Nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp, do thất bại của các chính phủ và cơ điều hành chính sách trong nỗ lực thúc đẩy những cải cách cấp thiết để bảo vệ hệ thống khỏi rủi ro, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo.
Mức nợ toàn cầu hiện cao hơn mức nợ tại thời điểm xảy ra vụ khủng hoảng tài chính thế giới gần nhất năm 2008, trong khi rủi ro hệ thống tài chính vẫn không được kiểm soát có thể gây ra “hoảng loạn” trên toàn cầu, IMF - nhà cho vay cuối cùng có trụ sở tại Washington, cho biết.
Đa số các nước đã thực hiện các biện pháp tăng cường dự trữ của ngân hàng trong 10 năm qua và đưa ra sự giám sát nghiêm ngặt hơn về lĩnh vực tài chính. Nhưng, “rủi ro có xu hướng tăng ngay cả ở những giai đoạn ổn định, chẳng hạn như giai đoạn lãi suất thấp và nới lỏng hiện tại, và những rủi ro đó luôn có thể di chuyển đến các khu vực mới”, IMF cho biết và khuyến nghị thêm, “cơ quan quản lý phải duy trì sự cảnh giác với những sự kiện đang diễn ra”.
Sự gia tăng đáng kể trong việc cho vay của các ngân hàng trong bóng tối (Shadow Banks là các trung gian tín dụng thực hiện những hoạt động nằm ngoài hệ thống ngân hàng chính thống) ở Trung Quốc; và thất bại trong việc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với các công ty bảo hiểm và quỹ quản lý tài sản, nơi xử lý các nguồn tiền lên tới hàng nghìn tỷ USD, được IMF nhấn mạnh là các vấn đề gây quan ngại.
Tăng trưởng của các ngân hàng toàn cầu như JP Morgan hay Ngân hàng Công thương Trung Quốc, với quy mô hiện giờ lớn hơn năm 2008, dẫn đến lo ngại rằng họ tiếp tục ở tình trạng “quá lớn để đổ vỡ”, điều này cũng được IMF lưu ý.
Cảnh báo từ báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu của IMF cũng nhắc lại những lo ngại của các nhà hoạch định chính sách đối với các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là từ chính quyền Mỹ của Donald Trump, đã làm suy yếu nỗ lực đối phó cuộc suy thoái tiếp theo.
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết hồi tháng trước rằng nền kinh tế thế giới đang “mộng du vào một cuộc khủng hoảng trong tương lai”, và những rủi ro không được quan tâm giải quyết hiện nay cũng giống như thể “chúng ta đang ở trong một thế giới vô lãnh đạo”.
Phát biểu trong tuần này trước cuộc họp thường niên sắp tới của quỹ - diễn ra vào tuần tới trên đảo Bali của Indonesia - người đứng đầu IMF, Christine Lagarde, cho biết bà lo ngại rằng tổng giá trị nợ toàn cầu, trong cả khu vực công và tư nhân, đã vọt lên thêm 60% chỉ trong thập kỷ kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính lần trước, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 182 nghìn tỷ USD (139 nghìn tỷ bảng Anh).
Bà cho biết diễn tiến đó khiến chính phủ các nước đang phát triển và các doanh nghiệp trên thế giới dễ bị tổn thương hơn khi lãi suất của Mỹ tăng cao, đồng thời có thể kích hoạt các nguồn tiền chảy ra và gây bất ổn cho họ. “Điều này đáng phải được đánh động,” bà nói.
Báo cáo Ôn định của IMF cũng cho biết sự phát triển của các nền tảng giao dịch kỹ thuật số và các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin, cùng với các công ty công nghệ tài chính, đang rất mạnh mẽ.
“Dù rằng công nghệ này có nhiều lợi ích, rủi ro an ninh mạng gia tăng có thể gây ra thách thức cho các tổ chức tài chính, cơ sở hạ tầng tài chính và hoạt động sát viên.” báo cáo đề cập. “Các nhà quản lý và giám sát phải thận trọng với diễn tiến này và sẵn sàng hành động nếu cần.”
Trong một phân tích, như một phần của báo cáo triển vọng kinh tế hàng năm của IMF, cơ quan này cũng cảnh báo rằng “những thách thức lớn đang hiện dần đối với kinh tế toàn cầu để ngăn chặn một cuộc đại khủng hoảng thứ hai”.
Cũng theo báo cáo, sự gia tăng vay nợ của các doanh nghiệp và chính phủ với lãi suất rẻ đã không thể hiện ở con số đầu tư lớn hơn vào nghiên cứu phát triển, hay đầu tư hạ tầng.
Xu hướng này diễn ra kể từ sự sụp đổ của Lehman Brothers, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã hạn chế tiềm năng tăng trưởng của tất cả các quốc gia, không chỉ những nước chịu nhiều thiệt hại nhất sau khủng hoảng. Nó cũng đã khiến nền kinh tế toàn cầu ở tình trạng yếu hơn, đặc biệt là khi đi vào một giai đoạn rủi ro suy thoái xảy ra.
IMF cho biết: Chuỗi dư chấn và phản ứng chính sách theo sau sự phá sản của Lehman Brothers đã dẫn đến một nền kinh tế thế giới trong đó tỷ lệ nợ/GDP của chính phủ trung bình là 52%, tăng từ 36% trước khủng hoảng; các bảng cân đối ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến, ghi nhận nhiều con số vượt trội so với trước; các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển chiếm 60% GDP toàn cầu tính theo ngang giá sức mua, so với 44% trong thập kỷ trước khủng hoảng - phản ánh một phần sự phục hồi yếu ở các nền kinh tế tiên tiến.
Giống như nhiều tổ chức, IMF đã cảnh báo rằng mức độ bất bình đẳng gia tăng có tác động tiêu cực đến đầu tư và năng suất, khi các nhóm giàu hơn tích tụ tài sản nhiều hơn là tái đầu tư vào sản xuất của nền kinh tế. Mà khi không có sự gia tăng đầu tư thì các nền kinh tế vẫn còn dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng tài chính.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy