KCN bỏ hoang: Chúng ta đã quá lãng mạn
09/04/2015 06:38:14
ANTT.VN - Hàng loạt dự án Khu công nghiệp (KCN) “xâm chiếm” tư liệu sản xuất của người nông dân ở những vị trí “bờ xôi ruộng mật” nhưng lại bỏ hoang nhiều năm, gây bức xúc cho dư luận.

Tin liên quan

GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Lấy tiền của nông dân nghèo cho các doanh nghiệp giầu thực hiện công nghiệp hóa

Liên quan đến các KCN lãng phí này, phóng viên ANTT đã có cuộc phỏng vấn với GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT. Ông Đặng Hùng Võ cho biết:

“Tôi cho rằng việc thu hồi các dự án KCN bỏ hoang hoàn toàn là việc phải làm, bởi vì đã quyết định đó là KCN từ quy hoạch cho tới việc triển khai nhưng không có năng lực triển khai được thì pháp luật đã quy định là phải thu hồi. Theo Luật Đất đai năm 2003, sau 12 tháng mà không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ thì phải thu hồi nhưng có trả lại tiền đã đầu tư. Theo Luật Đất đai năm 2013, sau 12 tháng hoặc 24 tháng không thực hiện được thì được kéo dài 24 tháng, sau 24 tháng đó sẽ thu hồi và không bồi thường”.

Có một số dự án KCN “bất động” một thời gian dài, ví dụ như KCN Cẩm Điền – Lương Điền ở Hải Dương đã bỏ hoang 7 năm, ông đánh giá thế nào về việc này?

Tôi cho rằng đó là trách nhiệm của những người làm quy hoạch và trách nhiệm của những người triển khai quy hoạch. Có thể xảy ra tình trạng chọn không đúng chủ đầu tư, chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc chủ đầu tư đủ năng lực nhưng KCN đó không thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh như vậy thì đều rơi vào tình trạng không sử dụng được. Ở đây chúng ta cần phải quy trách nhiệm, trong những trường hợp đó người nông dân mất đất, thậm chí họ không có cơ hội để có thêm thu nhập, nhưng đất mà đưa vào sủ dụng không sử dụng được thì gây ra tình trạng không chỉ thiệt hại về kinh tế mà nó còn gây nên cả những bất ổn xã hội. Tức là lúc đó bản thân những người nông dân sẽ suy nghĩ như thế nào về việc nhà nước thực hiện công nghiệp hóa, họ cho là đùa hay làm không đến nơi đến trốn và tự khắc nó dẫn đến những bất bình xã hội, tôi cho rằng điều đó còn thiệt hại hơn so với những thiệt hại về kinh tế.

Chắc chắn hiện nay chúng ta cũng chưa có chi tiết về việc xem xét, kỷ luật hoặc xử phạt đối với những người gây nên tình trạng này, chính vì thế mà sự lãng phí vẫn cứ tiếp diễn, vẫn cứ đang xảy ra, người ta làm mà không hết trách nhiệm, người ta làm mà không có tính toán chuyên nghiệp, điều này cũng là hệ quả tất yếu.

KCN Cẩm Điền - Lương Điền, tỉnh Hải Dương bỏ hoang 7 năm

Trên thực tế chúng tôi có đi khảo sát một số KCN ở miền Trung, ở Hải Dương và Hưng Yên, có trường hợp người dân muốn nhận tiền đền bù nhưng doanh nghiệp chưa tạm ứng cho ngân sách tỉnh, còn một bộ phận người dân chưa đồng thuận với giá đền bù. Ông có bình luận gì về giá đền bù cho những KCN này?

Đó chính là một mâu thuẫn khá lớn trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay, chúng ta cũng phải có đất mà công nghiệp hóa, điều đó thì ai cũng thấy rằng việc nhà nước thu hồi đất để tiến hành triển khai thành KCN là chuyện đương nhiên phải làm. Nhưng hay xảy ra những bất bình xã hội bởi tiền bồi thường không thỏa đáng, chuyện thỏa đáng hay không thỏa đáng dựa vào căn cứ giá đất ấy có phù hợp giá thị trường hay không, nhưng điều quan trọng hơn là người nông dân sau khi bị thu hồi đất thì đời sống có cao hơn hoặc ít nhất là bằng đời sống trước khi bị thu hồi đất hay không? đó chính là điều chúng ta phải làm. Nếu chính quyền địa phương không làm được điều này thì sẽ dẫn đến chuyện chúng ta lấy tiền của nông dân nghèo để cho các doanh nghiệp giầu đang thực hiện công nghiệp hóa, đấy là điều không đúng. Không có chủ trương nào của Đảng lại chấp nhận chuyện đó cả, nhưng trên thực tế các chính quyền địa phương vẫn đang làm như thế.

Điểm thứ hai nữa, sau khi thu hồi đất, giao đất làm công nghiệp thì đáng lẽ phải đưa ra hiệu quả kinh tế cao hơn, khi mà đất đó làm nông nghiệp, trên thực tế lại không làm được việc đó nữa thì chắc chắn tất cả những chuyện đang làm đều là sai, thực hiện sai chủ trương chính trị lẫn về pháp luật. Công nghiệp hóa là để tạo hiệu quả sử dụng đất cao hơn, chứ không phải làm công nghiệp hóa là để đất đai không đưa được vào sử dụng trong mục đích công nghiệp, thực sự đó là điều mà tôi cho rằng không những chính quyền địa phương mà cả những nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm với người dân mất đất mà còn phải chịu trách nhiệp cả đường lối phát triển của đất nước nữa, không làm được đúng đường lối phát triển bởi vì lấy đất của nông dân song không đưa được vào sử dụng để tạo được hiệu quả kinh tế cao hơn thì hỏng hẳn rồi. Tôi cho rằng chính vì những điều đó nên chúng ta phải sốc lại tinh thần trách nhiệm của cả chính quyền địa phương lẫn nhà đầu tư. Chúng ta phải đảm bảo được là những người mất đất thì có cuộc sống ít nhất phải bằng như trước chứ không thể cuộc sống người ta thấp hơn trước.

Nếu đảm bảo được điều kiện đó thì hẵng làm, còn nếu không đảm bảo được điều kiện đó thì không được làm.

Việc phát triển KCN một cách đúng nghĩa đem về rất nhiều lợi ích, tuy nhiên lại làm theo kiểu “phong trào”. Ông đánh giá thế nào về vai trò của KCN và thực trạng KCN hiện nay?

Nói về đường lối phát triển KCN là đúng, việc thu hồi đất của nông dân buộc phải làm để công nghiệp hóa đất nước, để đô thị hóa đất nước, chỉ có điều phải là phải làm như thế nào. Câu chuyện ở VN thường xuyên xảy ra là chủ trương thì đúng nhưng thực hiện thì xộc xệch, đó như bệnh kinh niên của VN, chúng ta cũng rất nhiều lần nhìn vào sự thật rồi xốc lại vấn đề nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa đảm bảo được chuyện đó.

Còn đánh giá chung về tình hình các KCN của cả nước thì thấy rằng cũng làm được nhiều việc, cũng vận hành được KCN và mang lại lợi ích kinh tế, chỉ có điều là VN rất yếu về khâu quy hoạch. Yếu là vì quá lãng mạn trong quy hoạch, vẽ bức tranh tương lai luôn luôn sáng sủa mà không tính đến trường hợp xấu nhất xảy ra, tức là rất thiếu thực tế trong khâu quy hoạch. Theo quy hoạch có từng này đất nhưng liệu có đủ tiền đầu tư để sử dụng hết quỹ đất hay không? chứ chỉ vẽ ra tương lai là hiện nay 70 nghìn ha rồi đến năm 2020 là phải có 200 nghìn ha KCN, đó là giấc mơ còn thực tế có tải được giấc mơ đó không lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta vẫn đang thiếu tầm nhìn và tầm thực tế trong việc quy hoạch, phải nhìn thấy quy hoạch thế nào để mang được tính khả thi nếu chỉ quy hoạch là ước mơ thì thực sự không phải.

Mặc cả như ngoài chợ

Theo khảo sát của chúng tôi tại KCN Lương Điền – Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương, ban đầu chính quyền nói chủ trương chỉ có 16,2 triệu/sào không hơn không kém, tuy nhiên sau khi nông dân phản đối thì lại có thêm 7,2 triệu đồng tiền hỗ trợ và thêm 5% đất dịch vụ, vậy vấn đề ở đây có gì đáng nghi vấn không?

Thực sự mà nói, đây cũng là nếp nghĩ mang tính tiểu nông của chính quyền nhiều địa phương, tức là cứ đưa ra một giá bồi thường thấp nghĩ rằng như vậy thì chính quyền có lợi, chủ đầu tư có lợi, ưu ái nhà đầu tư nhưng sự thật là khi bị nông dân lên tiếng phản đối, bị áp lực từ phía nông dân thì lại như mặc cả ngoài chợ, giãn thêm một tí rồi thêm khu dịch vụ để cố gắng thỏa mãn được người nông dân. Tôi cho rằng nên tính một lần, tính kỹ hết đi, tính làm sao người nông dân sau khi bị thu hồi đất người ta vẫn có khả năng sinh sống, ít nhất là bằng khi người ta còn đất, hãy làm việc đó một cách thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, đừng làm chuyện với người nông dân cứ như mặc cả ngoài chợ, đó là cách tư duy hoàn toàn tiểu nông và tiểu thương, tôi không đồng ý với cách làm như vậy. Hãy tính một lần cho đàng hoàng và có trách nhiệm với người nông dân, có trách nhiệm với những người bị thu hồi đất tự khắc chúng ta sẽ thấy mọi việc sáng sủa.

Ở đây chúng ta thấy, không đảm bảo được thì phải nhích tiền bồi thường dần, nhưng lại không chịu tìm hiểu cặn kẽ nhà đầu tư có đủ năng lực hay không, tất cả những điều đó là do chưa có cách suy nghĩ chuyên nghiệp, chưa đưa ra được dự báo mang tính chuyên nghiệp để biết được rằng người nông dân thực sự cần gì, chủ đầu tư thực sự cần gì, tất cả những điều đó là bị rối giữa chính quyền địa phương – chủ đầu tư – nông dân bị mất đất, vì rối nên làm theo nếp nghĩ không công nghiệp và vướng phải hệ lụy xã hội thì cũng là tất yếu.

Việc các chủ đầu tư ban đầu hứa hẹn sau khi xây dựng KCN sẽ cho người dân địa phương vào làm công nhân, nhưng thực tế họ lại lấy công nhân từ nơi khác, ông bình luận gì về điều này?

Tôi cho rằng đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, bởi chuyện thu xếp việc một cách thực sự cho người nông dân địa phương đấy là một chủ trương rất mạch lạc trong chính sách của ta. Trên thực tế các chủ đầu tư họ vẫn làm theo kiểu của họ, có thể họ đã mở cơ sở đào tạo hoặc liên kết với cơ sở đào tạo ở đâu đó và đưa người đến, người ta không thích dùng người của địa phương, chủ đầu tư như vậy là không đúng và không hết trách nhiệm. Lẽ ra phải ưu tiên chứa lao động địa phương được nhiều nhất, trong khi địa phương cũng phải có lao động dôi dư, phải chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp vì làm gì còn đất để làm nông nghiệp thì họ lại phải tính cho con cái họ đi xuất khẩu lao động, đấy chính là cái “chéo giò” trong thực thi chính sách, chính sách rất đúng nhưng trong thực thi cứ bị xộc xệch, là do trách nhiệm của nhóm người này với nhóm người khác không hết, trách nhiệm với cả đất nước không hết.

Trách nhiệm DN đã vậy còn trách nhiệm của chính quyền địa phương là gì trong việc này, thưa ông?

Chính quyền địa phương hiện nay vẫn đứng về phía DN, vì DN là người có tiền và không đứng về phía bảo vệ người nông dân mất đất, chính vì vậy chính quyền địa phương thường hay bị công kích rằng thiên về phía DN nhiều quá. Chính quyền địa phương cũng lại có giải thích rằng đang làm nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nghiệp hóa vì đấy là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng tôi cho rằng ở đây phải nhìn vào thực chất, thực chất nhiều chính quyền địa phương vẫn đứng về phía DN nhiều hơn là bởi có lợi ích phi chính thức ở đây, từ đó tạo sức ép, thậm chí chính quyền địa phương đối đầu với nông dân thì điều đó là điều càng không nên làm, tức là làm việc đó sẽ tạo hiệu ứng xã hội không cần thiết mà đáng lẽ chính quyền địa phương phải đảm bảo lợi ích hài hòa thì lúc đó mới đảm bảo ổn định xã hội. Nếu không người nông dân bắt buộc phải chịu họ sẽ phản ứng gay gắt và điều đó không có lợi cho địa phương, khi lòng dân bất ổn chính quyền địa phương phải chịu trận nhiều nhất với sự bất ổn đó.

Thực tế đầu tư công nghiệp hóa ở VN vừa rồi rút ra được một điều là chúng ta gọi vốn đầu tư quá nhiều nhưng lại thiếu hiệu quả kinh tế. Thứ nữa, các mặt hàng không nghiệp VN hiện nay có cái gì? Điểm lại thì sản phẩm CN ở VN hiện chưa có gì nhiều lắm chủ yếu là gia công may mặc, giầy da, nông sản, chế biến nông sản, với một hàm lượng công nghệ không cao trong khi những sản phẩm công nghệ cao mang tính đặc thù của VN thì gần như rất thiếu, chúng ta đang phát triển mà không tính toán cẩn thận về tính cạnh tranh của các sản phẩm CN, bởi lúc này chúng ta chỉ gắn với công nghệ cao thì mới có được sản phẩm đặc thù nếu không chúng ta sẽ chỉ suốt đời đi may mặc, suốt đời đi đóng giầy, thành phố vụn vặt, nhà liền kề, vỉa hè đông đúc, dân chủ yếu đi xe máy, tức là triết lý phát triển của VN đang có vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đã nhìn ra, chúng ta nhìn ra cả chỉ có điều thực tế phát triển và chủ trương chưa khớp được với nhau.

Mắc vì đút lót, bôi trơn

Nhiều KCN hiện đang trong quá trình chuyển giao giấy tờ giữa chủ đầu tư mới và chủ đàu tư cũ, vậy địa phương nên rút kinh nghiệm như thế nào để không gặp phải tình trạng KCN tiếp tục bỏ hoang 7 năm như trước đây?

Tôi cho rằng nhược điểm chung của cả nước, đặc biệt nhược điểm này xuất hiện ở rất nhiều địa phương khi ham cho nhiệm kỳ của mình kéo được nhiều vốn đầu tư, ham trong nhiệm kỳ của mình có nhiều KCN, đó là thành tích của địa phương cũng như thành tích của vị lãnh đạo tỉnh, huyện trong nhiệm kỳ đó. Chính vì thế mà không thận trọng về quy hoạch từ đó dẫn đến việc lựa chọn “đại” nhà đầu tư, nghe nhà đầu tư nói là chính chứ không kiểm nhiệm nhà đầu tư đó thực chất như thế nào, các nước họ xem năng lực nhà đầu tư dễ lắm, họ lấy báo cáo kế toán hàng năm, báo cáo tài chính hàng năm, họ nhìn là biết nhà đầu tư này như thế nào. Còn ta thì tường nghe nhà đầu tư giới thiệu mà đôi khi họ giới thiệu quá năng lực của mình, từ đó ghép quy hoạch một cách lãng mạn với việc giới thiệu rất lãng mạn của nhà đầu tư thành ra ta nhận thức sai tình hình, chính vì thế dẫn đến tình trạng có những nơi 7 năm, 10 năm thu hồi đất rồi mà vẫn cứ để yên.

Ở đây rút kinh nghiệm chúng ta xem lại công tác quy hoạch, xem lại việc lựa chọn nhà đầu tư đúng hay không đúng, còn những nhà đầu tư chậm triển khai thì do thiếu năng lực, không đủ năng lực thì phải cương quyết, chỉ có điều ở VN một điểm rất chốt là mối quan hệ giữa chủ đầu tư với địa phương thường lại có cái gắn với tham nhũng, yếu tố đút lót, yếu tố bôi trơn làm cho các địa phương khó xử lý các nhà đầu tư sau khi mình đã lựa chọn, chúng ta phải nhìn lại thẳng thắn và có sự trấn chỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Thiên Di – Ninh Giang
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến