Dòng sự kiện:
Indovina và ‘bức tranh’ 2016 tối màu
06/09/2016 06:26:02
ANTT.VN – Kết thúc năm 2015, nợ xấu của Indovina tăng vọt, báo hiệu năm 2016 không mấy khả quan đối với liên doanh Việt – Đài.

Tin liên quan

Nguy cơ nợ xấu ăn mòn lợi nhuận

IVB được thành lập năm 1992 với 2 cổ đông chia đều tỉ lệ sở hữu là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Cathay United, thuộc Tập đoàn Cathay Financial Holdings của Đài Loan.

Sau 24 năm thành lập, IVB vẫn là cái tên không mấy nổi bật trong hệ thống NHTM ở Việt Nam. Tổng tài sản tính tới ngày 31/12/2015 là 1,24 tỷ USD (27,2 nghìn tỷ đồng).

Thời điểm cuối năm 2015, nợ xấu (các nhóm 3,4,5) của IVB ở mức 26,3 triệu USD (577 tỷ đồng), tương đương tỉ lệ 4% tổng dư nợ, tăng mạnh so với 1,2% năm 2014, trong đó đáng chú ý nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng hơn gấp 3 lần lên 15,9 triệu USD. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 15 lần lên 10,24 triệu USD.

Nợ xấu của IVB tăng mạnh cả về giá trị tương đối và tuyệt đối trong năm 2015. Nguồn: BCTC kiểm toán 2015 IVB

Chiếm phần lớn nợ nhóm 4 của IVB là khoản cho vay 10 triệu USD đối với Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF), đơn vị vận hành Nhà máy Ethanol tại huyện Bù Đăng, Bình Phước.

Xếp vào nợ nhóm 4 đồng nghĩa với việc IVB sẽ phải trích lập dự phòng 50% khoản vay trên, tương đương 5 triệu USD – chiếm 1/3 dự phòng cho vay khách hàng của IVB trong năm 2015 (14,9 triệu USD), khiến lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng suy giảm mạnh, chỉ đạt gần 7 triệu USD trong năm ngoái, bằng non nửa năm 2014 (15,2 triệu USD) và là mức thấp nhất kể từ năm 2006 (7,1 triệu USD).

Được biết, trong năm 2015, IVB cùng một số chủ nợ khác của OBF đã có công văn trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét việc phân loại nợ của OBF vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn. Tuy nhiên đến thời điểm cuối tháng 3/2016, NHNN vẫn chưa có văn bản phản hồi.

Xét trong bối cảnh Cơ quan quản lý đang muốn siết chặt thị trường tín dụng, rất khó để NHNN tạo ra một ngoại lệ cho IVB, nhất là khi phương án kinh doanh khả thi để tạo nguồn tiền trả nợ trong thời gian tới của OBF gần như là không thể.

Điều này có nghĩa rằng khoản nợ trên sẽ ‘nhảy’ xuống nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn, bắt buộc IVB phải trích lập 100% giá trị còn lại của khoản vay, tương đương 5 triệu USD.

Diễn biến một số chỉ tiêu của IVB giai đoạn 2005-2015

Mà đây chỉ là một trong nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của IVB trong năm nay.

Tỉ lệ nợ xấu vọt lên mức 4% thời điểm cuối năm 2015 bắt buộc IVB phải bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), nếu không muốn rơi vào diện bị thanh tra, giám sát bởi NHNN.

Phương án thứ nhất thường được lựa chọn, bởi chẳng ngân hàng nào dại gì để cơ quan quản lý tham gia quá sâu công việc kinh doanh của họ.

Trong trường hợp này, giả sử IVB sẽ bán được hết toàn bộ nợ xấu cho VAMC (Các ngân hàng thường không thể bán được hết nợ xấu cho VAMC bởi công ty này chỉ mua với giá thị trường, tức là thấp hơn giá gốc của khoản nợ), đồng nghĩa với việc phải trích lập dự phòng tối thiểu 20% mỗi năm, tương đương khoảng 5,3 triệu USD (115 tỷ đồng).

Trích lập bao nhiêu thì lợi nhuận sụt giảm bấy nhiêu. Tuy vậy dù sao cách này cũng ‘dễ thở’ hơn là tự xử lý, khi mà chỉ mỗi khoản vay đối với OBF đã có thể khiến lợi nhuận của IVB ‘bốc hơi’ tới 5 triệu USD trong năm nay.

Thực ra việc để nợ xấu tăng cao rồi phải trích lập dự phòng hay bán nợ cho VAMC là bất đắc dĩ, ít nhất là trên giấy tờ. Vì vậy nên tình trạng giấu nợ xấu, báo lãi ảo của các tổ chức tín dụng trong nước hiện nay không phải hiếm.

Có đang giấu nợ xấu?

Sau giai đoạn phát triển tín dụng nóng 2005-2011, một xu hướng đáng chú ý là tỉ lệ cho vay/ huy động (LDR) của IVB giảm mạnh trong 3 năm qua, từ 92% cuối năm 2013 xuống còn 74% cuối năm 2015.

Trong khi tỉ lệ cho vay suy giảm, thì tỉ trọng chứng khoán đầu tư trên tổng tài sản lại diễn biến ngược chiều, tăng mạnh từ 5% lên 15% trong cùng khoảng thời gian trên.

Mặc dù đổ không ít tiền vào lĩnh vực chứng khoán, tuy nhiên hiệu quả mang tới lại là dấu hỏi lớn đối với IVB, khi tỉ suất lợi nhuận của chứng khoán đầu tư trên tổng tài sản trong 3 năm qua lần lượt ở mức -0,8%,0% và 0,1%, thua xa tỉ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) 1,2%; 1,3% và 0,6%.

Chứng khoán đầu tư bao gồm chứng khoán vốn và chứng khoán nợ. Chứng khoán vốn là cổ phiếu, trong khi chứng khoán nợ là các loại giấy tờ có giá khác như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Bản chất của chứng khoán đầu tư, nhất là trái phiếu, gần như là một dạng cho vay khách hàng.

Do vậy tỉ suất lợi nhuận rất thấp trong lĩnh vực chứng khoán đầu tư của IVB đặt ra câu hỏi liệu nhà băng này có đang giấu nợ xấu ở đây hay không; bởi ngoại trừ việc ghi giảm doanh thu để trốn, lách thuế, thì trong bất cứ trường hợp nào, các ông chủ đều muốn tối đa hóa hiệu quả đồng vốn của mình. Đối với IVB, không tính năm 2015 tương đối thấp, ROA của ngân hàng này giai đoạn trước đó khá tốt, chủ yếu nhờ lĩnh vực kinh doanh chính và cũng là truyền thống: ăn chênh lệch lãi tiền gửi – cho vay.

Trong một diễn biến tương tự, lãi dự thu của IVB cũng tăng liên tục trong 3 năm qua, từ 8,4 triệu USD năm 2013 lên 9,6 triệu USD năm 2015. Lãi dự thu là khoản lãi chưa thu được đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu. Mà nợ gốc còn chưa thu nổi thì làm sao thu được lãi. Ảnh hưởng của lãi dự thu đối với lợi nhuận còn được thể hiện qua việc trong khi IVB không thu được cả nợ và lãi đối với các khoản nợ xấu, tuy nhiên vẫn phải bỏ tiền ra trả lãi cho các khoản huy động trong quá khứ.

Đây được coi là những loại tài sản không sinh lời, hay còn gọi là tài sản ‘chết’ của ngân hàng. Tỉ lệ tài sản ‘chết’ càng lớn, thì tỉ suất lợi nhuận càng giảm, ngân hàng càng phải duy trì lãi suất tín dụng cao để bù đắp, đồng thời ‘vơ bèo vạt tép’, chấp nhận những khách hàng có chất lượng không tốt (khách hàng khỏe mạnh đã chảy sang các NHTM lớn và uy tín).

Những ngân hàng nhỏ, có vốn điều lệ thấp thường rơi vào vòng luẩn quẩn này, để rồi đứng trước nguy cơ tụt dần và biến mất hoặc bị ‘thâu tóm’ như nhiều tổ chức tín dụng yếu kém vừa qua.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến