Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (World Economic Outlook – WEO) với tiêu đề “tăng trưởng chậm lại, phục hồi bấp bênh” vừa được công bố hôm 9/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế tiên tiến lớn đều rất ảm đạm và nhiều dấu hiệu cho thấy các mức thuế quan cao hơn đang đè nặng lên thương mại toàn cầu.
Kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,3%
Nếu như một năm trước, hoạt động kinh tế đang tăng tốc ở hầu hết các khu vực trên thế giới và nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2018 và 2019. Tuy nhiên một năm sau đã nhiều thay đổi: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; bất ổn kinh tế vĩ mô ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ; các điều kiện tài chính trên toàn cầu cũng được siết chặt lại bên cạnh việc bình thường hóa chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến đã góp phần làm mở rộng đáng kể đà suy yếu trên toàn cầu, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2018.
Dự kiến sự suy yếu này sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2019, IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,3% trong năm nay từ mức 3,5% được đưa ra hồi tháng 1, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 3,6% của năm 2018. Đây là lần thứ 3 liên tiếp IMF cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong vòng 6 tháng qua và mức dự kiến hiện tại là tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009, khi nền kinh tế thế giới suy giảm.
Tăng trưởng kinh tế bán niên (Nguồn: Dự báo của nhân viên IMF)
Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển đã bị hạ xuống mức 1,8% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1; và tiếp tục giảm xuống còn 1,7% trong năm tới. Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều bị hạ dự báo tăng trưởng.
Cụ thể, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống còn 2,3% trong năm nay, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo của IMF hồi tháng 1/2019. Sự cắt giảm này xuất phát từ việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần trong một khoảng thời gian dài kỷ lục vừa qua, cũng như chi tiêu công thấp hơn dự kiến. Tuy nhiên, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm tới lên 1,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với hồi tháng 1, nguyên nhân một phần cũng bởi sự thay đổi quan điểm của Fed trên sự thay đổi của Fed về chính sách lãi suất.
IMF cũng đã cắt giảm triển vọng của khu vực đồng euro xuống còn 1,3% trong năm nay, giảm 0,3 điểm so với cách đây 3 tháng. Tăng trưởng dự kiến sẽ yếu hơn ở một số nền kinh tế lớn của châu Âu. Với Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực, nhu cầu toàn cầu yếu và việc siết chặt hơn đối với tiêu chuẩn khí thải ôtô đã ảnh hưởng đến sản xuất của nhà máy. Trong khi nhu cầu trong nước yếu và chênh lệch lợi suất nợ có chủ quyền cao đã làm giảm triển vọng của Ý. Còn với Pháp, các cuộc biểu tình lan rộng đang đè nặng lên tăng trưởng.
Tuy nhiên, IMF đã tăng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc 0,1 điểm lên 6,3% trong năm nay, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng tại Nhật Bản xuống 0,1 điểm xuống 1%. Quỹ này đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay xuống còn 7,3% từ mức 7,5% trong tháng 1.
Phục hồi bấp bênh
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, trước khi ổn định ở mức 3,6% so với năm sau. Một loạt các diễn biến tích cực đã thúc đẩy sự lạc quan về nền kinh tế thế giới trong những tuần gần đây, bao gồm cả quyết định dừng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những dữ liệu tích cực từ khu vực sản xuất của Trung Quốc và thị trường lao động Mỹ.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng các rủi ro nghiêng về phía suy giảm, với một loạt các mối đe dọa đe dọa nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả sự thất bại trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nguy cơ Anh có thể phải rời EU mà không có thỏa thuận…
Tổng giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde đã cảnh báo rằng, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với “thời khắc mong manh”, khi các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương chuẩn bị tập trung tại thủ đô Washington của Mỹ vào tuần này tại Hội nghị thường niên mùa xuân của IMF/WB.
“Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng toàn cầu đang suy yếu và không gian chính sách để chống lại suy thoái bị hạn chế, việc tránh những sai lầm chính sách có thể gây tổn hại cho hoạt động kinh tế cần phải được xem là ưu tiên hàng đầu”, IMF khuyến nghị.
Trong khi những tiến bộ gần đây trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tăng kỳ vọng về một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nhà phân tích vẫn lo lắng về sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu, một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên bà Lagarde cho biết tuần trước, IMF không dự đoán suy thoái kinh tế trong thời gian tới.
Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã bị cắt giảm xuống còn 4,4% trong năm nay và 4,8% trong năm tới, đều thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1. Tuy nhiên tăng trưởng của ASEAN-5 (trong đó có Việt Nam) vẫn được giữ nguyên ở mức 5,1% trong năm nay và 5,2% cho năm 2020.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy