Logo của Quỹ tiền tệ quốc tế tại trụ sở ở Washington DC., Mỹ ngày 27/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng các nước trên thế giới cần cung cấp 15 tỷ USD dưới hình thức viện trợ trong năm nay và 10 tỷ USD năm sau đó nhằm duy trì "bộ công cụ" để ứng phó với dịch COVID-19 và giải quyết những rủi ro lâu dài của đại dịch.
Trong báo cáo có tên "Chiến dịch toàn cầu để xử lý các rủi ro dài hạn của COVID-19" do IMF phối hợp với Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) cùng với Global Fund và tổ chức từ thiện Wellcome Trust soạn thảo, thể chế tài chính này cho rằng một cách tiếp cận toàn diện hơn là cần thiết nhằm tăng cường các hệ thống y tế toàn cầu và hạn chế thiệt hại lên tới 13.800 tỷ USD mà COVID-19 đã gây ra.
4 tổ chức toàn cầu trên nhấn mạnh việc chấm dứt đại dịch vẫn là vấn đề cấp bách về kinh tế, y tế và ưu tiên đạo đức đối với thế giới. Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath cho rằng do nhiều kịch bản khác nhau từ nhẹ đến nghiêm trọng của dịch COVID-19 có thể xảy ra và nguồn lực tài chính eo hẹp của một số nước, các quốc gia trên thế giới cần một chiến lược mới.
Theo bà Gopinath, tình trạng gián đoạn chung và cuộc xung đột tại Ukraine sẽ gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, do vậy thiệt hại do COVID-19 sẽ còn tăng nữa. Bà Gopinath nêu rõ đại dịch vẫn chưa kết thúc và tình trạng chuỗi cung ứng gián đoạn vẫn tiếp diễn cùng các chi phí khác sẽ vẫn tăng.
Trong khi đó, các nước vẫn cần vaccine, bộ kit xét nghiệm, liệu pháp điều trị và cơ sở hạ tầng y tế được cải thiện để ứng phó với đại dịch và một số bệnh nghiêm trọng khác.
Trong khi đó, ông Jeremy Farrar, Giám đốc tổ chức từ thiện Wellcome Trust, nhấn mạnh 2 năm qua đã cho thấy những tiến bộ vượt bậc là khả thi khi cả thế giới đoàn kết, hỗ trợ khoa học lẫn nhau.
Ông nhấn mạnh đây không phải là thời điểm để dừng lại bởi dịch COVID-19 có thể diễn biến theo bất kỳ chiều hướng nào với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.
Giám đốc điều hành của CEPI Richard Hatchett khẳng định tầm quan trọng của vaccine trong việc phòng chống dịch bệnh trong tương lai, song điều này cần có sự đầu tư vào hoạt động giám sát toàn cầu, nghiên cứu, phát triển, sản xuất và hệ thống y tế./.
Tác giả: Thanh Hương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy