Dòng sự kiện:
Iran không đàm phán lại thoả thuận hạt nhân vì Mỹ
12/12/2018 17:39:20
Iran tuyên bố nước này sẽ không ngồi đàm phán chỉ vì sức ép do Mỹ gây ra, nhấn mạnh Tehran nhất quyết không nhượng bộ những đòi hỏi của Washington.

"Những suy nghĩ cho rằng Iran sẽ đồng ý đàm phán với Mỹ dưới sức ép hiện hữu của Mỹ là ảo tưởng. Trong lịch sử, chưa từng có tiền lệ Iran nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ, ngay cả khi đối mặt với sức ép kinh tế nặng nề", Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohammad Ali Jafari ngày 11/12 tuyên bố, theo TASS.

Một hệ thống tên lửa của Iran. Ảnh: ITN

Hồi tháng 10, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng từng khẳng định Iran sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về những vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân và vũ khí cho tới khi Tehran cảm thấy hợp lý.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Iran đang đối diện với áp lực gia tăng từ Mỹ, với việc Washington một mặt rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, mặt khác tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm “buộc Tehran dừng mọi hoạt động khai thác dầu mỏ”.

Chính phủ Mỹ gần đây tuyên bố họ sẽ đồng thời dùng nhiều biện pháp truyền thông để gây sức ép buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân cũng như ngừng ủng hộ các nhóm vũ trang Hồi giáo như Hezbollah ở Trung Đông.

Iran trong khi đó dọa Mỹ nên thận trọng với các chính sách chống lại Iran bởi trong trường hợp xung đột quân sự với Iran nổ ra, đây sẽ là "mẹ của các loại chiến tranh". "Đừng đùa với đuôi sư tử, điều đó chỉ dẫn đến sự hối hận”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố hồi tháng 7/2018.

Ngày 1/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho rằng Iran "vừa mới tiến hành thử một tên lửa đạn đạo tầm trung" và điều này vi phạm Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Iran cho rằng việc nước này thử tên lửa không hề vi phạm nghị quyết trên và thề sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thử nghiệm.

Theo Công an nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến