Dòng sự kiện:
IPC vướng hàng loạt sai phạm nghiêm trọng gì?
03/11/2018 09:35:49
Vừa qua, Thanh tra TP HCM đã ban hành Kết luận Thanh tra (KLTT), chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC)

Thiếu trách nhiệm trong quản lý gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Ngày 6/4/2018, Thanh tra TP HCM đã ra Quyết định số 68/QĐ-TTTP-P6 về việc thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh (thời kỳ 2016 – 2017) tại Công ty IPC- Doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP HCM sở hữu 100% vốn điều lệ.

Sau hơn 6 tháng, Thanh tra TP HCM đã ban hành KLTT số 33/LK-TTTP-P6 ngày 18/10/2018 (KLTT số 33) chỉ ra hàng loạt sai phạm trong kinh doanh, quản lý của Công ty IPC.

Cụ thể, theo kết luận trên cho biết, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty IPC, về tổng thể có lợi nhuận hàng năm nộp Ngân sách Nhà nước, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng đi xuống thể hiện ở việc doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch năm sau thấp hơn năm trước và không đạt so với kế hoạch.

Kết luận thanh tra số 33 về việc hoạt động kinh doanh của Công ty IPC.

Trong đó, nguồn thu chủ yếu là từ lợi tức tại các công ty con, công ty liên kết chiếm tỷ trọng lớn (năm 2016 là 79,95%, năm 2017 là 72,1 %), nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp tại công ty chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nguồn thu (năm 2016 là 11,24%, năm 2017 là 7,43%).

“Như vậy, với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp tại công ty chưa thể hiện hiệu quả, công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, quản lý vốn, tài sản không hiệu quả, không tương xứng với bộ máy nhân sự của công ty. Cần phải khắc phục kịp thời để đảm bảo nguồn vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển”, KLTT số 33 nêu rõ.

Về công tác quản lý tài chính, tài sản, chế độ kế toán, KLTT cũng chỉ ra Công ty IPC để xảy ra thiếu sót, sai phạm như chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng bến phao từ 2003 đến 2013 là hơn 1,56 tỷ đồng, chưa thực hiện chuyển cho Công đoàn cấp trên kinh phí công đoàn số tiền hơn 1,41 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty IPC hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách, nhằm tạo quan hệ tín dụng với ngân hàng là không phù hợp, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỷ đồng.

Cũng theo KLTT số 33, IPC còn thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, thực hiện các hợp đồng kinh tế không chặt chẽ, thanh toán tiền vượt giá trị quyết toán để đối tác chiếm dụng vốn mà không thực hiện hợp đồng với số tiền bị chiếm dụng lớn. Trong đó, 2 khoản nợ công bị chiếm tỷ lệ lớn của Công ty CP ĐT XD số 8 và Công ty TNHH Tư vấn XD Sino Pacific tổng số hơn 47 tỷ đồng.

Thực hiện không đúng chỉ đạo của UBND TP trong việc giao cho IPC khu đất tại khu A Phú Mỹ Hưng để đầu tư xây dựng làm trụ sở làm việc của IPC nhưng đơn vị này lại đi cho thuê lại với tổng doanh thu từ năm 2010 đến 2017 hơn 295,9 tỷ đồng.

Trong hai năm 2016 và 2017, Công ty IPC có nhiều sai phạm trong việc quản lý, chỉ định nhà đầu tư không đúng theo quy định liên quan tới Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Công ty Sadeco) và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước); t đó đã khiến IPC mất quyền kiểm soát Sadeco và Hiệp Phước, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

“Các sai phạm nêu trên có dấu hiệu nhóm lợi ích, gây bất lợi và có khả năng thiệt hại cho vốn Nhà nước do Công ty IPC làm đại diện chủ sở hữu, có dấu hiệu vi phạm điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 qui định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp. Cần được làm rõ để có cơ sở kết luận những thiệt hại”, KLTT số 33 nêu.

Đi công tác nước ngoài như… đi chợ

Theo KLTT số 33, trong 2 năm 2016 và 2017, Công ty IPC đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài, với tổng số tiền chi trả hơn 1,3 tỷ đồng.

Cụ thể, tại chuyến đi công tác tại Bỉ, Hà Lan và Hoa Kỳ năm 2016 kéo dài 11 ngày với mục đích để nghiên cứu chuẩn bị đầu tư Khu công nghiệp Hiệp Phước. Chuyến đi gồm có ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc và ông Phạm Xuân Trung, ông Trần Đăng Linh, bà Hồ Thị Thanh Phúc. Kinh phí chi từ nguồn ngân sách chuẩn bị đầu tư Khu đô thị – công nghiệp – cảng Hiệp Phước.

Ngày 22/11/2016, Công ty IPC và Công ty CP Du lịch Bến Thành ký thanh lý hợp đồng là  hơn 1,14 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty IPC.

Theo Thanh tra TP HCM, trong chuyến công tác này, ông Dũng, ông Linh và bà Phúc đi công tác nước ngoài vượt quá 5 ngày so với quyết định của UBND TP HCM, ông Trung vượt 7 ngày.

Ngoài ra, các công nhân viên Công ty IPC còn sai phạm trong các chuyến đi Nhật Bản, Hồng Kông, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Pháp.

Đặc biệt là chuyến đi Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp 10 ngày có ông Tề Trí Dũng, ông Trần Đăng Linh. Ngoài ra còn 6 thành viên khác trong chuyến đi nhưng không có quyết định đi công tác nước ngoài là ông Phạm Xuân Trung, ông Nguyễn Trường Bảo Khánh, ông Vũ Xuân Đức, bà Bùi Hải Hà, bà Trương Thị Hương Giang và ông Dương Minh Nhựt.

Theo KLTT số 33 thể hiện, ngày 01/11/2017, Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn và Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành ký hợp đồng về tổ chức tour du lịch nước ngoài, số lượng 11 khách với giá trị hợp đồng là hơn 2,7 tỷ đồng (tức 246 triệu đồng/khách).

Số ngày đi nước ngoài của người quản lý Công ty IPC trong hai năm 2016 và 2017 rất nhiều, chiếm tỉ lệ lớn trong số ngày làm việc của năm, làm ảnh hưởng đến việc quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, các cán bộ chủ chốt có số ngày đi nhiều nhất như ông Tề Trí Dũng đi 106 ngày, ông Phạm Xuân Trung đi 89 ngày, ông Vũ Xuân Đức đi 84 ngày, ông Trần Đăng Linh đi 83 ngày, ông Nguyễn Trường Bảo Khánh đi 59 ngày...

Hơn nữa, ngoài việc đi công tác, những người được cử đi còn kéo dài thời gian không báo cáo và không có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

“Đến nay vẫn chưa thể hiện được kết quả đạt được cho hoạt động của công ty từ các chuyến đi công tác nước ngoài, gây lãng phí tiền của Nhà nước tại Công ty IPC và các đơn vị thành viên có vốn góp của Nhà nước. Cần được cấp ủy đảng có thẩm quyền kiểm tra, kết luận làm rõ dấu hiệu vi phạm và xử lý theo quy định”, KLTT số 33 thể hiện.

Sáng 29/10, UBND TP HCM xác nhận đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty IPC do liên quan đến các sai phạm tại IPC mà công an đang điều tra.

Theo Tuổi trẻ thủ đô

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến