IPO Seaprodex: Doanh nghiệp nuôi tôm trông chờ vào ... đất
21/10/2014 09:33:47
ANTT.VN - Nằm trong lộ trình tái cơ cấu ngành thủy sản mà bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã để ra từ năm 2013, tới đây, Công ty mẹ của Tổng công ty thủy sản Việt Nam tiến tới cổ phần hóa, thay đổi cơ cấu vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước xuống 51%.

Tin liên quan

 
Nhìn vào tình hình kinh doanh thời gian qua của ngành thủy sản nói chung và Tổng công ty thủy sản Việt Nam nói riêng vẫn có những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trước khi thực hiện đợt IPO lớn thời gian tới.

Sau khi cổ phần hóa, Seaprodex sẽ có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, trong đó, nhà nước sẽ nắm giữ 51% cổ phần, bán ưu đãi 423.600 cổ phần cho người lao động (0,34% cổ phần) và bán đấu giá công khai 60,82 triệu cổ phần (48,66% cổ phần).

Giá trị thực tế của vốn nhà nước trước cổ phần hóa là 1.368 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ dự kiến chỉ có 1.250 tỷ đồng nên hình thức cổ phần hóa là chào bán một phần vốn nhà nước.

Theo báo cáo tài chính năm 2013 của Seaprodex, doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ là 3.458 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ, riêng thủy sản đóng góp 55 - 60%; tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu trang thiết bị; cuối cùng là lĩnh vực đóng tàu.

Năm qua, các doanh nghiệp đóng tàu gặp khó khăn trong việc huy động vốn, hàng tồn kho nhiều gây thua lỗ nhưng theo ban giám đốc của Seaprodex, lĩnh vực này đem lại lợi nhuận ít nhưng về lâu dài, nó là phục vụ định hướng phát triển xây dựng đội tàu nghìn chiếc của Chính phủ, tạo mối quan hệ gần gũi với ngu dân qua dịch vụ hậu cần nghề cá.

Như nhiều DNNN khi thực hiện IPO, quỹ đất lớn tại những vị trí đắc địa luôn là tài sản giá trị của DN và Seaprodex cũng không ngoại lệ. Tổng công ty đang sở hữu hàng chục lô đất với tổng diện tích lên đến 24.619 m2 trải dài từ Bắc vào Nam, nhưng quỹ đất vàng này hiện tại vẫn đắp chiếu nằm không do “Seaprodex vẫn là Tổng công ty Nhà nước không được đầu tư ngoài ngành nên các bất động sản mới chỉ được khai thác trên cơ sở vật chất hiện có”.

Một số dự án bất động sản chính của Seaprodex có thể kể đến như dự án số 2-4-6 Đồng Khởi, TPHCM với 3 mặt tiền có diện tích gần 1.900 m2; dự án 211 Nguyễn Thái Học, TPHCM có diện tích 243 m2; dự án số 2 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội có diện tích 6.000 m2

Trong hội nghị Gateway to Vietnam 2014 mới được tổ chức ngày 11/9 vừa rồi, Trần Tấn Tâm, Tổng giám đốc Seaprodex khi trao đổi với các nhà đầu tư đã cho rằng, dự án Đồng Khởi đã có đối tác sẵn sàng đầu tư 1.360 tỷ đồng để xây cao ốc phức hợp. Seaprodex không bỏ tiền mà góp bằng tiền sử dụng đất và tài sản hiện hữu trên đất. Sau khi hoàn thành, Công ty sẽ được đối tác trả 3.00 m2 hầm để xe và 4.000 m2 sàn văn phòng loại A. Dự kiến sẽ xây 21 tầng với 3 tầng hầm, 4 tầng trung tâm thương mại, từ tầng 5-7 là văn phòng cho thuê và từ tầng 8-21 là khách sạn 5 sao. Đây là lô đất sạch cuối cùng ở khu trung tâm TPHCM chưa xây cao ốc, có vị trí đắc địa 3 mặt tiền. Dự án phải đợi sau cổ phần hóa mới có thể triển khai được .

Bên cạnh đó, các lô đất khác cũng đã có những kế hoạch cụ thể, tìm kiếm nhà đầu tư với số vốn từ vài trăm tỷ đồng, nhưng tất cả đều phải chờ đợi đợt IPO sắp tới.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về khả năng triển khai các dự án bất động sản, ông chia sẻ: “Với các công trình đầu tư, Tổng công ty hoàn toàn đủ khả năng, khi nào có nhu cầu mới vay. Nhiều nhất cũng chỉ là 1/5 tổng vốn đầu tư do các dự án đều liên kết hợp tác.Với hơn 400 tỷ tiền mặt hiện nay, chúng tôi đủ sức để triển khai dự án do việc thực hiện, triển khai theo từng giai đoạn”. Thế nhưng, liệu lộ trình tái cơ cấu có thực hiện thuận lợi, liệu có cục đá nào ngáng đường Seaprodex tiến tới thực hiện những dự định tầm cỡ trên?

Kinh doanh thủy sản ngày càng gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu gặp nhiều rủi ro, quản lý chất lượng sản phẩm của Việt Nam chưa đủ. Áp thuế chông bán phá giá là chiêu bài quen thuộc của Mỹ đối với những mặt hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường có sức tiêu thụ lớn này. Mới đây, hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết Bộ thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam cho đợt 1/2/2012- 31/1/2013 (POR8).

Theo đó, các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%. Trong đó, Tập đoàn thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75%, các công ty, tập đoàn con của Seaprodex chịu mức thuế 6,37%.

Tôm xuất khẩu Việt Nam bị áp thuế bán phá giá cao nhất

Vụ nguyên chủ tịch HĐQT Seaprodex VN bị bắt tạm giam hồi giữa năm 2013 do đầu tư trái ngành nghề, tham gia các dự án “nắm đằng lưỡi” làm thất thoát vốn nhà nước hàng chục tỉ đồng còn chưa hết tranh cãi. Hay những bài học cổ phần hóa của Seaprodex Đà Nẵng, Sài Gòn sẽ là những vết xe đổ mà công ty mẹ cần tránh gặp phải.

Hoa Liên
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến