KCN bỏ hoang: Chủ tịch xã 'tuyên chiến' đòi nợ doanh nghiệp
06/04/2015 09:49:02
ANTT.VN - “Đấy, hội trường xây từ năm ngoái đến giờ, chuẩn bị Đại hội Đảng rồi, mà đã có tiền trả đâu! Vừa rồi, xã phải làm văn bản cam kết với nhà thầu thi công, nghĩa là các ông cứ làm đi rồi chúng tôi sẽ có trách nhiệm bằng mọi giá đòi nợ chỗ khu công nghiệp để trả. Thế rồi họ mới đồng ý làm trở lại ” – Chủ tịch UBND xã Cẩm Điền, Lê Huy Kiên, ngao ngán nhìn công trình Hội trường vẫn đang còn ngổn ngang gạch ngói, mở đầu câu chuyện với phóng viên.

Tin liên quan

 

Không chỉ người dân gánh nhiều hệ lụy, KCN Cẩm Điền – Lương Điền để hoang hóa suốt 7 năm trời còn đẩy lãnh đạo xã Cẩm Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền đã 7 năm bỏ hoang trơ trọi

Những lời hứa hão

Như đã đề cập đến từ những kỳ báo trước, Dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền do Công ty TNHH Phúc Hưng làm chủ đầu tư và đã tiến hành việc thu hồi đất từ năm 2008, nhưng từ đó đến nay trên khu đất rộng hàng trăm hecta này chưa có một công trình nào mọc lên, 7 năm qua đất đã bị bỏ hoang trơ trọi.

Khi được hỏi về dự án KCN này, Chủ tịch xã Cẩm Điền, ông Lê Huy Kiên chỉ tay lên trời: “ Việc đó phải hỏi tỉnh vì cái đó thuộc thẩm quyền của tỉnh, chúng tôi đã chuyển đổi xong rồi, hồ sơ xong rồi, bàn giao cho công ty rồi, bây giờ thực hiện hay không là do tỉnh”.

Tuy nhiên, vẫn có những cái mà chủ đầu tư không thông qua tỉnh, mà làm việc trực tiếp với xã khi hứa hẹn sẽ làm các công trình công ích. Vị Chủ tịch xã này cũng tiết lộ lời hứa “bánh vẽ” của chủ đầu tư KCN Cẩm Điền – Lương Điền là Công ty TNHH Phúc Hưng rằng sẽ tài trợ cho UBND xã Cẩm Điền để xây dựng hội trường xã với kinh phí lên đến 1 tỷ đồng. Thấy chủ đầu tư "to" và làm cả dự án hàng trăm ha, nghe hứa hẹn nên ban lãnh đạo xã đã rốt ráo vào cuộc, thuê thiết kế, thợ xây để đốc thúc làm nền móng cho khu hội trường được "tài trợ" kinh phí bởi doanh nghiệp đến từ nước ngoài. Tuy nhiên, đến năm 2014, công trình Hội trường xã Cẩm Điền chính thức phải dừng lại vì ... hết tiền. “Vì Đại hội Đảng Bộ đang đến gần nên vừa rồi tôi phải ký cam kết với nhà thầu thi công cứ làm cho chúng tôi, rồi chúng tôi trả tiền, KCN nợ tiền đất công điền của xã (gần 1 tỷ đồng - PV) với cả hứa tài trợ cho xã 1 tỷ nhưng đến giờ cả tiền nợ lẫn tiền hứa tài trợ đã có gì đâu, chẳng qua là thủ đoạn kinh doanh, đầu tiên họ đánh lừa, nói dối để bàn giao đất cho họ” – ông Kiên chua chát nói.

Ông Kiên cũng không khỏi bức xúc vì từ năm 2008 đến nay, dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền đã 7 năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai công trình nào cả, “Từ bấy đến giờ Phúc Hưng chả triển khai gì cả, vừa rồi chuyển giao cho VSIP rồi, bây giờ muốn khởi công chúng tôi phải đòi nợ một là tiền đất công điền của xã, hai là tiền hỗ trợ, làm hết nghĩa vụ đền bù cho địa phương rồi tôi mới ký, chưa làm xong nghĩa vụ với địa phương tôi không ký”.

Ông Lê Huy Kiên - Chủ tịch xã Cẩm Điền trao đổi với PV ANTT.VN

Việc thu hồi đất khiến cho cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trong xã Cẩm Điền lao đao vì phải “ăn đong” gạo từng ngày". Khi phóng viên thắc mắc không biết sau khi thu hồi đất nông nghiệp của nông dân ở đây thì họ có được hỗ trợ trong việc chuyển đổi công việc? Chủ tịch xã Cẩm Điền cho biết bà con ở đây tự lập hết chứ không được chủ dự án và các doanh nghiệp trong KCN hỗ trợ gì, “nhân dân ở đây tự lập hết, tự phải lo cho bản thân, trước và sau khi chuyển đổi bà con cũng tự tính toán tìm kiếm công ăn việc làm, lao động để nâng cao đời sống kinh tế, việc chuyển đất nông nghiệp thành KCN là thực hiện theo chính sách của Đảng và Nhà nước, xã Cẩm Điền rải thảm đón các doanh nghiệp về để xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…” – ông Kiên nói.

Người dân xã Cẩm Điền trước đây có thể “tự cung, tự cấp” về lương thực, nay phải “chạy đói” từng ngày vì không còn đất để làm ăn, cũng may cho người dân nơi đây vẫn còn nghề phụ là “đi Tây” ( xuất khẩu lao động – PV), nhưng đó là đối với những gia đình có nhân lực còn với trường hợp như gia đình ông bà Sen – Triệu chỉ có hai “thân già”, người con trai bị bệnh về thần kinh ( như đã đề cập trong bài trước) thì nguồn sống duy nhất của họ là dựa vào những đồng lương ít ỏi của cô con dâu đang làm trong KCN Phúc Điền.

Đền bù đất và những câu chuyện dở khóc dở cười của ông Chủ tịch xã

Người dân xã Cẩm Điền không phải ai cũng đồng tình với phương án đền bù với mức giá 23,4 triệu đồng/sào mà tỉnh Hải Dương đưa ra đối với dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền. Theo người mất đất, ban đầu mức đền bù chỉ có 16,2 triệu đồng/sào, và được phổ biến chủ trương chính sách chỉ có thế nên "không hơn, không kém một xu". Tuy nhiên, sau một thời gian đấu tranh người dân xã Cẩm Điền được thêm 7,2 triệu đồng và hỗ trợ thêm 5% đất dịch vụ, tức là mỗi sào ruộng bị thu hồi nhân dân sẽ nhận được lại 18m2 đất dịch vụ. Thế nhưng, vẫn còn 91 hộ dân chưa đồng thuận với mức đền bù này.

Theo lý giải của ông Kiên, việc đền bù được thực hiện theo chính sách của Nhà nước và đã có văn bản rõ ràng, nhưng trong điều kiện này người dân cho rằng vẫn chưa thỏa đáng, “dân muốn đền bù nhiều nhưng chính sách của Nhà nước thì ít, chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, cơ bản là họ (người dân – PV) chấp hành theo các Nghị định của Chính phủ từ giai đoạn I, thế nên giờ đại đa số người dân vẫn chưa nhận, nhưng kể cả giờ nhiều người đề nghị nhận tiền để giao đất cũng không có tiền, nhiều kỳ họp tôi nhắc là dân chúng tôi đề nghị lấy tiền mà có cơ quan nào có tiền để trả cho dân, tiền này là tiền mà công ty thuê đất họ phải ứng tiền ra, ứng tiền cho ngân sách tỉnh, sau này trừ vào ngân sách tỉnh” – ông Kiên cho biết.

Con đường vào khu đất dịch vụ 5% ngập rác thải

Theo ông Kiên, KCN Phúc Điền cũng thuộc địa bàn xã Cẩm Điền vào thời gian năm 2003 được đền bù với giá 7,9 triệu/sào. Đến dự án KCN Cầm Điền – Lương Điền cũng có cái hơn, đó là Nhà nước hỗ trợ mỗi sào ruộng được 18m2 đất,  vừa ở vừa dịch vụ, bên cạnh đó cũng có cả đường điện, đường giao thông và nước sạch để phục vụ cho khu đất dịch vụ này, “nếu nói về chính sách đất đai ở Cẩm Điền so với tỉnh Hải Dương này là ưu việt nhất rồi đấy” – ông Kiên nói.

Vào thời điểm những năm 2008, 2009 người dân xã Cẩm Điền vì quá bức xúc với mức bồi thường và cách làm việc được cho là chưa thực sự “minh bạch” của chính quyền xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng và tỉnh Hải Dương nên đã tổ chức phản đối. “Chính việc người dân phản ứng nên kết quả mới ra số đất 5% ấy, xã Cẩm Điền so với tỉnh Hải Dương này có dự án nào có được số đất ấy”, ông Kiên cho biết.

“Cái đó là thực hiện theo Đảng và Chính phủ, là Nhà nước điều hành, Nghị định, chủ trương rồi, dân thì hiện là chưa đồng ý với mức đền bù, nhưng vẫn phải chấp hành theo chính sách của Đảng và Nhà nước vào giai đoạn chính sách ra đời chứ, Nghị định 69, rồi Nghị định 180, Nghị định 181, Nghị định 182, Luật Đất đai quy định giá cả đền bù từng giai đoạn của Hội đồng Nhân dân tỉnh theo hàng năm” – ông Kiên bày tỏ.

Theo ông Kiên, KCN Cẩm Điền – Lương Điền triển khai được hay không được là do tỉnh, xã chỉ thực hiện theo các hồ sơ văn bản của Nhà nước, cấp trên về để thông qua dân, để thấy được rằng dân phải thực hiện theo chủ trương, đường lối pháp luật của Nhà nước, theo kế hoạch của Nhà nước, có các văn bản, xã cũng chuyển tải cho dân nếu xã bớt chính sách này hay chính sách kia thì xã phải chịu trách nhiệm.

Ông Kiên cũng không khỏi bức xúc khi nhớ lại giai đoạn năm 2008, 2009 hai anh em ông bị mất hai cái xe máy vì dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền, “họp bàn cuối cùng là dân giăng biểu ngữ, dân đến nhà tôi đập phá nhưng xã đâu có hỗ trợ cái gì, dân họ nói là do Chủ tịch xã bán đất, bảo Chủ tịch xã bán đất nhưng thẩm quyền của Chủ tịch xã làm sao mà bán đất được…”

Thiên Di - Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến