vọng mức thuế sẽ giảm sâu hơn. Trong bối cảnh kinh tế Hy Lạp khó khăn đây thực sự là “chó cắn áo rách”.

Bên cạnh đó, trong cơn “hờn dỗi” của mình Hy Lạp đã từng tỏ ý định khôi phục đồng drachma, đồng nội tệ của Hy Lạp đã không còn được sử dụng kể từ năm 2002. Điều này thể hiện quyết tâm ra khỏi khu vực chung châu Âu với việc kết thúc sử dụng đồng tiền chung Ơ-rô của Hy Lạp.

Tuy vậy, cả thế giới đều biết quyết định này có thể gây đại họa cho nền kinh tế Hy Lạp.

Dù những đàm phán nợ thất bại và Hy Lạp quyết định rời khỏi EU với việc thanh toán khoản nợ và thôi dùng đồng tiền chung châu ÂU, điều đó cũng không cho phép đất nước này được xóa nợ hay chuyển đổi núi nợ đó sang đồng drachma.

Khoản nợ của Hy Lạp với hơn 200 tỉ ơ-rô và khoảng 2/3 trong số đó dưới dạng những hiệp ước nước ngoài với chính phủ các nước với hạn trong khoảng 30 năm.

Thêm vào đó, có khoảng 66 tỉ ơ-rô của món nợ có giá được phát hành theo luật lệ nước ngoài.

Những khoản nợ trên đã chồng chất đến mức nghiệm trọng và nhiều chuyên gia cho rằng quyết định phát hành lại đồng nội tệ (đồng drachma) sẽ không phải là quyết định sáng suốt bởi thực tế Hy Lạp lấy đâu ra kinh phí cho một sự hoán cục lớn như vậy vào thời điểm này.

EU không khoan nhượng

Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại, châu Âu cũng phải chịu nhiều thiệt hại nếu như Hy Lạp dứt áo ra đi. Cuối năm 2014, châu Âu đang gặp phải tình cảnh lạm phát trì trệ với mức 0,3% trong tháng 10 thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Đồng Ơ-rô cũng giảm nghiêm trọng, tiệm cận mức giá lần đầu tiên gia nhập khu vực EU vào năm 1999. Vào lúc này, cú shock Hy Lạp có thể giáng thêm một đòn khiến EU có thể phải lao đao.

Quang cảnh Athens u ám

Châu Âu không thể để Hy Lạp vỡ nợ bởi những hệ lụy đổ vỡ hệ thống ngân hàng, mất khu vực đồng tiền chung và kéo theo nhiều quốc gia khác rơi vào hiệu ứng domino, gây ra là sự bất ổn cho nền kinh tế khu vực đang trong tình trạng trì trệ và điều này có thể là một cái giá đắt.

Điều đáng lo ngại nhất là sự tháo chạy của dòng vốn ra khỏi châu Âu. Nếu các nhà đầu tư không an tâm rằng kinh tế khu vực EU vẫn ổn định, lãi suất có thể tăng và sau đó là đến chi phí đi vay.

 

Chi phí vay mượn tăng cùng với đầu tư giảm sút sẽ là sự cản trở đối với những nỗ lực phục hồi tăng trưởng.

Nếu Hy Lạp rời khỏi khu vực châu Âu và phá giá đồng drachma, thị trường chợ đen (chủ yếu với các giao dịch bằng đồng Ơ-rô) sẽ phát triển và vượt ra khỏi kiểm soát. Điều này có thể  kéo theo lạm phát và sự thả nổi tiền tệ, rốt cuộc gây ra một cuộc khủng hoảng có thể so sánh với suy thoái kinh tế kéo dài của Achentina sau năm 2001.

Các quốc gia châu Âu, với Đức và Pháp đứng đầu, đã vất vả xây dựng EU trong hơn 50 năm qua. Tất cả sẽ không để cho sự việc qua đi dễ dàng như vậy.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn nắm đằng chuôi với gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp đã đi đến hạn trả vào ngày 28/2.  Đây là dịp châu Âu “nắn gân” quốc gia này với thái độ kiên quyết. Cuối tháng 2 là lúc gói cứu trợ thứ 2 trong 5 năm dành cho Hy Lạp kết thúc.  Cho tới trước khi Hy Lạp đưa ra một danh sách cải cách kinh tế, các đề xuất gia hạn thêm khoản trợ cấp đều vấp phải sự phản đối của Đức, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu và cũng là chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp

Sự xuống nước đắng cay của Hy Lạp

Tựu chung lại, châu Âu không thể thiếu mắt xích Hy Lạp do những đại họa tiềm tàng có thể xảy ra nếu EU không còn quốc gia các vị thần. Còn Hy Lạp lại không thể tiếp tục chịu nổi những chính sách kiềm chế chi tiêu trong gần nửa thập kỷ qua hơn nữa.

Thủ tướng Alexis Tsipras đã phải "xuống nước" trước những yêu cầu của châu Âu

Cả hai bên giằng co và ai cũng có cái lý của mình, đẩy sự bất ổn kinh tế trong khu vực chung châu Âu lên đỉnh điểm. Đồng Ơ-rô sụt giảm mạnh mẽ trong khi đó Hy Lạp đứng trên bờ một cuộc vỡ nợ lần hai và có vẻ chẳng quốc gia nào ngoài khu vực EU chịu tiếp tục cho quốc gia này vay với những tai tiếng như vậy.

 “Giọt nước tràn ly”, nhất định phải có một bên xuống nước trước, và đó là Hy Lạp.

Ngày 20/2, tại cuộc họp khẩn lần thứ ba về vấn đề nợ của Hy Lạp, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) đã nhất trí gia hạn thêm 4 tháng đối với khoản cứu trợ tài chính dành cho Athens sau khi gói cứu trợ hết hạn vào cuối tháng với điều kiện các chủ nợ của Hy Lạp hài lòng với danh sách những cải cách mà chính phủ khuynh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras dự kiến phải đưa ra ngày 23/2.

Ngày 24/2, danh sách các gói cải cách được đưa ra và đến 25/2 EU đã chấp nhận.

Về thực chất, những cải cách này chỉ là cái tên hoa mỹ cho những chính sách “thắt lưng buộc bụng” tương tự như những yêu cầu mà EU áp lên Hy Lạp 5 năm trước kèm theo một số khác biệt. Việc ông Tsipras đồng ý đưa ra những cải cách trên đồng nghĩa với việc tân thủ tướng tiếp tục những chính sách kham khổ như trước.

Danh sách cải cách của Hy Lạp bao gồm các biện pháp chống trốn thuế, buôn lậu nguyên liệu, thuốc lá và cải tổ khu vực nhà nước. Văn bản này cũng bao gồm những biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, điều chỉnh nợ thuế và nợ xấu, chấm dứt việc tịch thu nhà để thế nợ. EU đặc biệt chú ý tới cam kết cải cách mạnh mẽ của Hy Lạp trong đấu tranh chống tham nhũng và trốn thuế. 

Đánh giá về những biến chuyển này, giới phân tích quốc tế nhận định châu Âu và Hy Lạp đều đã có những nhượng bộ cần thiết để làm nguội những căng thẳng không cần thiết trong lòng Lục địa Già.

Qua đợt bể dâu lần này, có lẽ Hy Lạp đã hiểu thêm về vị thế kinh tế của mình. Và để nhận được nguồn vốn trong bốn tháng tới, Hy Lạp cần thể hiện ý thức trách nhiệm mạnh mẽ của mình trong việc theo sát những chính sách  cải cách đã thỏa hiệp với châu Âu. 

Tú Anh (theo CNBC/Bloomberg)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến